Thứ Hai, 7/10/2024
Thế giới
Thứ Tư, 24/8/2016 17:3'(GMT+7)

Lựa chọn cân bằng

Một người đàn ông và một người phụ nữ khóc thương người thân trong vụ nổ ở Gaziantep. (Ảnh: Reuters)

Một người đàn ông và một người phụ nữ khóc thương người thân trong vụ nổ ở Gaziantep. (Ảnh: Reuters)

Mối đe dọa an ninh từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đảng Công nhân người Cuốc (PKK) cùng với những thách thức về chính trị, kinh tế nổi cộm thời gian gần đây, nhất là sau cuộc đảo chính, đang đẩy chính quyền An-ca-ra vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Rạn nứt sâu sắc với đồng minh Mỹ và phương Tây sau cuộc đảo chính bất thành trong khi mối quan hệ đổ vỡ với nước láng giềng quan trọng là Nga vừa mới được hàn gắn chưa trở lại như trước, Thổ Nhĩ Kỳ gần như bị cô lập trong cục diện đầy rối ren ở khu vực.

Trong bối cảnh ấy, chính quyền An-ca-ra đang có những bước dịch chuyển trong chính sách đối ngoại được đánh giá là linh hoạt và khôn khéo hơn nhằm thoát khỏi tình thế bị cô lập vào thời điểm nước này cần tới sự hỗ trợ của các đồng minh hơn bao giờ hết. Các nỗ lực hàn gắn quan hệ với Nga sau những đổ vỡ từ sau vụ máy bay Su-24 của nước này bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, đỉnh điểm là chuyến thăm Nga của Tổng thống Éc-đô-gan hôm 9-8 vừa rồi, đã cho thấy An-ca-ra đang đặt ưu tiên trong mối quan hệ với Mát-xcơ-va. Cùng đó là động thái "cài đặt" lại quan hệ với một loạt nước như I-xra-en, Ai Cập hay thúc đẩy hợp tác chiến lược với U-crai-na. Đặc biệt không thể không nhắc tới việc An-ca-ra đã có thiện chí hợp tác với I-ran và Nga trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Xy-ri.

Việc An-ca-ra tiến hành những bước đi ngoại giao trên vào đúng thời điểm đang mâu thuẫn nghiêm trọng với Mỹ và phương Tây hậu đảo chính khiến nhiều ý kiến cho rằng, nước này đang “xoay trục” theo chiều hướng xa lánh Mỹ và phương Tây. Thậm chí có ý kiến cho rằng, có khả năng An-ca-ra sẽ rời bỏ liên minh quân sự NATO hoặc chí ít cũng sẽ điều chỉnh lại tư cách thành viên của mình trong khối này.

Cũng khó tránh khỏi những phán xét như trên vì phản ứng hời hợt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hậu đảo chính khiến chính quyền An-ca-ra cảm thấy mất niềm tin và bị lừa dối. An-ca-ra không ngần ngại cáo buộc chính những đồng minh này đã đứng sau vụ đảo chính. Mâu thuẫn càng bị đẩy lên cao trào khi Mỹ và EU buông lời chỉ trích nặng nề đối với các hành động trấn áp, bắt bớ hậu đảo chính của chính quyền An-ca-ra. Trái lại, trong cơn nguy cấp, Nga đã có tiếng nói mạnh mẽ cho thấy đứng về phía An-ca-ra và cũng thể hiện những thiện chí sẵn sàng hàn gắn quan hệ song phương.   

Những rạn nứt trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và phương Tây chỉ là hệ lụy dễ thấy sau những biến động trên sân khấu chính trị vốn hiếm khi êm ả ở Thổ Nhĩ Kỳ. Với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ giận giữ vì Oa-sinh-tơn từ chối dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Phê-thu-la Gu-len (Fethullah Gulen) bị An-ca-ra cáo buộc đứng đằng sau cuộc đảo chính hôm 15-7. Còn với EU thì đặc biệt hơn, bất đồng hậu đảo chính thực ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm lợi ích mà cả hai bên đều đẩy lên cao trào nhằm giành được lợi thế trên bàn đàm phán trong các vấn đề còn chia rẽ. An-ca-ra đã ra tối hậu thư với EU, rằng nếu không chấp nhận miễn thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10 tới thì thỏa thuận đôi bên đã đạt được nhằm ngăn dòng người di cư vào châu Âu sẽ bị An-ca-ra phá bỏ. Đáp lại, EU vừa ra tối hậu thư với An-ca-ra cho biết người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ được hưởng quy chế miễn thị thực nếu nước này chấp nhận các yêu cầu của khối, trong đó có việc sửa đổi luật chống khủng bố. EU vẫn cáo buộc An-ca-ra lạm dụng luật chống khủng bố để thực hiện các cuộc bắt giam, trấn áp hậu đảo chính.

Khó có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ rời bỏ NATO vì trong bối cảnh phải đối mặt với những thách thức an ninh nghiêm trọng từ IS và PKK, trong khi lực lượng an ninh, quân đội suy yếu hậu đảo chính hiện nay, An-ca-ra càng cần phải có sự giúp sức từ NATO.

Vì thế, khó có khả năng An-ca-ra chấp nhận đánh đổi mối quan hệ với các đồng minh lợi ích Mỹ và EU bằng mối quan hệ khăng khít với Nga vốn khiến những nước này phật lòng. Bằng chứng là Thổ Nhĩ Kỳ trong khi xích lại gần Nga vẫn đưa ra những tuyên bố xoa dịu như khẳng định Mỹ là “đối tác chiến lược, không phải kẻ thù”. Mới đây, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bi-na-li Gin-đi-rim (Binali Yildirim) tuyên bố: “Quan hệ giữa hai nước có thể lúc thăng lúc trầm, song cần gạt bỏ những yếu tố gây tổn hại quan hệ”. Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ M.Ca-vu-xô-glu (Mevlut Cavusoglu) từng nhấn mạnh việc bình thường hóa quan hệ với Nga không phải là sự thay thế cho quan hệ với NATO hay EU.

Hơn nữa, việc hàn gắn quan hệ với Nga vào thời điểm nhạy cảm khi Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng với Mỹ và EU cũng không phải quá bất thường vì việc này đã nằm trong tiến trình cải thiện quan hệ mà hai bên đã hướng tới sau sự cố máy bay Su-24. Từ trước khi xảy ra vụ đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ đã có động thái rõ thể hiện ý muốn “làm lành” với Nga. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, mâu thuẫn hậu đảo chính với Mỹ và EU chỉ là giọt nước làm tràn ly sau những căng thẳng từ trước đó liên quan tới cuộc xung đột ở Xy-ri. Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính dường như có dịp nhìn nhận rõ hơn “mối quan hệ bạn, thù” ở cả bên trong lẫn bên ngoài, để từ đó có những điều chỉnh quan hệ cho phù hợp với bối cảnh và tình hình hiện nay ở khu vực. An-ca-ra đủ thông minh để nhận thấy việc chỉ dựa vào đồng minh ràng buộc là Mỹ như trước là quá mạo hiểm. Việc “chơi” cùng lúc với nhiều nước để đạt được những mục tiêu về chính trị, an ninh hay kinh tế mới là sự lựa chọn sáng suốt. Và rõ ràng việc quay lưng hoàn toàn với Mỹ, EU hay NATO và “rơi vào quỹ đạo” của Nga sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cho An-ca-ra.

Bài học trong quan hệ đổ vỡ với Nga sau vụ máy bay Su-24 kéo theo những hệ lụy tồi tệ, nhất là về kinh tế và an ninh, đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng “cứng đầu” không phải là thái độ khôn ngoan lúc này. Việc duy trì sự cân bằng trong quan hệ Đông-Tây là rất cần thiết để tránh bị tổn thương hơn trước các mối đe dọa./.

Mỹ Hạnh (QĐND) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất