Thứ Ba, 1/10/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 23/8/2008 22:6'(GMT+7)

Lũ lụt Tây Bắc và bài học trong việc bố trí dân cư miền núi

Nơi đây từng là cánh đồng màu mỡ

Nơi đây từng là cánh đồng màu mỡ

Làng Cuông 3, xã Xuân Hòa, huỵên Bảo Yên, tỉnh Lào Cai có mấy chục nóc nhà của đồng bào người Dao dựng ngay dưới chân núi, bên một con suối đổ nước ra dòng sông Chảy. Đồng bào di cư từ huyện Bắc Hà sang, thấy có suối nước, họ dựng nhà để ở mà không hề nghĩ đến mối nguy hiểm đe dọa mình. Đợt lũ vừa rồi, nước suối chảy xiết, cuốn phăng 4 ngôi nhà trong đêm, mọi người chỉ kịp bỏ của chạy thoát thân, 16 người bị lũ cuốn ra sông Chảy, nếu không được cứu kịp thời thì chẳng biết hậu quả sẽ ra sao.

Làm nhà bên bìa rừng và suối lớn là thói quen của người Dao. Thói quen này có từ khi những cánh rừng chưa bị tàn phá, rừng là lá chắn bảo vệ vững chắc cho người Dao. Trong một số hương ước của người Dao, có ghi rõ nghĩa vụ bảo vệ rừng cũng như hình phạt đối người phá rừng, làm mất nguồn nước của làng. Đó là chuỵên của ngày xưa. Còn bây giờ, khi diện tích rừng ngày càng thu hẹp, núi đồi trơ trụi, tình trạng nứt núi, lở đất, lũ quét liên tục xảy ra thì lập làng dưới chân núi, ven sông suối là hết sức nguy hiểm. Tai họa ở thôn Tùng Chỉn 1, xã Trịnh Tường là một ví dụ. Thôn Tùng Chỉn 1 nằm ở trung tâm của thung lũng được tạo nên bởi hai dãy núi chạy song song từ trung tâm xã Trịnh Tường, kéo dài 7 km rồi hợp nhất lại tạo thành một vòng cung. Khu đất này rất thấp, ngay vị trí "cửa xả" của suối Tùng Chỉn sau một đoạn chảy dài bị thắt lại bởi những quả đồi. Vì vậy, khi mưa to 2 ngày liên tục, suối Tùng Chỉn như một hồ chứa lớn được mở cửa xả, bao nhiêu nước, đất và đá cuồn cuộn ào về vùi lấp toàn bộ 21 ngôi nhà trong thôn, gây nên cái chết thương tâm của 19 người dân. Đành rằng do thiên tai, nhưng mất mát to lớn này là bài học đắt giá cho công tác qui họach, sắp xếp chỗ ở, đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc vùng miền núi phía Bắc.

Mấy chục hộ mất nhà ở thôn Tùng Chỉn 1 đã nhận đất làm lại nhà trên một khu đất mới. Nhưng toàn huỵên Bát Xát còn hơn 600 nhà trong diện nguy hiểm cần phải di dời khẩn cấp. Ông Lý Seo Dìn, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho rằng cần phải thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, làm nhà phân tán của đồng bào các dân tộc miền núi. Bây giờ cuộc sống đã khác, muốn có điện, có nước, có trạm y tế, trẻ con được đi học và nhất là tránh được lũ lụt, sạt lở núi thì phải sống tập trung trên những khu đất được qui hoạch.

Tuy nhiên, tập trung mấy chục, hay mấy trăm hộ là đủ cho một khu tái định cư, làm nhà theo kiến trúc truyền thống hay hiện đại, diện tích vườn, đất sản xuất thế nào, cách nơi ở bao nhiêu là vừa… Đây là những câu hỏi mà những người làm công tác tái định cư, chính quyền địa phương và ngành chức năng phải quan tâm, nếu không thì tiền của, công sức bỏ ra sẽ là vô ích, và tai học vẫn vẫn xảy ra. Chúng ta từng trả giá khi xây dựng những khu tái định cư các công trình thủy điện, người dân không thể sống trong những ngôi nhà bê tông, san sát nhau như thành phố, muốn nuôi con gà, con lợn cũng không có chỗ, đất sản xuất thiếu, đồng bào lại bỏ khu tái định cư trở về làng cũ, bất chấp những hiểm nguy luôn rình rập mình. Bài toán này sẽ không có lời giải nếu các tỉnh miền núi phía Bắc không gắn công tác tái định cư với các chương trình khác của Chính phủ như cấp đất ở, đất sản xuất, phát triển hệ thống giao thông miền núi, Chương trình 134, 135, chương trình trồng và bảo vệ rừng…

Ông Hoàng Thanh Lượng – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, đây cũng là khó khăn của Yên Bái nói riêng và các tỉnh miền núi Tây Bắc nói chung. Việc di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, tỉnh cũng có một chương trình thực hiện trong vài ba năm trở lại đây, nhưng mới chỉ thực hiện được khoảng 3.000 hộ trong số hơn 10.000 hộ. Chính phủ cũng có đầu tư nhưng cũng chỉ có mức độ. Cho nên ngân sách tỉnh cũng phải huy động, đồng thời cần có sự hợp tác của các ngành, của từng hộ gia đình.

Từ Bát Xát đến Sa Pa, Bảo Yên; từ Lào Cai đến Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, bao nhiêu người chết vì lũ lụt là bấy nhiêu hoàn cảnh thương tâm, là nỗi đau quặn lòng cho những người còn lại. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vùng lũ lụt Tây Bắc đang làm hết sức mình để nhanh chóng hàn gắn những mất mát, ổn định cuộc sống người dân vùng bị thiệt hại nặng do lũ lụt. Những bài học về công tác 4 tại chỗ trong phòng tránh thảm họa thiên nhiên, công tác dự báo, cảnh báo lũ bão, huy động lực lượng, phương tịên cứu hộ người dân vùng lũ quét đang được chính quyền và ngành chức năng các tỉnh Tây Bắc tổ chức rút kinh nghiệm. Trong đó, công tác di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở núi, sạt lở ven sông suối phải luôn được đặt lên hàng đầu.

“Một con ngựa đau, cả tàu cùng héo”. Sống cùng người dân vùng lũ, đau thắt lòng với nỗi đau mất người thân của bà con mới thấy câu nói: “Đừng để mất bò mới lo làm chuồng” của ông cha ta ngày xưa, nghe rất giản đơn, mà lại thâm sâu ý nghĩa đến chừng nào?./.

Theo Vân Thiêng- VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất