Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 6/8/2013 8:39'(GMT+7)

Lực cản đầu ra đối với các doanh nghiệp mía đường nội





Thực trạng ...buồn cho đường nội.

Dù đã có nhiều cuộc họp được tổ chức ở các cấp để bàn thảo lối ra cho các doanh nghiệp mía đường nội, nhất là mỗi dịp “giáp hạt”, nhưng “làn sóng” đường nhập lậu tràn về Việt Nam mỗi năm, “năm sau tăng hơn năm trước”, đã làm nản lòng từ nhà quản lý, doanh nghiệp sản xuất đường và kinh doanh các sản phẩm sử dụng đến đường. Tuy không có con số chính xác về lượng đường nhập lậu vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch hàng năm là bao nhiêu tấn, nhưng đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định, có tới hàng trăm ngàn tấn đường Thái Lan được nhập lậu vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Thành Long nêu dẫn chứng, trong năm 2010, cùng với nguồn đường sản xuất trong nước, Việt Nam đã nhập thêm 322,4 ngàn tấn; năm 2011 nhập 376,7 ngàn tấn, và năm 2012 đạt 355,4 ngàn tấn. Còn tại thị trường Campuchia, sản lượng đường tiêu thụ trung bình chỉ khoảng 300 ngàn tấn/năm. Nhưng trong năm 2010, Campuchia đã nhập khẩu từ Thái Lan 742,4 ngàn tấn, lần lượt năm 2011 nhập 730,7 ngàn tấn; năm 2012 nhập 980,7 ngàn tấn. Từ những số liệu này, ông Long nêu nghi ngờ:“Nhu cầu tiêu thụ của Cămpuchia chỉ trên dưới 300 ngàn tấn/năm. Vậy số chênh lệch gần 700 ngàn tấn giữa nhập khẩu và tiêu thụ đường tại Campuchia trong năm 2012 và hàng trăm ngàn tấn của những năm trước đã “chảy” đi đâu? Chắc chắn có hàng trăm ngàn tấn đã “chảy” vào thị trường Việt Nam qua các đối tượng buôn lậu đường”.

Cũng theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía đường 2012 – 2013, sản lượng đường sản xuất trong nước đạt 1,5 triệu tấn, tiêu thụ trong nước đạt 1,3 - 1,4 triệu tấn và xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch 200 ngàn tấn, như vậy đảm bảo cân đối đủ cung – cầu. Tuy nhiên, cán cân cung – cầu đã bị “bóp méo” bởi đường nhập lậu khi niên vụ 2012 – 2013, các DN mía đường Việt Nam vẫn đang tồn kho tới 500 ngàn tấn.
Ông Long cho biết, để hợp thức hóa đường nhập lậu, các đối tượng đã dùng rất nhiều phương tiện là ghe, thuyền để vận chuyển đường nhập lậu bằng đường sông. Đường được đóng trong các bao trắng, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Chỉ có một tờ giấy in thông tin cơ sở sản xuất đường cát X, Y, Z…kẹp vào đầu bao rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Hoặc có cơ sở in nhãn mác lên bao rồi chuyển đường nhập lậu sang bao bì riêng của mình là thành đường “hợp pháp”. Bởi tất cả các cơ sở này đều được các địa phương cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh, chế biến, sang chiết đường.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, qua kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, tình hình buôn lậu đường diễn ra chủ yếu tại miền Trung, Tây Nam Bộ. Từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã thu giữ 1.300 tấn đường nhập lậu, cụ thể năm 2010 là 200 tấn, 2011 là 331 tấn, 2012 là 700 tấn. Chỉ tính riêng tại tỉnh An Giang, trong 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng chức năng đã bắt giữ 362 tấn đường nhập lậu. Điều này cho thấy lượng đường nhập lậu ngày một tăng và diễn biến ngày càng phức tạp.

Trao đổi về việc triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát các cơ sở, DN đăng ký kinh doanh mặt hàng đường có những kho chứa hàng lớn tại tỉnh An Giang, ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng Quản lý thị trường, Hải quan, Công an An Giang thường xuyên kiểm tra các cơ sở, DN kinh doanh mặt hàng đường có kho chứa hàng trên khu vực biên giới, riêng tại xã Khánh An và Khánh Bình, huyện An Phú đã tiến hành kiểm tra mỗi cơ sở, DN ít nhất 2 lần, có cơ sở kiểm tra đến 5 lần. Các hành vi vi phạm qua kiểm tra nổi lên là vi phạm nhãn hàng hóa, treo biển hiệu; báo cáo về tồn, xuất kho trên hóa đơn, chứng từ không chính xác…

Phập phù giá cả

Theo đánh giá của ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng, Cục Chế biến thương mại nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), năng lực sản xuất của các doanh nghiệp mía đường trong nước đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đầu tư đến năm 2020. Các doanh nghiệp mía đường đã hình thành được những vùng nguyên liệu tập trung, gắn bó với nông dân. Trong bối cảnh giá đường xuống thấp như niên vụ 2012 - 2013, giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg so với những năm trước nhưng các nhà máy vẫn cố gắng duy trì giá thu mua bình quân trên dưới 1 triệu đồng/tấn mía 10 CCS (tương đương 50 USD/tấn). Đây cũng là mức giá thu mua cao nhất trong khu vực. Bởi nếu không mua với giá này thì người dân sẽ không trồng mía nữa, các nhà máy đường sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Trong khi đó, giá mía thu mua tại Thái Lan chỉ là 30,7 USD/tấn. Với diện tích canh tác lớn, hạ tầng tốt, các chi phí khác đều thấp nên người nông dân Thái Lan có thể sống bằng nghề trồng mía.

Giá thu mua mía nguyên liệu cao, nhưng giá đường tiêu thụ ngoài thị trường lại luôn bị cạnh tranh gay gắt bởi đường nhập lậu. Vì thế, chính sách giá bán của các doanh nghiệp mía đường trong nước là, có lợi nhuận là bán, hiện ở mức 14.000 đồng/kg (tiền mua mía nguyên liệu đã là 12.000 đồng) tuy vậy giá đường nhập lậu vẫn luôn thấp hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg và các đối tượng bán đường lậu sẵn sàng chỉ bán đường với giá 12.000 đồng/kg.
Đại diện của Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các DN mía đường cho biết, đường nhập lậu chủ yếu chỉ được tiêu thụ ngoài thị trường, chứ không đi vào được trong các nhà máy sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất công nghiệp, do các nhà máy sản xuất phải sử dụng đường tinh luyện RE, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Còn đường nhập lậu chủ yếu chỉ là đường cát trắng.
Ông Đỗ Thành Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường khẳng định, hiện nay, toàn bộ các nhà máy đường trong Hiệp hội đều đáp ứng mọi tiêu chuẩn về chất lượng. Nếu chúng tôi mua mía cho bà con nông dân sống với giá 30,7 USD/tấn như Thái Lan thì DN mía đường Việt Nam sẽ sống khỏe và đủ sức cạnh tranh với đường nhập lậu. 

Giải pháp nào khả thi cho cạnh tranh?

Vậy giải pháp chống nhập lậu đường, để mía đường nội có thể tồn tại và duy trì sản xuất, kinh doanh là: “Cần phải có một nhóm giải pháp đồng bộ, sự ra quân quyết liệt của nhiều lực lượng chức năng” - ông Đỗ Thành Liêm nhấn mạnh như vậy khi trao đổi về giải pháp chống buôn lậu đường. Ông Lam cho rằng, cần phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xảy ra tình trạng buôn lậu đường trên địa bàn. Với hiện tượng các cư dân biên giới tiếp tay cho buôn lậu đường, giải pháp cần thiết là phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người dân vùng biên. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm với sự phối kết hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, công an. Đồng thời cần hoàn thiện các cơ chế chính sách kiểm tra và xử lý vi phạm… Tuy nhiên, việc chống buôn lậu cũng phải được bắt nguồn từ phát triển sản xuất trong nước. Đây mới chính là giải pháp lâu dài và cơ bản. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là phát triển vùng nguyên liệu. Hiện vẫn đang có sự chênh lệch lớn về năng suất giữa các vùng, do đó cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần thay đổi tình hình năng suất, chất lượng để giảm giá thành đường, nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cho doanh nghiệp./.

Trần Thu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất