Cuộc sống không ngừng vận động, phát triển, ước mong của Bác là đất nước
ta ngày càng hạnh phúc, văn minh, tiến bộ, sánh vai với các cường quốc
trên thế giới, sống trong hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ, giàu mạnh
vững bền. Kết thúc bản Di chúc, Bác viết: “Điều mong muốn cuối cùng của
tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt
Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần
xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Đây cũng là mục tiêu, lý
tưởng của Đảng ta, dân tộc ta từng bước hướng tới tương lai tươi sáng
của dân tộc.
Thực hiện những lời căn dặn tâm huyết, chí tình, điều mong ước khát
khao, cháy bỏng của Bác Hồ là vinh dự, tự hào là việc làm thường xuyên
mỗi ngày với mỗi người chúng ta hôm qua, hôm nay và các thế hệ mai sau.
Tiếp tục 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, hôm nay vẫn còn nhiều
điểm mới quan trọng và bức thiết cần đi sâu để chúng ta thực hiện nghiêm
lời căn dặn ân tình của Bác.
Một là, tiếp tục thực hiện lời dặn của Bác về xây dựng Đảng
Bác dặn cặn kẽ, “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán
bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng
đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Bác là người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta. Để làm điều ấy, Bác phải
bôn ba khắp năm châu bốn biển tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lenin; hoạt động
trong Quốc tế cộng sản; trải nghiệm trong phong trào cách mạng thế giới,
tìm ra chân lý; tổ chức truyền bá lý luận cách mạng, giác ngộ thanh
niên Việt Nam yêu nước đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người
thấu hiểu sứ mệnh lịch sử cao cả của Đảng và những phẩm chất chính trị,
đạo đức, tư tưởng cần có của cán bộ, đảng viên để xứng đáng là đảng cầm
quyền. Đó là điều Người quan tâm lớn nhất, thường xuyên luôn giữ cho
Đảng thật sự trong sạch; thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; thật sự
là người lãnh đạo; thật sự là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Những điều Bác dặn trên đây, 50 năm qua, cán bộ, đảng viên ta luôn tu
dưỡng, phấn đấu, thực hiện lời dạy ân cần của Bác. Tuy nhiên, trong
hàng triệu đảng viên, cán bộ của cả nước với những trình độ nhận thức tư
tưởng, cuộc sống và các cương vị công tác, thử thách khác nhau, khó
tránh khỏi những người thực hiện không nghiêm, thậm chí vi phạm, vi phạm
nghiêm trọng những lời Bác dặn. Họ đã tự đánh mất uy tín, địa vị, vai
trò và lòng tin của chính họ đối với nhân dân, đối với Đảng.
Trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập với thế giới, đất nước
tiếp tục đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội, một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên, kể cả những người giữ cương vị quan trọng, từng vào sinh ra
tử trong chiến tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, đến nay vẫn bị gục
ngã trước uy lực, cám dỗ của đồng tiền, danh lợi cá nhân. Họ “thuộc” Di
chúc của Bác Hồ, nhưng lại không “thấm nhuần” lời dặn của Bác là phải
“thường xuyên tự phê bình và phê bình”; phải đoàn kết và thống nhất
trong Đảng; phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần,
kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong
sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành
của nhân dân. Họ đã bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống. Họ tự phai nhạt lý tưởng, xa rời Đảng, chạy theo lợi ích nhóm,
tham nhũng, lãng phí trở thành thứ “giặc nội xâm” phản lại lợi ích của
nhân dân, họ không còn là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của
nhân dân.
Hai là, tiếp tục bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau
Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Người luôn ở
đỉnh cao của cuộc sống, nhìn xa, trông rộng, thấu hiểu cuộc đời. Người
luôn chỉ rõ, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; quần chúng là người
làm nên lịch sử. Quần chúng thanh niên là tương lai của dân tộc. Cách
mạng là sự nghiệp không ngừng kế tiếp nhau các giai đoạn của lịch sử
phát triển đất nước. Bác dặn lại Đảng ta phải hết sức chăm lo bồi dưỡng
thế hệ cách mạng cho đời sau, đây là quy luật tất yếu và phải thấy đây
là việc “rất quan trọng và rất cần thiết”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng
cho đời sau có nhiều thứ, trong đó Bác nhấn mạnh “Đảng phải chăm lo giáo
dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây
dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên””.
Bác hiểu rất rõ thế hệ trẻ nước ta rất tốt, mọi việc hăng hái xung
phong, có chí tiến thủ. Nhưng để trở thành lớp người kế tục sự nghiệp
cách mạng của Đảng thì phải có lý tưởng cách mạng, có đạo đức cách mạng,
có tài năng, trí tuệ, phẩm chất là người chủ tương lai xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc.
Bác hiểu tuổi trẻ dù nhiệt tình, hăng hái nhưng thiếu từng trải nên
Bác yêu cầu Đảng ta phải “chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ”.
Đặc biệt, chăm lo giáo dục bồi dưỡng lý tưởng độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội; giáo dục ý thức tự cường, tự tôn dân tộc; giáo dục đạo
đức, lối sống, văn hóa văn minh tiến bộ, phát huy truyền thống, bản sắc
dân tộc, tôn trọng đạo lý, yêu thương quý trọng con người, lòng tự hào
dân tộc, không tôn thờ đồng tiền, chạy theo lợi ích vật chất tầm thường.
Giáo dục thanh niên biết hy sinh phấn đấu làm chủ khoa học kỹ thuật
công nghệ trong thời hiện đại, sánh vai với thanh niên các nước tiên
tiến.
Ba là, tiếp tục có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân
Nhân dân là chủ thể, là đối tượng phục vụ mà Bác luôn hướng tới.
Trọng dân, yêu thương dân, tận tình phục vụ dân, tin dân, quý dân, học
dân, gần dân là những nét đặc trưng, nổi bật trong tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh. Người bôn ba khắp thế giới, tận tình hiến dâng
sự nghiệp cả cuộc đời mình cũng chỉ vì dân. Theo Bác, dân là nước, nước
là dân, dân phải giàu, nước mới mạnh, dân phải được hạnh phúc, tự do,
dân chủ, bình an. Có được cuộc sống hạnh phúc đó, Đảng, Nhà nước phải
thường xuyên “có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa” là
cơ sở, là nền tảng, là cuộc sống đích thực cho ấm no, hạnh phúc của nhân
dân bền vững. Kế hoạch thật tốt về phát triển kinh tế và văn hóa là kế
hoạch khả thi, vững chắc, phù hợp với thời đại, với đất nước, với mọi
người dân, không có người quá giàu, người quá nghèo, người bị bỏ lại
phía sau. Kế hoạch phát triển kinh tế phải đồng bộ, song song, cân đối
với phát triển văn hóa, đạo đức, lối sống của xã hội. Kinh tế phát
triển, đời sống nhân dân được nâng lên nhưng xã hội phải văn minh, tiến
bộ, không có tệ nạn xấu xa, không có đạo đức bị xuống cấp, giáo dục phải
phát triển là hạt nhân đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội
tiến bộ, là cơ sở đào tạo thế hệ trẻ xứng đáng chủ tương lai của đất
nước thật sự vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
Theo Bác, nhân dân ta chống thực dân, đế quốc giành độc lập, giữ non
sông, bảo vệ con người, giống nòi, tất cả sẽ phát triển không ngừng; đất
nước sẽ bừng sáng, Tổ quốc non sông sẽ không ngừng vẻ vang, rạng rỡ. Đó
là quy luật tất yếu mà Bác đã chỉ ra với niềm tin sắt đá:
“Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
Biết bao nhiêu điều tâm huyết Bác dặn lại Đảng ta, nhân dân ta, các
tầng lớp đồng bào trong cả nước không sót một ai, không thiếu điều gì
chỉ với một ước vọng sao cho nhân dân ta, đồng bào ta thật sự ấm no, tự
do, hạnh phúc, nước nhà độc lập giàu mạnh sánh vai với các cường quốc
trên thế giới và “góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Hôm nay và mai sau, chúng ta vẫn mãi thực hiện một cách cẩn trọng,
nghiêm túc những lời căn dặn thiêng liêng trong bản Di chúc lịch sử nhằm
thỏa nguyện lòng mong ước của Người và xứng đáng với sự hy sinh, lòng
tin yêu của Người với con cháu mai sau.
PGS. TS. Trần Quang Nhiếp
(Nguồn: VGP)