Trong tiết Thanh minh, thành phố Hưng
Yên đang nhộn nhịp không khí tưng bừng của chuỗi Các lễ hội văn hóa dân
gian Phố Hiến. Mùa lễ hội tháng Ba âm lịch hàng năm ở Khu di tích Phố
Hiến đã trở thành những thời khắc đẹp để khơi dậy và tái hiện lại những
giá trị lịch sử, những điểm nhấn về văn hóa truyền thống của vùng đất
Hưng Yên văn hiến xưa và nay.
Nơi hội tụ, giao thoa nhiều nền văn hóa
Phố Hiến xưa vốn là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hóa bốn phương hội tụ. Là thương cảng một thời nổi tiếng, Phố Hiến đã từng là điểm đến của thương gia từ hơn 10 nước đến kinh doanh, buôn bán như: Hà Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc… Cùng với hàng hóa, các thương nhân nước ngoài đã mang đến đây nhiều kiến trúc và tập quán, văn hóa đa dạng phong phú. Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, những dấu tích của Phố Hiến một thời hưng thịnh vẫn còn rất đậm nét trong các công trình kiến trúc, những tập quán, nếp sống. Tiêu biểu là quần thể các di tích như: Văn miếu Xích Đằng, chùa Chuông, đình chùa Hiến, đền Mẫu, đền Mây, đền Kim Đằng...
Bên cạnh đó là các công trình kiến trúc có sự kết hợp, giao thoa hài hòa, tinh xảo của kiến trúc Trung Hoa, kiến trúc phương Tây với văn hóa Việt như: Đông đô Quảng Hội, đền Thiên Hậu, chùa Phố, võ Miếu, nhà thờ cổ… Ngoài các công trình phục vụ hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, thành phố Hưng Yên ngày nay còn lưu giữ được một số di tích liên quan đến đời sống sinh hoạt của người Phố Hiến xưa như: Chợ, giếng, nghĩa địa với những miếu thờ của người nước ngoài… Tất cả đã hợp thành Khu di tích Phố Hiến được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.
Sự đậm đặc về di tích (chủ yếu là những công trình kiến trúc lịch sử văn hóa gắn với tâm linh, tín ngưỡng thờ nhân thần và thiên thần) đã hình thành nên một chuỗi các lễ hội truyền thống với những bản sắc riêng của từng di tích trong quần thể Phố Hiến cổ. Ở đây, mỗi công trình tôn giáo, tín ngưỡng cổ kính lại ẩn chứa trong đó những huyền thoại đầy ly kỳ, mang đậm triết lý.
Đó là những câu chuyện thể hiện sự tôn trọng, lòng biết ơn đối với những người đã có công với đất nước, giúp nhân dân có cuộc sống an lành, sinh cơ lập nghiệp được lưu giữ tại đền Mẫu, đền Thiên Hậu, Đông Đô Quảng hội ... Từ đó tạo nên những nét độc đáo của từng lễ hội tại các di tích khiến không gian văn hóa của Phố Hiến vừa đa dạng về hình thức với nhiều lớp văn hóa, vừa có sắc thái riêng so với vùng châu thổ Bắc Bộ.
Tái hiện nét đẹp tinh hoa xưa
Các lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến được gắn với các di tích và phục dựng lại các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng cổ góp phần tái hiện về một vùng đất đã đi vào lịch sử với câu ca "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Đây là chuỗi lễ hội diễn ra trong suốt tháng Ba âm lịch, được tổ chức ở các di tích thuộc quần thể Phố Hiến gồm: Văn miếu Xích Đằng, đình chùa Hiến, Đông Đô Quảng hội, chùa Chuông, chùa Phố, đền Mẫu, đền Trần, đền Thiên Hậu, đền Mây, đền Tân La...
Cùng với những dấu tích xưa của Phố Hiến còn hiện hữu, các hoạt động văn hoá dân gian sẽ tái hiện lại những hình ảnh sống động của thương cảng Phố Hiến thời kỳ hưng thịnh, "trên bến, dưới thuyền" xưa. Nơi đây, vào các thế kỷ 16 - 17 vốn là trung tâm thương mại buôn bán sầm uất phồn thịnh, chỉ đứng sau kinh kỳ Thăng Long và được mệnh danh là "Tiểu Tràng An" ở Đàng ngoài, với nhiều thương điếm của người Hoa, người Nhật, Hà Lan hoà quyện giữa khung cảnh phố xá nhộn nhịp cùng nhiều nét văn hoá nét độc đáo của bốn phương hội tụ.
Trong tiết Thanh minh, giao hòa cùng thiên nhiên trong sáng, các lễ hội của Khu di tích Phố Hiến đã tạo ra một không gian văn hóa riêng và độc đáo. Trong đó, đảm bảo hài hòa giữa phần lễ và phần hội qua các hoạt động dân gian mang nội dung phong phú, sinh động. Phần lễ gồm: Lễ dâng hương và lễ khai mạc được tổ chức trang nghiêm cùng với các hoạt động tế lễ, rước kiệu, múa rồng trên các đường phố quanh các khu di tích Phố Hiến, nhằm khôi phục các giá trị truyền thống và hoạt động sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng.
Phần hội được thể hiện sôi động dưới các hình thức dân gian phong phú như biểu diễn nghệ thuật, thi cầu kiều, hát ả đào trên hồ Bán Nguyệt; hát xẩm, trống quân, ca trù, hát chèo tại các đền Mẫu, đền Mây, đình chùa Hiến, đền Đào Nương; bên cạnh đó là các trò chơi dân gian như kéo co, chọi gà, triển lãm sinh vật cảnh tại các trung tâm của Khu di tích Phố Hiến.
Điều hấp dẫn trong các lễ hội văn hóa dân gian ở Phố Hiến còn là các hoạt động về văn hóa ẩm thực với điểm nhấn được giới thiệu tới du khách qua các các sản vật nổi tiếng và món ăn truyền thống như: Bún thang Phố Hiến, hạt sen, long nhãn, mật ong...Những gian hàng này được bày dưới những rặng nhãn sum xuê tỏa bóng đang trổ hoa vàng thanh khiết. Du khách sẽ được thưởng thức hương vị ngọt ngào, tinh tế về văn hóa vùng Phố Hiến ẩn chứa trong các món ăn dân dã nhưng khó quên.
Trong hàng loạt chuỗi lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, các tinh hoa văn hóa của các lễ hội tại các di tích được chắt lọc hội tụ, thể hiện đầy đủ sự tinh túy, đặc sắc của văn hóa Phố Hiến. Đến với Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các di tích mà còn được đắm mình trong các hoạt động dân gian truyền thống, khiến cho không gian lễ hội như một dòng chảy liên tục kéo dài.
Trong không gian linh thiêng của các di tích, các hoạt động văn hóa cộng đồng được tái hiện phần nào khắc họa sống động, tái hiện lại khung cảnh tấp nập “trên bến, dưới thuyền” của Phố Hiến xưa. Đắm mình trong không khí lễ hội, du khách được tìm hiểu sâu thêm về truyền thống văn hóa, được khám phá những nét độc đáo riêng về ẩm thực, âm nhạc và các trò chơi dân gian độc đáo.
Đây cũng là dịp để thành phố Hưng Yên quảng bá tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ gắn với các di tích lịch sử, lễ hội… nhằm không ngừng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tạo điểm đến hấp dẫn về du lịch và văn hóa tâm linh đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế./.
Mai Ngoan/TTXVN