Chủ Nhật, 24/11/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 11/5/2013 18:23'(GMT+7)

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá: Ý kiến của chuyên gia WHO

Nâng cao nhận thức là giải pháp bền vững trong thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá

Nâng cao nhận thức là giải pháp bền vững trong thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá

Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất thế giới, với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc lá. Đồng thời, hai phần ba phụ nữ và trẻ em thường xuyên phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Mỗi năm, thuốc lá gây ra hơn 40.000 ca tử vong sớm và hàng trăm nghìn ca bệnh. Chính vì vậy, việc ban hành và thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá của Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Tuy nhiên, hiện nổi lên một số vấn đề liên quan tới việc thực thi quy định về các địa điểm cấm hút thuốc.

Thực thi quy định cấm hút thuốc tại nơi công cộng liên quan đến hai vấn đề. Thứ nhất, quy định về địa điểm cấm hút thuốc cần khái quát và dễ nhớ nhất. Thứ hai là quyền và trách nhiệm của các bên, gồm các nhóm cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân có liên quan tới thực thi Luật.

Quy định cấm hút thuốc trong Luật có thể hiểu gồm hai nhóm chính. Nhóm 1 là các khu vực cấm hút thuốc hoàn toàn, cả trong nhà và khu vực bên ngoài. Nhóm 2 là các địa điểm chỉ cấm hút thuốc trong nhà.

Cụ thể, nhóm một bao gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục (trừ các trường đại học, cao đẳng, học viện - chỉ cấm trong nhà); cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

Nhóm 2 gồm: nơi công cộng và nơi làm việc, nhà hàng. Tuy nhiên có một số ngoại lệ trong nhóm 2, những địa điểm được phép thiết lập khu vực dành riêng cho hút thuốc với điều kiện có không gian và thông khí riêng. Nhóm này gồm khu vực chờ ở sân bay, quán bar, karaoke, vũ trường, và khách sạn.

Quan trọng là người đứng đầu

Các bên hay đơn vị và cá nhân liên quan tới việc thực thi Luật có thể chia thành 5 nhóm chính. Nhóm 1 là người lãnh đạo, quản lý đơn vị, có vai trò cực kỳ quan trọng giúp cho Luật từ phạm vi rộng, trừu tượng thành cụ thể trong phạm vi cơ quan đơn vị của họ.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có một quy định rất quan trọng là giao quyền và nghĩa vụ cho người đứng đầu, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc, ghi trong Điều 6 và Điều 14.

Có thể tóm tắt các quyền chính gồm: Buộc người vi phạm chấm dứt hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình; từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở.

Ngoài các quyền trên, người đứng đầu và quản lý cũng được giao những nghĩa vụ rất cụ thể gồm: Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ; đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành; treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.

Như vậy, nếu những người đứng đầu và quản lý thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ trên sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong việc thực thi Luật ở các cơ quan, đơn vị.

Nhóm 2 là những người hút thuốc. Luật cũng quy định rõ người hút thuốc có nghĩa vụ: Không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá và không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi.

Đối với nhóm này, công tác truyền thông là quan trọng nhất để hình thành ý thức trong việc tuân thủ Luật và cũng để bảo vệ sức khỏe của đồng nghiệp, của người thân.

Nhóm 3 là những người không hút thuốc. Người không hút thuốc nếu thấy có người hút thuốc gần mình ở các khu vực có quy định cấm cần yêu cầu người hút thuốc dừng hút thuốc hoặc di chuyển khỏi khu vực cấm hút thuốc.

Nhóm này hết sức quan trọng. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên và trong Luật có đưa ra quy định về quyền của công dân, trong đó rất chú trọng quyền của người không hút thuốc như: Được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá; yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Như vậy, nếu như người không hút thuốc thực hiện quyền của mình một cách đầy đủ sẽ tạo ra sức mạnh xã hội to lớn đảm bảo thực thi Luật hiệu quả.

Phối hợp truyền thông và cơ quan chức năng

Nhóm 4 là các cơ quan chức năng Nhà nước đã được giao trách nhiệm thực thi Luật và xử lý vi phạm. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này đã được quy định rất rõ tại Điều 32 của Luật.

Hy vọng rằng, sau một thời gian tiến hành truyền thông phổ biến Luật, chúng ta sẽ được thấy hoạt động của các cơ quan chức năng thiết lập được cơ chế giám sát, xử lý vi phạm làm điểm ở một số cơ quan, đơn vị để tạo hiệu ứng ngăn ngừa vi phạm.

Cuối cùng, nhóm 5 là các cơ quan, đơn vị và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực truyền thông. Đây là những mắt xích hết sức quan trọng trong việc truyền tải tới người dân và các đối tác liên quan các quy định về Luật. Nhà báo chính là những chiến sỹ trên mặt trận y tế công cộng, có thể góp phần to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Kinh nghiệm có thể tham khảo từ một số nơi trong khu vực đã thực thi tốt môi trường không khói thuốc như: Singapore, Hong Kong, Sri Lanka và Thái Lan.

Singapore và Hong Kong có sự phối hợp tốt giữa truyền thông và thực thi nghiêm của các cơ quan chức năng. Hơn nữa, mức xử phạt tương đối cao ở hai nơi này là công cụ răn đe hiệu quả. Ví dụ, ở Singapore, mức phạt vi phạm với cá nhân lên tới 1.000 đô la Singapore, với đơn vị lên tới 2.000 đô la Singapore. Mức phạt vi phạm tại Hong Kong lên tới 5.000 đô la Hong Kong (750 USD).

Sri Lanka cũng kết hợp truyền thông và xử phạt vi phạm. Mặc dù mức phạt không cao nhưng bản thân việc người vi phạm bị lập biên bản, bị xử phạt về vi phạm quy định cấm hút thuốc đã tạo được hiệu quả ngăn ngừa rất tốt.

Riêng Thái Lan thì không chú trọng việc xử phạt mà thiên về truyền thông nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ tự giác của người dân và cũng đã thành công. Việc phạt ở Thái Lan ít được áp dụng mà chỉ có tính chất răng đe với mức phạt khá cao, lên tới 2.000 Bath đối với cá nhân và 20.000 Bath đối với đơn vị.

Để thực thi Luật có hiệu quả cần có sự vào cuộc của cả 5 nhóm liên quan nêu trên. Tuy nhiên, quan trọng nhất là các cơ quan, ban ngành và những người đứng đầu, người quản lý các địa điểm có quy định cấm hút thuốc.

Thực tế tại một số cơ quan thực hiện tốt về phòng chống tác hại thuốc lá như: Đại học Y tế Công cộng Hà Nội, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, Đại học Kỹ thuật Công nghệ TPHCM và rất nhiều đơn vị ở nhiều tỉnh, thành phố khác… cho thấy, nếu có sự quan tâm và vào cuộc của người đứng đầu và người quản lý các địa điểm công cộng sẽ tạo chuyển biến và đạt được thành công rõ rệt.

Theo Chinhphu.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất