Thứ Ba, 15/10/2024
"Tuổi cao, Gương sáng"
Thứ Ba, 1/10/2024 8:0'(GMT+7)

Lòng son sắt của người cao tuổi đối với Đảng, Nhà nước

Nhân kỷ niệm 83 năm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam (6/6/1941-6/6/2024), sáng 6/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp mặt, chúc mừng đoàn đại biểu người cao tuổi tiêu biểu toàn quốc. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 83 năm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam (6/6/1941-6/6/2024), sáng 6/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp mặt, chúc mừng đoàn đại biểu người cao tuổi tiêu biểu toàn quốc. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

KHẲNG ĐỊNH SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA NGƯỜI CAO TUỔI

Năm 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, cùng một số đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng trực tiếp nhóm lên ngọn lửa cách mạng ở Cao Bằng. Qua những tư liệu lịch sử và những câu chuyện truyền miệng của người dân trong vùng cho thấy, người cao tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng đã sớm giác ngộ đi theo cách mạng, hết lòng ủng hộ vật chất và tinh thần, che chở an toàn tính mạng cho lãnh tụ và cán bộ. Vì thế, khi viết “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” (6/6/1941), Hồ Chí Minh đã có cảm xúc lịch sử và sự trải nghiệm thực tiễn cách mạng của đồng bào Cao Bằng, đặt niềm tin tưởng vững chắc vào sức mạnh ý chí, nghị lực và lòng yêu nước của người cao tuổi Việt Nam dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Nhờ có người cao tuổi làm rường cột, anh dũng tham gia hoạt động cách mạng, Mặt trận Việt Minh (do Đảng làm hạt nhân lãnh đạo) đã mau chóng trở thành lực lượng đoàn kết rộng khắp vùng Việt Bắc, rồi lan tỏa khắp mọi miền, cùng hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc. Chớp thời cơ “ngàn năm có một” đến, người cao tuổi mọi miền đất nước đã làm ngọn đuốc sáng trong đoàn quân vùng lên tổng khởi nghĩa, như nước vỡ bờ, nhấn chìm bọn đô hộ, giành lại độc lập.

Sau Tuyên ngôn độc lập, nước nhà rơi vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, người cao tuổi tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho chế độ mới. Họ gương mẫu thực hiện chính sách của Chính phủ về diệt giặc dốt, đẩy lùi giặc đói, cản bước thù trong giặc ngoài; hưởng ứng “Tuần lễ Vàng” do Chính phủ Hồ Chí Minh phát động đã đón nhận được hàng trăm ki lô gam vàng, thể hiện tấm lòng yêu nước, quyết chí bảo vệ thành quả cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trải qua 30 năm kháng chiến trường kỳ vệ quốc, các cụ bạch đầu quân từ Nam ra Bắc, từ núi rừng cheo leo tới đồng bằng, vùng biển, dù là người Kinh hay người dân tộc thiểu số, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo…, hết thảy đều nêu cao ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Họ là lực lượng đặc biệt, vừa xông trận vừa động viên con cháu ra tiền tuyến.

Bác Hồ với người cao tuổi.

Bác Hồ với người cao tuổi.

Nhiều điển hình “Tuổi cao chí càng cao” của người cao tuổi Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã được ghi công trong sử vàng dân tộc, trở thành nguồn cảm hứng thi ca còn mãi với thời gian, được người đời tạc thành tượng đài bất tử. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng sáng ngời cho người cao tuổi học tập, noi gương, sống trọn đời cho Đảng, Tổ quốc và nhân dân. 55 năm sau ngày Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng, Di chúc thiêng liêng của Người tiếp tục được người cao tuổi nước nhà tận tâm, tận lực hiện thực hóa. Trong các lễ biểu dương việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có vô vàn tấm gương người cao tuổi mẫu mực. Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam, có tới 11 người ruột thịt ra đi vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, trở thành hình tượng bất tử cho tinh thần kiên trung của Mẹ Việt Nam anh hùng.

Công cuộc đổi mới đất nước qua gần 40 năm đạt nhiều thành tựu có tính lịch sử, cũng có một phần công lao to lớn của người cao tuổi nước nhà. Hiện nay, cả nước có trên 7 triệu người cao tuổi trực tiếp tham gia lao động, sản xuất kinh doanh, nhiều người thành công trong khởi nghiệp, tích cực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Chương trình xây dựng nông thôn mới ngày một khang trang, cũng nhờ một phần có những người cao tuổi biết hiến công, hiến đất, cần cù lao động làm ra của cải vật chất nuôi sống xã hội, chăm hoa tỉa cành làm thi vị cuộc sống, say đắm với dân ca dân vũ, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống cho con cháu. Đó là bức tranh sinh động trong thực tiễn cách mạng Việt Nam suốt 94 năm qua, là tiền đề đưa dân tộc ta trở thành nước phát triển hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình”, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lòng mong muốn của Bác Hồ cách đây 55 năm.

TIẾP TỤC LÀ CHỖ DỰA VỮNG CHẮC GIỮ CHO NƯỚC NHÀ ỔN ĐỊNH, HÒA BÌNH ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Tuy là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân còn khiêm tốn so với nhiều nước khác, song, Việt Nam đã đạt tuổi thọ bình quân cao hơn nhiều nước (người Việt Nam có tuổi thọ bình quân là 74,5 vào năm 2023). Trong vòng 10-15 năm tới, xu thế già hóa dân số nhanh sẽ hình thành một lực lượng người cao tuổi với khoảng 1/5 dân số, chuyển trạng thái từ “dân số vàng” sang “dân số bạc”. Trong số đó, còn một bộ phận vẫn ở độ chín về sự trải nghiệm, sự tích lũy tri thức ở những lĩnh vực khác nhau, nhất là ý chí, nghị lực, họ thực sự là nguồn lực quí báu, quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập quốc tế.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng: “Hội Người cao tuổi cần làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa Đảng và nhân dân”. Thực hiện chỉ đạo nêu trên, trong gần 3 năm qua, Hội Người Cao tuổi Việt Nam đã tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, trong đó chú trọng tuyên truyền, khích lệ ý chí tự lực, tự cường của người cao tuổi cả nước; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ngay sau khi được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, đồng chí Tô Lâm đã có cuộc gặp mặt đầu tiên với Đoàn đại biểu tiêu biểu Người Cao tuổi cả nước tại Phủ Chủ tịch vào ngày 6/6/2024. Tại cuộc gặp mặt, đồng chí Tô Lâm khẳng định: “Người cao tuổi Việt Nam vẫn thực sự là chỗ dựa vững chắc, giữ cho nước nhà ổn định, hòa bình để phát triển bền vững và tiến lên cùng thời đại”. Trong mọi quyết sách chiến lược của Đảng, người cao tuổi luôn là một lực lượng chính trị làm hậu thuẫn rất đáng tin cậy để triển khai thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong hơn 5 triệu đảng viên hiện nay, người cao tuổi là thành trì vững chắc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bởi vì họ chính là những nhân chứng sống trong thực tiễn cách mạng nước nhà, được Đảng tôi rèn thành “thép đã tôi thế đấy”, trọn đời quyết không phai nhạt lý tưởng cách mạng.

Trong khoảng 200 Ủy viên Trung ương Đảng, có không ít người cao tuổi đang đảm đương trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân. Họ là tầng lớp tinh hoa dân tộc, có những người trải qua kháng chiến vệ quốc, được Đảng, Nhà nước đào tạo cơ bản, nên đã tích lũy được vốn tri thức khoa học, công nghệ tiên tiến, được thử thách qua các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…, thực sự là nòng cốt tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đồng bộ, toàn diện đất nước.

Ở cấp cơ sở, người cao tuổi từ những cương vị khi đương chức đã tích lũy nhiều kinh nghiệm công tác Đảng, nên về nghỉ hưu mà vẫn được tín nhiệm giao nhiệm vụ “ăn cơm nhà” lo việc cộng đồng, xã hội một cách chu toàn. Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi (ngày 28/8/2024), hiện cả nước có gần 800.000 người cao tuổi làm bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố. Ở đâu có tranh chấp, xung đột cộng đồng, người cao tuổi chẳng nề hà tham gia vào hòa giải để giữ mái ấm gia đình, tình làng nghĩa xóm. Ở vùng biên giới, người cao tuổi lặng lẽ tự giác tham gia gìn giữ cột mốc, xây đắp tình hữu nghị, kiên quyết đấu tranh tố giác tội phạm buôn lậu qua biên giới. Ở đô thị, người cao tuổi tự tổ chức thành đội điều phối giao thông ở những điểm nút giờ cao điểm, đón đưa trẻ qua đường. Ở những làng nghề, người cao tuổi đóng vai trò nghệ nhân trao truyền những giá trị lao động đã được nâng lên thành sáng tạo nghệ thuật lao động, thể hiện tài hoa người Việt. Đối với vốn văn hóa truyền thống, người cao tuổi là người truyền cảm hứng nghệ thuật dân gian cho đời sau.

Người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương. Ảnh tư liệu minh họa

Người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương. Ảnh tư liệu minh họa

 

Đặc biệt là, trong công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, người cao tuổi các cấp sẽ tham gia với trách nhiệm cao, tâm huyết với Đảng, góp ý xác đáng vào dự thảo văn kiện, vào công tác nhân sự của Đảng.

Trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, người cao tuổi tiếp tục phát huy vốn lý luận, cùng với vốn kinh nghiệm thực tế để tham gia phản bác luận điểm sai trái, thù địch, phản động, bảo đảm an ninh tư tưởng chính trị. Đối với cuộc chiến chống giặc nội xâm, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực, người cao tuổi tiếp tục thể hiện tinh thần dũng cảm, tạo nên thế trận “trên dưới đồng lòng”, “bách hô bá ứng”.

Bối cảnh thế giới đầy biến động đặt ra yêu cầu mỗi quốc gia đều phải có trách nhiệm bảo vệ quyền của người cao tuổi. Người cao tuổi Việt Nam mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm đặt quyền và lợi ích chính đáng của người cao tuổi vào trung tâm mọi chủ trương, chính sách. Trước hết, trong Tổng kết 40 năm đổi mới, trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, cần thể hiện sâu sắc quan điểm cách mạng không ngừng về đổi mới tư duy chiến lược, quản trị quốc gia đối với những vấn đề liên quan tới người cao tuổi. Các cơ quan liên quan cần quan tâm tham mưu Ban Bí thư chỉ đạo tổng kết Chỉ thị 59 - CT/TW ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư về “Chăm sóc người cao tuổi”, xem xét ban hành chỉ thị mới có tính định hướng chiến lược đối với người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số rất nhanh ở Việt Nam và là xu thế toàn cầu, làm cơ sở chính trị để cấp có thẩm quyền chỉ đạo toàn diện, đồng bộ việc chăm sóc, bảo vệ, phát huy vai trò người cao tuổi trong thời kỳ mới. Trong hoàn thiện Chiến lược Quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2025- 2030, tầm nhìn tới năm 2050, cần thể hiện tính bao trùm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, tranh thủ ngoại lực để tạo nên nguồn lực đủ mạnh, tạo chuyển biến cả về lượng và chất đối với công tác chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp người cao tuổi thực sự sống hạnh phúc trong niềm hạnh phúc dân tộc.

Người cao tuổi là một phần máu thịt trong nhân dân, là lực lượng đặc biệt trong cộng đồng xã hội, là rường cột xây dựng nên xã hội xã hội chủ nghĩa. Do đó, họ cần được quan tâm, chăm lo; đồng thời họ cũng cần được tiếp tục cống hiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, góp phần bồi đắp cơ đồ dân tộc trường tồn, cường thịnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

 

NGUYỄN THANH BÌNH
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất