Thứ Sáu, 22/11/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 22/10/2018 10:49'(GMT+7)

Luật và cuộc sống

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Dự kiến tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến đối với 6 dự án luật; trong đó có những dự án luật được dư luận đặc biệt quan tâm, như: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia...

Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bản chất cốt lõi của nhà nước pháp quyền là quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp. Xây dựng luật và sửa đổi luật là nhiệm vụ hàng đầu của Quốc hội. Thế nhưng, các đạo luật chỉ phát huy tác dụng khi nó đi vào cuộc sống. Để luật đi vào cuộc sống thì điều quan trọng nhất là phải đưa cuộc sống vào luật.

Những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và XIV, Quốc hội đã xây dựng và sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại đa số các luật đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống và đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Thế nhưng cũng có văn bản luật xa rời cuộc sống và không được cuộc sống chấp nhận. Tình trạng “luật khung”, “luật ống”, “luật treo” vẫn còn tồn tại gây bức xúc dư luận vì ban hành rồi nhưng không thể thực hiện được do thiếu các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, do luật xa rời cuộc sống nên “tuổi thọ” của một số luật rất ngắn, có luật vừa mới ban hành đã phải sửa ngay cho phù hợp với thực tiễn.

Nguyên nhân dẫn đến khoảng cách xa giữa cuộc sống và luật có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng từ phía những người làm luật xa rời thực tiễn, chưa khảo sát kỹ thực tiễn, ngại nghiên cứu, ngại lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật. Bên cạnh đó, còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức và người dân thờ ơ với việc tham gia xây dựng các văn bản pháp luật. Thậm chí có dự thảo văn bản luật đưa lên cổng thông tin điện tử để người dân góp ý hàng năm trời thì chẳng có mấy người để ý, nhưng đến khi ban hành hoặc chuẩn bị ban hành rồi lại có người phản đối. Thái độ thờ ơ của một số công chức, viên chức trong bộ máy công quyền hiện nay đối với những đóng góp của người dân vào các văn bản luật cũng làm “triệt tiêu” nhiệt tình xây dựng pháp luật.

Trong số gần 3.000 ý kiến của cử tri gửi tới kỳ họp Quốc hội lần này có nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến chất lượng xây dựng luật, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật.  

Để đưa cuộc sống vào luật đòi hỏi những người làm luật phải có đủ tâm, đủ tầm và quan trọng là văn bản quy phạm pháp luật phải được xây dựng trên cơ sở nhu cầu cấp thiết của cuộc sống. Việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và tham vấn ý kiến của đối tượng thi hành luật phải là yêu cầu bắt buộc trước khi ban hành văn bản luật. Cần có chế tài xử lý những người soạn thảo cố tình đưa vào văn bản luật những quy định nhằm phục vụ cho cơ quan hoặc nhóm người có lợi ích từ quy định đó, không xuất phát từ nhu cầu hợp lý của cuộc sống. Các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội cần tăng cường hơn nữa việc giám sát thi hành pháp luật; có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật. Các vị đại biểu Quốc hội phải thể hiện vai trò là người đại biểu của nhân dân, thay mặt nhân dân xem xét kỹ càng các dự án luật, thận trọng và công tâm khi bấm nút thông qua dự thảo luật và xem xét thấu đáo các văn bản hướng dẫn thi hành luật để bảo đảm cho luật khi ban hành đi vào được cuộc sống./.

Đỗ Phú Thọ (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất