Luật Thuế thu nhập cá nhân ban hành năm 2009 đã bộc lộ một số bất cập, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ năm 2009, mức khởi điểm chịu thuế là 4 triệu đồng/người/tháng; bậc tính thuế thấp nhất là 5%; mức giảm trừ gia cảnh là 1,6 triệu đồng/người.
Anh Trần Văn Nghiệp, ở quận Long Biên, Hà Nội cho biết, với mức lương 8 triệu đồng/tháng, mỗi tháng anh được trừ 4 triệu cho bản thân, được giảm trừ 1,6 triệu đồng cho con nhỏ. Số tiền còn lại là 2,4 triệu đồng phải chịu mức thuế 5%.
Theo anh Nghiệp, trong bối cảnh hiện nay, khi giá hàng hóa và dịch vụ đều tăng, cách tính thuế thu nhập cá nhân như vậy không còn phù hợp. Bởi vậy, anh Nghiệp mong muốn sớm điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh, nâng mức khởi điểm chịu thuế lên.
Nhiều chuyên gia nhận định, Luật thuế thu nhập cá nhân được ban hành và có hiệu lực từ năm 2009 đã bộc lộ nhiều bất cập...
PGS-TS Nguyễn Ngọc Quang- giảng viên trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng, hiện nay giá cả đều tăng, chi phí sinh hoạt của mỗi người cũng tăng theo, không còn là 4 triệu đồng mà có khi lên tới 6-7 triệu đồng. Về giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng đối với người phụ thuộc, vào thời điểm này đối chiếu với các chi phí ăn ở, học hành, có thể phải lên tới 3 triệu đồng. Chính vì vậy, PGS-TS Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, nên chăng là điều chỉnh Luật cần tính đến tốc độ tăng và trượt giá.
Mặc dù Bộ Tài chính khẳng định chưa có kế hoạch sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân và cũng chưa có đề xuất nào liên quan đến việc nâng khởi điểm chịu thuế. Tuy nhiên, phương án điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế, giảm trừ gia cảnh... căn cứ theo mức lương tối thiểu, hoặc có thể hạ bậc tính thuế xuống thấp hơn hiện được cho là cần thiết, bởi điều này giảm bớt áp lực cho người nộp thuế.
Theo đó, mức khởi điểm chịu thuế có thể bằng khoảng 8 lần mức lương tối thiểu. Mức giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/tháng có thể tăng lên gấp 3 lần lương tối thiểu.
Ưu điểm của cách tính này là sự linh hoạt, khi mức lương tối thiểu cho từng đối tượng (công chức, doanh nghiệp...) thay đổi thì mức khởi điểm chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh cũng thay đổi để phù hợp với thực tế đời sống của người dân.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc- nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, góp ý: “Nếu sửa đổi Luật Thuế thì cần phải cân nhắc, nghiên cứu để làm sao mức thuế thu nhập cá nhân phù hợp với điều kiện ở Việt Nam và cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Theo bà Cúc, có thể xem xét để giãn khung giữa các bậc chịu thuế thì tỷ lệ điều tiết trên thu nhập sẽ giảm, hoặc là có thể nghiên cứu để bỏ thuế suất cao.
Quy trình của Chính phủ là đưa một dự luật sửa đổi, bổ sung phải trình qua hai kỳ họp Quốc hội, kỳ thứ nhất để góp ý, kỳ thứ hai mới thông qua. Nghĩa là thời gian dự thảo luật cho đến khi luật được đưa vào đời sống cần một quá trình nghiên cứu, xem xét.
Bởi vậy, nếu quy định quá cứng nhắc, rất có thể dẫn đến tình trạng khi luật có hiệu lực thì có thể không còn phù hợp với thực tế nữa.
Vì vậy, theo một số chuyên gia kinh tế, về lâu dài cần sửa đổi cơ bản luật này sao cho các quy định liên quan đến mức khởi điểm nộp thuế, giảm trừ gia cảnh, thuế suất... có thể điều chỉnh linh hoạt khi có những thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội.
Luật sư Chu Khang- Trưởng Văn phòng luật sư Hà Nội, cho rằng: “Luật Thuế thu nhập cá nhân tác động trực tiếp đến đời sống công nhân viên chức, người lao động, nên cần có điều chỉnh phù hợp và linh hoạt theo tình hình kinh tế xã hội ở từng thời điểm. Tôi nghĩ rằng Nhà nước và Quốc hội cần phải có chính sách và điều khoản cụ thể việc vận dụng luật linh hoạt nhằm đáp ứng được nhu cầu xã hội và nguyện vọng của nhân dân”.
Từ 21 – 29/3 tới sẽ diễn ra kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XII, trong khoảng thời gian này Bộ Tài chính có thể không chuẩn bị kịp vì hiện tại chưa có dự thảo chính thức để sửa.
Nhưng đến tháng 7 tới sẽ diễn ra kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, bởi vậy Bộ Tài chính trình dự thảo thì có thể kịp. Việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, và cần sớm thực hiện. Bởi đây là một trong những biện pháp “khoan sức dân”, giảm bớt khó khăn cho người lao động./.
(Ngọc Hà/VOV)