(TG) - Vĩnh Long tiếp tục quan tâm thực hiện tốt 3 mục tiêu lớn trong Nghị quyết 26-NQ/TW (khóa X) là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn và xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, ngày 1/8/2013, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã làm việc với Tỉnh ủy Vĩnh Long. Tham dự buổi làm việc có bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Phi Hổ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở ban, ngành tỉnh Vĩnh long.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và công tác xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã xây dựng chương trình hành động để chỉ đạo thực hiện trong toàn Đảng bộ. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 26 (khoá X), nông nghiệp Vĩnh Long đã phát triển theo hướng toàn diện và từng bước hiện đại; nông sản hàng hóa sản xuất sạch hơn và bền vững gắn với thị trường tiêu thụ ổn định; công nghiệp - dịch vụ, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư từ nhiều nguồn lực, bộ mặt nông thôn liên tục đổi mới. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn năm 2012 đạt 19,75 triệu đồng/người, tăng 1,93 lần so với năm 2008; Vĩnh Long tiếp tục phấn đấu đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến 2015 đạt 29 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 5%, cơ bản không còn nhà tạm trong nông thôn vào năm 2015.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng: Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW (khóa X), với sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự quyết tâm tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Vĩnh Long đã có những chuyển biến mạnh mẽ với nhiều kết quả khả quan.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ về cơ chế chính sách, nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc tiếp cận nguồn vốn, giữ ổn định giá cả đầu vào, bảo đảm đầu ra cho nông sản... đồng thời ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Tỉnh và trong chức năng, nhiệm vụ của Ban Kinh tế Trung ương sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét.
Về phương hướng sắp tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Vĩnh Long tiếp tục quan tâm thực hiện tốt 3 mục tiêu lớn trong Nghị quyết 26-NQ/TW (khóa X) là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Vĩnh Long cần tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cả về điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa, nguồn lực con người, tổ chức; bám sát các chủ trương, đường lối của Trung ương, tổng kết kinh nghiệm thực tế, trên cơ sở đó đề ra cách làm phù hợp, huy động nguồn lực cộng đồng, tăng cường liên kết vùng để phát triển.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ thăm cơ sở chế biến của Công ty CP Rau quả Tiền Giang. |
* Cùng ngày, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đoàn công tác cũng đã có cuộc làm việc tại Công ty CP Rau quả Tiền Giang và thăm nhà máy chế biến rau quả tại đây. Tham gia Đoàn có ông Trần Thế Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và một số lãnh đạo của tỉnh Tiền Giang.
Được thành lập và đi vào hoạt động năm 1977, Công ty CP Rau Quả Tiền Giang là một trong những nhà cung cấp, sản xuất, chế biến và xuất khẩu rau quả uy tín nhất ở Việt Nam. Công ty hiện có ba nhà máy chế biến chính, bao gồm nhà máy đồ hộp trái cây công suất 10.000 tấn thành phẩm/năm; đông lạnh rau củ quả công suất: 5.000 tấn/năm; và chế biến đa dạng nước quả cô đặc và puree công suất 5.000 tấn/năm. Ngoài ra, xuất khẩu rau quả tươi hàng năm đạt hơn 10.000tấn.
Được mệnh danh là “Vương quốc trái cây” phía Nam, Tiền Giang có diện tích vườn cây ăn trái hàng đầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với gần 65.000 ha cho tổng sản lượng mỗi năm trên 885.000 tấn trái cây các loại... Tiền Giang đang thực thi nhiều chính sách khuyếch trương thế mạnh cây ăn quả có múi, giúp nhà vườn vươn lên phát triển bền vững. Một trong những định hướng quan trọng là ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả và thâm canh theo tiêu chí VietGAP.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng: Tiềm năng, thế mạnh kinh tế vườn tại đồng bằng sông Cửu Long đang được phát huy với nhiều cách tân quan trọng trong phương pháp trồng và chăm sóc, tuyển chọn cây giống chất lượng, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa lớn, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong quá trình thâm canh, mà nổi bật là trồng cây ăn trái theo hướng VietGAP và GlobalGAP... Sự hình thành quan hệ sản xuất mới trên lĩnh vực trồng cây ăn trái thông qua việc tổ chức các tổ hợp tác và HTX chuyên canh theo hướng GAP góp phần giúp trái cây đặc sản đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển, khẳng định được thương hiệu và có thêm các điều kiện quan trọng để thâm nhập mạnh vào các thị trường xuất khẩu lâu nay vốn rất khó tính.
Theo chương trình công tác, hôm nay 2/8/2013, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Đoàn công tác tiếp tục làm việc tại tỉnh Tiền Giang và Long An./.
PV