(TG)- Theo kế hoạch, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) sẽ được tổ chức vào ngày 26/5/2020 tại Quảng Ngãi.
Báo cáo tài chính hợp nhất của BSR được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho thấy, vượt lên những khó khăn của năm 2019, BSR đã đạt lợi nhuận sau thuế cao hơn kế hoạch điều chỉnh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vay nợ giảm mạnh, dòng tiền hoạt động chuyển biến tích cực.
Lọc hóa dầu Bình Sơn giảm mạnh vay nợ, tăng tiền gửi
Kết thúc năm 2019, trong điều kiện kinh doanh khó khăn với biến động bất thường của giá dầu thế giới, BSR đạt 102.824 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 2.873 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết quả này cho thấy những nỗ lực vượt bậc của BSR trong việc khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của biến động giá dầu.
2019 là năm khó khăn của ngành công nghiệp lọc hóa dầu khi từ tháng 4 đến tháng 8/2019, giá dầu thô luôn giảm và tháng 9, giá có xu hướng nhích lên nhưng lại quay đầu giảm trong tháng 10. Đặc biệt, khoảng chênh lệch giá giữa sản phẩm và dầu thô (crack margin) bị thu hẹp rất nhiều so với dự báo. Thậm chí, trong 2 tháng đầu năm và tháng 6/2019, có những thời điểm giá xăng Mogas A92/A95 thấp hơn giá dầu thô.
Khi biên lợi nhuận gộp giảm, BSR đã tìm những biện pháp để vượt qua khó khăn đến từ nỗ lực duy trì công tác vận hành nhà máy ổn định ở 107% công suất thiết kế; sản lượng đạt hơn 6,9 triệu tấn, vượt 7% so kế hoạch; nộp ngân sách đạt 10.321 tỷ đồng, vượt 12% so kế hoạch và riêng chỉ tiêu sản lượng, BSR đã “về đích sớm” 26 ngày. Công ty cũng tìm cách kiểm soát, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản xuất, đàm phán với nhà cung cấp và khách hàng để kiểm soát các khoản phải thu, tồn kho,… kết quả là bức tranh tài chính, dòng tiền của doanh nghiệp ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Tính đến 31/12/2019, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của BSR chỉ còn 6.298,4 tỷ đồng, tương đương 11,75% tổng nguồn vốn, giảm 3.833 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Dư nợ giảm giúp chi phí tài chính cả năm ở mức 416,1 tỷ đồng, giảm 48% so với năm 2018, trong đó chi phí lãi vay là 359,9 tỷ đồng, giảm 21%.
Ngược lại, tính đến cuối năm 2019, tổng số dư tiền và tiền gửi các loại của BSR đã đạt 8.356 tỷ đồng, tăng 45% so với đầu năm. Như vậy, lượng tiền mà BSR đang sở hữu đã vượt 32,6% dư nợ vay còn lại. Nguồn tiền tích lũy lớn cũng giúp Công ty thu về 536,8 tỷ đồng doanh thu tài chính, trong đó có 339 tỷ đồng là thu từ lãi tiền gửi, gần như tương đương với chi phí lãi vay phải trả.
Báo cáo tài chính sau kiểm toán cũng cho thấy dòng tiền hoạt động kinh doanh của BSR tiếp tục thặng dư 4.937 tỷ đồng trong năm 2019. Việc quản lý vốn lưu động hiệu quả, trong khi nhà máy hoạt động ổn định và không có đầu tư lớn phát sinh đã giúp BSR trả các khoản nợ vay đầu tư nhà máy đúng thời hạn, đồng thời vẫn còn thặng dư để tích lũy.
Kỳ tích có lặp lại như năm 2019?
Tháng 1 năm 2020, tiếp bước đà tăng trưởng của năm 2019, BSR vẫn đạt các kết quả sản xuất kinh doanh khả quan với các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và nộp ngân sách, lợi nhuận đều vượt so với kế hoạch tháng.
Tuy nhiên, bước sang tháng 2, 3 và tháng 4, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn khiến cho tồn kho của Nhà máy luôn cao (có thời điểm trên 90%), kèm theo giá dầu giảm mạnh và kéo dài đã làm cho BSR chịu tổn thất giảm giá hàng tồn kho lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Kết quả sản xuất kinh doanh của BSR trong 4 tháng đầu năm vô cùng khó khăn, lợi nhuận quý I/2020 bị âm 2.332 tỷ đồng và dự kiến sẽ còn kéo dài đến đến quý II/2020.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, BSR đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh với sản lượng đạt 5,56 triệu tấn; doanh thu 80.685 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước khoảng 7.404 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.185 tỷ đồng. Đây là kịch bản kinh doanh với giá dầu ở mức 60 USD/thùng. Nay giá dầu đã tuột dốc và có thời điểm về dưới 20 USD/thùng nên tại đại hội lần này, các cổ đông phải thảo luận rất kỹ, chi tiết, đề ra các giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm với mục tiêu Nhà máy hoạt động an toàn, ổn định, nhanh chóng khôi phục hiệu quả sản xuất khi doanh khi hết dịch và giá dầu hồi phục, duy trì đóng góp cho ngân sách.
Bằng bản lĩnh và kinh nghiệm ứng phó với khó khăn khi giá dầu biến động lớn, BSR đã triển khai đồng loạt các giải pháp như giảm công suất vận hành đến mức tối ưu, nỗ lực giải phóng hàng để giảm áp lực tồn kho và giảm thiểu giảm giá hàng tồn kho, hỗ trợ khách hàng tiêu thụ sản phẩm, gửi hàng để đảm bảo an toàn sản xuất, đàm phán với các nhà cung cấp dầu thô về giãn tiến độ nhận hàng, làm việc với các ngân hàng để vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, BSR luôn chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, tiết giảm, chống lãng phí và đã tiết giảm 23,3% so với kế hoạch.
Với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các cổ đông; dịch Covid-19 ở Việt Nam đang được kiểm soát và sự ấm lên của thị trường dầu mỏ trong thời gian tới, BSR kỳ vọng sẽ nhanh chóng giảm thiểu các tổn thất, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn và từng bước nâng cao hiệu quả.
Thành Lê