Dự hội thảo có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng
Anh, các Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực
Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư
Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Trưởng ban Thường trực
Ban Chỉ đạo; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân
đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng dự có các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo, nguyên lãnh
đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; các tướng lĩnh, sỹ quan,
lãnh đạo chỉ huy các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, các nhà khoa
học.
Đây là lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổ chức hội thảo "Lý
luận - Thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", sau hội thảo lần
thứ nhất được tổ chức tại Hải Phòng ngày 20/7 vừa qua.
Đây là những cơ sở rất quan trọng để Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây
dựng Đề án Tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) nghiên cứu, xây
dựng Báo cáo và các văn bản liên quan trình Bộ Chính trị và Trung ương.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ để
góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã
ban hành nhiều văn kiện quan trọng làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo toàn
quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ
quốc trong tình hình mới.
Đánh giá cao các đại biểu đều phát biểu rất tâm huyết, thẳng thắn,
nêu nhiều thông tin, kiến thức sâu sắc, có giá trị khoa học, Chủ tịch
nước cho rằng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI)
trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động rất phức
tạp, khó dự báo, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu đạt
nhiều kết quả tích cực.
Thành tựu cơ bản, bao trùm là đã luôn giữ vững độc lập, chủ quyền,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững
sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước. Coi trọng củng cố,
tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị,
giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, làm thất
bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan
trọng vào quá trình đổi mới đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt
Nam trên trường quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
Thống nhất với các đại biểu tại hội thảo về quan điểm cơ bản trong lý
luận và thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chủ tịch nước
nhấn mạnh phải luôn giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt
của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Kiên định mục tiêu độc lập
dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cần nâng cao nhận thức, trách
nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đối
với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng Tổ quốc.
Cùng với đó, Chủ tịch nước yêu cầu cần phát huy sức mạnh của hệ thống
chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc; Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của
cả hệ thống chính trị, tranh thủ cao nhất sự đồng tình, ủng hộ của cộng
đồng quốc tế, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của
nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước khẳng định xây dựng "thế trận lòng dân" trong nền quốc
phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững chắc được coi là giải pháp
nền tảng đặc biệt quan trọng, là một trong những nhiệm vụ thường xuyên,
trọng yếu, liên quan trực tiếp đến lợi ích cốt lõi quốc gia - dân tộc,
là vấn đề hệ trọng cấp thiết để bảo vệ Tổ quốc hiện nay, sinh mệnh và sự
sống còn của Đảng, Nhà nước và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước nhắc lại tổng kết lý luận-thực tiễn hơn 35 năm đổi mới,
Đảng ta đã chỉ rõ: "Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và
phát triển của dân tộc ta. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc
xã hội chủ nghĩa là quy luật phát triển của cách mạng nước ta".
Từ bài học đó, Chủ tịch nước cho rằng cần kết hợp chặt chẽ hai nhiệm
vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy cao nhất sức mạnh của
dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, trong đó nội lực là nhân tố
quyết định; đồng thời, tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi và nguồn
lực từ bên ngoài, trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế là
trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của
xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường
xuyên.
Đây là quan điểm lý luận cơ bản, chi phối, quy định toàn bộ các nội
dung của các quan điểm khác về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc xã
hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Theo Chủ tịch nước, việc quán triệt và thực hiện nhất quán đường lối
độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là nhiệm
vụ, giải pháp quan trọng, giữ nước từ sớm, từ xa.
Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn
định để phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa; tranh thủ tối
đa các nguồn lực bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời
đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế.
Chủ tịch nước lưu ý cần phát huy kết quả đã đạt được trong 10 năm
thực hiện thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI); đồng thời nắm
vững các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để tiếp tục triển khai
thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc và các
Chiến lược có liên quan trong thời gian tới.
Do đó, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị,
cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân là tiếp tục quán
triệt, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là các cấp,
các ngành đang triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung
ương 8 (khóa XI)./.
Quang Vũ (TTXVN)