Nếu nhìn về thời điểm đầu nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, khó ai có thể hình dung rằng từ chỗ “chập chững” làm quen với khái niệm Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng chỉ dừng ở một mức độ nhất định, 5 năm sau, Việt Nam đã được ghi nhận với những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực này.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam Carolyn Turk nhận định Việt Nam đã thực sự thúc đẩy quá trình chuyển đổi số với việc triển khai các dịch vụ công đa dạng trên không gian số và khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia đầu tiên.
Đặc biệt, gần đây, Chính phủ đốc thúc triển khai cơ sở dữ liệu kỹ thuật số cho căn cước công dân, quản lý an sinh xã hội và đất đai...
TỪ NHỮNG PHÀN NÀN...
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vào tháng 11/2017, khái niệm Chính phủ số chưa được đại biểu nào đề cập đến khi chất vấn Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông. Mọi câu hỏi đều xoay quanh Nghị quyết 36a về xây dựng Chính phủ điện tử và báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho cải cách thủ tục hành chính còn thấp và mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử còn xa.
"Người dân cũng như doanh nghiệp chưa hài lòng, còn phàn nàn rất nhiều về việc chưa được hưởng hệ thống dịch vụ công tiện lợi như Chính phủ đã cam kết và cho rằng dường như ở đây có biểu hiện lãng phí trong đầu tư công," đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đặt vấn đề.
Bà cũng chất vấn Tư lệnh ngành này: “để diễn ra tình trạng chậm trễ và thiếu hiệu quả, trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu, của Bộ đến đâu để xây dựng thành công Chính phủ điện tử. Ngoài các giải pháp hướng ngoại như đôn đốc, phối hợp, hướng dẫn như trong báo cáo nói, có giải pháp nào đủ mạnh dành cho việc nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Bộ với tư cách là cơ quan quản lý trong lĩnh vực này."
Như lời đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên), việc triển khai Chính phủ điện tử chưa cao, chưa đạt được kỳ vọng và chưa tương xứng với tiềm năng cũng như mức độ đầu tư của Nhà nước. Nguyên nhân của thực trạng này là do đầu tư chưa đúng trọng tâm, nhiều địa phương cung cấp tới gần 1.000 thủ tục hành chính, nhưng không phát sinh hồ sơ nào trên môi trường điện tử.
Các dịch vụ công được cung cấp chủ yếu thuộc lĩnh vực ít nhu cầu sử dụng, chưa tập trung vào lĩnh vực giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân là do chưa có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước. Người đứng đầu chưa tham gia chỉ đạo, điều hành trên mạng. Thực tế trên dẫn tới lãng phí cả về kinh phí, công nghệ, cơ sở vật chất hạ tầng cũng như lãng phí về nguồn nhân lực.
Bà đặt câu hỏi về “trách nhiệm của Bộ như thế nào đối với vấn đề lãng phí nêu trên và làm thế nào nâng cao hiệu quả của việc triển khai Chính phủ điện tử trong thời gian tới."
... ĐẾN NHỮNG BỨT PHÁ
Trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2019), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một vị tướng quân đội am tường lĩnh vực công nghệ thông tin được phê chuẩn giữ vị trí đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông chưa được bao lâu (gần 13 tháng), đã mạnh dạn đề cập đến thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ điện tử hiệu quả, song hành với đó là phát triển nền kinh tế số, doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số.
Con số đáng chú ý được Bộ trưởng nêu ra vào năm 2019 là Việt Nam có khoảng 50.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trừ những doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại, còn khoảng 30.000 doanh nghiệp làm công nghệ, đây là lực lượng rất lớn và tỷ lệ này so với các quốc gia khác là rất cao. Bộ có chủ trương tăng lên 100.000 doanh nghiệp đến năm 2025 để phục vụ cho chuyển đổi số, thông qua đó hình thành các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn của Việt Nam.
Theo kết quả đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam xếp vị trí thứ 88/193 quốc gia, đứng thứ 6/11 quốc gia ASEAN. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử đã đóng góp quan trọng trong cải cách hành chính, rút ngắn thời gian, giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Nhận thức và quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử của tất cả các cấp ngành ngày càng được nâng cao.
Ngày 24/3/2021 - ngày khai mạc Kỳ họp thứ 11, trước gần 500 đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể tự tin báo cáo rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai và thực hiện hiệu quả Nghị quyết phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Các nền tảng Chính phủ điện tử được tập trung phát triển, tích hợp.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2020 của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2016, xếp thứ 86/193 quốc gia.
Việt Nam phát triển nhanh Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Năm 2019, nước ta xếp thứ 5/50 quốc gia dẫn đầu thế giới về gia công phần mềm; xếp thứ 2/10 quốc gia về sản xuất điện thoại di động và linh kiện. Các sản phẩm số do doanh nghiệp Việt Nam sáng tạo, sản xuất - “Make in Viet Nam” - đang mạnh mẽ vươn ra toàn cầu.
Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam vào Top 50 về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu được triển khai bài bản, kịp thời.
Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ được Chính phủ gửi đến Quốc hội, với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ quán triệt quan điểm chỉ đạo về xây dựng Chính phủ điện tử: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn”; thành lập cơ quan chỉ đạo liên ngành ở Trung ương là Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban và tại các bộ, ngành, địa phương là các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.
Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp như: trục liên thông văn bản quốc gia; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-Cabinet); Cổng Dịch vụ công quốc gia - hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp; hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Dịch COVID-19 đem đến cho chúng ta thử thách, nhưng cũng là cơ hội để thúc đẩy nhanh quá trình số hóa, tạo áp lực lên mỗi bộ, ngành, địa phương phải chuyển đổi mạnh mẽ. Các cơ quan quản lý nhà nước đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và đến cuối năm 2020 đạt trên 30%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra. Một số bộ, cơ quan xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.
NHẬN THỨC VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ SONG HÀNH CÙNG VỚI CÁC QUỐC GIA TIÊN TIẾN
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết triển khai chính thức từ ngày 12/3/2019, phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước, đến nay, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử tới 100% cơ quan bộ, ngành, địa phương (167 điểm kết nối); hơn 22.000 đơn vị đã đăng ký mã định danh, thường xuyên gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống; hơn 4,5 triệu văn bản điện tử đã được gửi, nhận qua trục; giúp tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng/năm.
Trục liên thông văn bản quốc gia được xây dựng và phát triển dựa trên công nghệ tiên tiến trên thế giới, được bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật về công nghệ thông tin và truyền thông và khoa học công nghệ năm 2019, đạt giải Vàng của Giải thưởng Kinh doanh quốc tế năm 2019 tổ chức tại Cộng hòa Áo.
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ khai trương từ ngày 24/6/2019, đến nay đã phục vụ 27 phiên họp Chính phủ và hơn 674 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế hơn 248 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy; tiết kiệm chi phí khoảng 169 tỷ đồng/năm. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp hơn 2.800 dịch vụ công trực tuyến trên 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, đạt 39% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%); hơn 116 triệu lượt truy cập; hơn 468 nghìn tài khoản đăng ký. Gần 43 triệu hồ sơ đồng bộ trên Cổng dịch vụ công; hơn 940.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và trên 42.000 giao dịch thanh toán điện tử…
Các hệ thống thông tin này đã tạo sự thay đổi rõ rệt trong phương thức làm việc giữa các cơ quan hành chính nhà nước và giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp, vừa tạo "lực kéo," vừa tạo “lực đẩy” trong triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Tính chung tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ cải cách thủ tục hành chính và vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử khoảng 15.200 tỷ đồng/năm.
Trước đó, tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2020 là năm dấu mốc của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, là năm định hình tầm nhìn cho sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông trong 10 năm tới. Ngành xác định chuyển đổi số sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng.../.
Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)