Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 23/9/2019 11:32'(GMT+7)

Lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và 10 năm

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

TÍNH CẤP THIẾT

Việt Nam đã cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, gồm 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể. Theo đó, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, xác định đến 2020, lồng ghép đầy đủ các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào nội dung Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030.

Trong những năm vừa qua, quan điểm phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch và chính sách trên tất cả các ngành, lĩnh vực như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia thực hiện tăng trưởng xanh, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020...

Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là các chỉ tiêu: Tỷ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn dưới 7% năm 2017; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,4% năm 2017; Tỷ lệ học sinh hoàn thành giáo dục tiểu học là 99,7% năm học 2016-2017; Hơn 99% các hộ gia đình Việt Nam đã được tiếp cận với điện năm 2016; Tăng trưởng GDP từu năm 2015- 2018 đạt tương ứng 6,7% - 6,2% - 6,8% - 7,08%.

Để tiếp tục thực hiện thành công 17 mục tiêu phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ Kế hoach và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng, lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 là quan trọng và cần thiết. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá và lựa chọn những mục tiêu phù hợp để lồng ghép trên cơ sở đánh giá tổng quan kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2011-2020 và các Chiến lược phát triển ngành; phân tích kết quả đạt được, hạn chế và những khoảng trống/khoảng cách so với mục tiêu đã đề ra.

Thực tế, trong giai đoạn vừa qua, vẫn còn nhiều nội dung chưa được xem xét thấu đáo như tính đồng bộ của mục tiêu chung của Chiến lược phát triển quốc gia với mục tiêu Chiến lược phát triển của các ngành, các địa phương; tính thống nhất trong cách tính toán các chỉ tiêu thống kê; sự lựa chọn các tiêu chí có tính đại diện và khả thi đối với các cấp, các ngành.

LỒNG GHÉP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thứ nhất, về quan điểm của Chiến lược

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, nhận thức về phát triển bền vững ở các cấp, các ngành và cả xã hội ngày càng thống nhất, sâu sắc, thực sự coi trọng sự gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế phồn vinh với xã hội hài hòa và bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Do vậy, phát triển nhanh nhưng phải bền vững tiếp tục cần được coi là một quan điểm xuyên suốt trong giai đoạn 10 năm tới, với cách tiếp cận phát triển nhanh để duy trì ổn định, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, dựa trên sự thúc đẩy mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thành quả của phát triển là dành cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai, về mục tiêu của Chiến lược

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 cần thể hiện rõ mong muốn phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Xét theo từng nhóm mục tiêu cụ thể, nhiều mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cần được lồng ghép vào nội dung của Chiến lược đảm bảo sự đồng bộ, hợp lý giữa các khía cạnh kinh tế-xã hội-môi trường.

Các mục tiêu phấn đấu được xây dựng dựa trên những phân tích, đánh giá khách quan, trung thực về bối cảnh, nguồn lực phát triển và khát vọng vươn lên của dân tộc.

Chiến lược giai đoạn này cần đề ra mục tiêu hoàn thành sớm các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030. Theo đó, đến năm 2030, có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiều chỉ tiêu phấn đấu dự kiến được lựa chọn đưa vào Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 như tăng trưởng GDP bình quân năm, tốc độ tăng năng suất lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường…

Thứ ba, về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược

Đại diện Lãnh đạo Bộ Kế hoach và Đầu tư cho rằng, cần thể hiện rõ việc: Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; từng bước phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục - đào tạo. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp tục xây dựng Nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ phát triển; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính.

Thứ tư, tổ chức thực hiện Chiến lược

Để thực hiện tốt các nội dung lồng ghép về các mục tiêu phát triển bền vững trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và 2021-2025, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung khuyến nghị:

Cần tạo lập các cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước cho việc thực hiện, phải có các chế phối hợp hiệu quả để đảm bảo sự gắn kết về mặt chính sách cả theo chiều dọc và chiều ngang, trong đó xem xét vai trò của các tổ chức, đoàn thể khác nhau.

Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan, trong đó Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng giám sát thực hiện và phản biện xã hội trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đóng vai trò huy động cộng đồng doanh nghiệp tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Chính phủ cần ưu tiên huy động và phân bổ nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Có chính sách huy động sự tham gia của khu vực tư nhân trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Xây dựng và ban hành các chỉ tiêu phát triển bền vững ngành/lĩnh vực phù hợp với đặc thù của mỗi ngành/lĩnh vực. Xây dựng và ban hành bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững cấp địa phương. Nghiên cứu, tính toán các chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững của Chiến lược để công bố theo lộ trình. Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện phát triển bền vững./.

Lan Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất