Thứ Sáu, 11/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 12/11/2014 19:42'(GMT+7)

Luật Báo chí phải bảo đảm nguyên tắc báo chí cách mạng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: HMT)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: HMT)

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, diễn ra ngày 12/11 tại Hà Nội.

Hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức dưới sự chủ trì, điều hành của các đồng chí lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông; Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Tư pháp; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Hội Nhà báo Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: Luật Báo chí 1989 và Luật Báo chí sửa đổi năm 1999 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để thực hiện hoạt động báo chí và quản lý báo chí, qua đó thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định. Báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng ấn phẩm, loại hình báo chí và chất lượng thông tin, qua đó phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Cho đến nay, cả nước có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm báo in; có 67 đài Phát thanh-Truyền hình (PTTH) Trung ương và địa phương; có 92 cơ quan báo chí điện tử, 207 giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí…

 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu khai mạc Hội nghị. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Báo chí nước nhà đã làm tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng, Nhà nước, vừa là diễn đàn của nhân dân. Báo chí về cơ bản đã hoạt động đúng pháp luật, đúng định hướng, tuyên truyền kịp thời việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chủ động xây dựng triển khai kế hoạch tuyên truyền góp phần xây dựng, củng cố sự đồng thuận trong toàn xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thành tích là chủ yếu, hoạt động báo chí và công tác quản lý Nhà nước về báo chí còn một số hạn chế, bất cập như: nhiều về số lượng cơ quan báo chí nhưng chất lượng chưa tương xứng, còn chồng chéo về tôn chỉ mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ; có xu hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí; có hiện tượng tư nhân chi phối báo chí và điều này đã làm giảm chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ của báo chí; lãnh đạo một số cơ quan báo chí buông lỏng công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên. Quy trình biên tập, duyệt bài chưa được coi trọng và thực hiện nghiêm túc, cá biệt có trường hợp thậm chí không qua thẩm định, xác minh dẫn đến một số cơ quan báo chí và nhà báo đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu trách nhiệm, thông tin sai nhiều nhưng không cải chính, vi phạm đạo đức người làm báo, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật. Vai trò của cơ quan chủ quản báo chí chưa được phát huy nên hiệu lực quản lý còn hạn chế…

Đồng chí Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của Internet cùng với hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đang đặt ra nhiều thách thức với sự nghiệp phát triển và quản lý báo chí Thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay đã đặt ra nhiều vấn đề mới vượt ra ngoài quy định của Luật Báo chí hiện hành. Yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, tinh thần Hiến pháp 2013 cũng đòi hỏi rà soát, sửa đổi, bổ sung khung khổ pháp luật để báo chí cách mạng Việt Nam có điều kiện phát triển và thực hiện sứ mệnh của mình, tiếp tục đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, đảm bảo báo chí phải phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc...

Chính vì vậy, từ năm 2007, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương và chỉ đạo “Tiến hành tổng kết việc thi hành Luật Báo chí hiện hành để có kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp”“Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan”. Tiếp nối Hội nghị tổng kết 8 năm thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí tháng 12/2007. Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật báo chí lần này chính là để có thêm sở cứ thực tiễn để thực hiện chủ trương đó của Đảng và Nhà nước.

 

Trên cơ sở báo cáo tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông, các ý kiến phát biểu, tham luận tại Hội nghị đều đồng tình với quan điểm: Việc tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí và việc xây dựng Luật Báo chí thời gian tới cần bám sát những điều cốt lõi, cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp 2013, đó là: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”; “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” trong đó báo chí cũng là một kênh thông tin để thực hiện công khai minh bạch…

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung đóng góp ý kiến, bàn thảo làm rõ hai nhóm vấn đề chính:

Thứ nhất, tình hình thi hành Luật Báo chí hiện hành trong xã hội và của các chủ thể của Luật như: cơ quan báo chí, nhà báo; cơ quan chủ quản báo chí; cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Trong đó phân tích nêu rõ những mặt tích cực, mặt hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập…

Thứ hai, đưa ra những kiến nghị, giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của báo chí, trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin, trên cơ sở quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Đảng và các quy định khác của pháp luật. Về phương hướng, nhiệm vụ công tác quản lý báo chí trong những năm tới, các đại biểu kiến nghị cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí, đặc biệt là ban hành Luật Báo chí mới và các văn bản hướng dẫn thi hành để có hành lang pháp lý sát thực tế, tạo điều kiện cho báo chí phát triển và tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về báo chí…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tham luận tại Hội nghị nhấn mạnh đến những khía cạnh như: Việc cần làm trong thời gian tới là quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí tránh trùng lặp, lãng phí; rà soát, chấn chỉnh tình trạng cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, không chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về báo chí; việc xây dựng Luật Báo chí không chỉ để quản lý báo chí mà phải tạo động lực để  báo chí phát triển. Về cơ bản, phần lớn báo chí phải tự hạch toán, do vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế báo chí không chạy theo xu hướng thương mại hóa, coi lợi nhuận kinh tế cao hơn lợi ích chính trị-tư tưởng…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Từ khi Luật Báo chí ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ không chỉ về số lượng mà quan trọng hơn báo chí đã mang thông tin tới mọi ngõ ngách của đời sống trong nước và cả quốc tế. Những năm qua, báo chí đã đóng góp phần quan trọng trong thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, tạo đồng thuận nhân dân, giúp hoạch định chính sách sát với yêu cầu của thực tiễn.

Phó Thủ tướng lưu ý: Những người hoạt động trong công tác báo chí, đặc biệt là lãnh đạo các cơ quan báo chí cần thực sự đào sâu suy nghĩ với tất cả trách nhiệm để đóng góp vào dự thảo Luật Báo chí. Dù là sửa đổi, bổ sung hay xây dựng luật mới thì Luật Báo chí cũng phải bảo đảm nguyên tắc báo chí cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước với mục tiêu phát triển báo chí nước nhà.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Thông tin và Tuyền thông cần khẩn trương xây dựng dự thảo Luật Báo chí mới trên tinh thần tổng kết thực tiễn, sửa đổi phải đảm bảo bắt kịp xu thế phát triển chung của báo chí thế giới. Bên cạnh đó, Bộ cần đề cao trách nhiệm của chính những người làm công tác quản lý báo chí trong việc xây dựng luật để khi đóng góp cho dự thảo luật. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của chính những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí để có được một dự thảo tốt trình lên Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2015./.

Luật Báo chí được Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/12/1989 và được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 2/1/1990. Ngày 12/6/1999, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Qua 15 năm thi hành Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo ra hành lang pháp lý để báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật Báo chí; báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin, qua đó phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nội dung của Luật Báo chí cơ bản đã phù hợp và bảo đảm tính hiệu lực trong quản lý, điều hành các hoạt động báo chí.

Tuy nhiên, thực tiễn hơn 15 năm qua, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực là chủ yếu cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề mới do thực tế cuộc sống đặt ra. Theo Nghị quyết số 70/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 30/5/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì xây dựng Luật Báo chí thay thế Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 và trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2015.

HMT


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất