Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 27/7/2018 8:37'(GMT+7)

Mái nhà chung của 120 liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam

Ngôi mộ tập thể của 120 liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Vĩnh Hưng-Tân Hưng. (Ảnh: TTXVN)

Ngôi mộ tập thể của 120 liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Vĩnh Hưng-Tân Hưng. (Ảnh: TTXVN)

Các anh đã từng cùng sống, chiến đấu và cùng hy sinh trong một trận chiến bảo vệ chính nghĩa. Và giờ đây, các anh về cùng chung một mái nhà trong lòng đất mẹ quê hương.

Mái nhà chung nơi các anh yên nghỉ đặt trang trọng ngay lối đi chính, được xây dựng lớn hơn so với những phần mộ thường thấy trong các nghĩa trang, ốp đá hoa cương đen, trên bia ghi rõ: "Mộ tập thể 120 chiến sỹ thuộc C30 và Tiểu đoàn 28 - Sư đoàn 9 đã anh dũng hy sinh vào ngày 11/12/1970 trong trận chiến đấu với ngụy Lon Nol tại xã Po Th’Rich, huyện Svây Ch’Rum, tỉnh Svây Riêng, Campuchia".

Ông Hồ Văn Thương, quản trang tại nghĩa trang Vĩnh Hưng-Tân Hưng cho biết ngôi mộ này là một trong hai ngôi mộ đặc biệt nhất trong số hơn 3.200 ngôi mộ ở nghĩa trang này. Đặc biệt ở chỗ 120 liệt sỹ là những đồng chí, đồng đội trước đây cùng sống, chiến đấu với nhau, giờ lại nằm chung một phần mộ và không một ai trong đó biết tên, tuổi, quê quán. Trong nghĩa trang còn có một phần mộ như vậy với 23 liệt sỹ hy sinh tại ấp KomPốt-B’Ró, xã Ch’Pọ-M’Tế, huyện Svay Tiếp, tỉnh Svay Riêng.

Ngày tổ chức truy điệu, an táng phần mộ chung của 120 liệt sỹ cũng là một ký ức không thể quên trong suốt 22 năm làm công việc quản trang của ông Thương. Đó là vào khoảng giữa tháng 8/2002, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân Long An tổ chức lễ an táng, truy điệu cho hơn 800 bộ hài cốt liệt sỹ hy sinh qua các thời kỳ tại Campuchia. Những bộ hài cốt đó do cán bộ, chiến sỹ Đội k73 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An) tìm kiếm, cất bốc trong suốt mùa khô 2001-2002.

Trong số ấy, hài cốt của 120 liệt sỹ hy sinh tại xã Po Th’Rich, huyện Svay Ch’Rum, tỉnh Svay Riêng, được xếp chung trong chiếc quách lớn và phủ lên lá cờ đỏ sao vàng. Sau khi bàn bạc, thống nhất, hài cốt của 120 liệt sỹ an táng chung trong một ngôi mộ, đặt trang trọng tại vị trí đẹp nhất trong khuôn viên nghĩa trang. Từ đó, ngôi mộ tập thể của các liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam được ông Thương chăm sóc, hương khói cẩn thận, các tổ chức, đoàn thể khi đến thăm viếng nghĩa trang cũng ghé lại thắp hương nơi các anh yên nghỉ.

Lời tâm sự của ông Thương và những thông tin ít ỏi khắc trên bia mộ càng thôi thúc chúng tôi tìm hiểu thêm về sự hy sinh của các chú, các anh và quá trình tìm kiếm, cất bốc, đưa các anh về với đất mẹ như thế nào.

Chia sẻ về ngôi mộ 120 liệt sỹ, Đại tá Trần Văn Hoàng, nguyên Đội trưởng Đội K73, người gắn bó với Đội K73 suốt 15 năm từ khi thành lập đội cho đến ngày về hưu (từ năm 2001 đến 2015) vẫn nhớ từng chi tiết về hành trình tìm kiếm, cất bốc và xác minh, dù đã qua 16 năm.

Đó là vào năm 2002, khi Đội K73 vừa thành lập được một thời gian ngắn với nhiệm vụ thiêng liêng là tìm kiếm hài cốt các chú, các anh đã hy sinh trong chiến tranh và đang nằm trên phần đất nước bạn Campuchia. Trong chuyến công tác năm ấy, Đội K73 nhận thông tin từ một người dân Campuchia cho biết có một ngôi mộ tập thể của người Việt Nam được chôn vào năm 1970 tại xã Po Th’Rich, huyện Svay Ch’Rum, tỉnh Svay Riêng.

Nhận thông tin đó, cán bộ, chiến sỹ Đội K73 bắt tay thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, thông tin quá ít ỏi, địa hình, địa vật thay đổi nhiều so với ngày trước, nhân chứng chưa tìm ra đã gây rất nhiều khó khăn cho quá trình tìm kiếm ngôi mộ. May mắn đến khi Đội K73 tìm gặp được ông Trãi, từng là chiến sỹ thuộc Sư đoàn 9 vào thời kỳ 1970 - 1971, đang sinh sống tại Thị xã Svây Riêng và được xác nhận có sự kiện C30 và Tiểu đoàn 28 Đặc công do ông Út Mười Hai chỉ huy đánh vào chốt quân ngụy Lon Nol, nhiều chiến sỹ hy sinh trong trận ấy. Ông Trãi cũng giới thiệu Đội K73 với ông Xây-Keo, người trước đây làm việc ở Sở Giao thông Công chính Svây Riêng.

Qua những thông tin trao đổi, ông Xây-Keo xác nhận mình chính là người trực tiếp đào mộ chôn các thi thể cán bộ, chiến sỹ bộ đội Việt Nam và chỉ địa điểm cho đội K73 tiến hành tìm kiếm, cất bốc. Tuy nhiên, qua hơn 30 năm, địa hình địa vật thay đổi quá nhiều, để tìm ra vị trí chính xác của ngôi mộ cũng là một điều khó khăn. Dưới cái nắng đổ lửa của miền biên giới, hơn 20 cán bộ, chiến sỹ của Đội K73 phải đào các hố thăm dò quanh khu vực được xác định chôn cất hài cốt.

Sau hơn một tuần nỗ lực tìm kiếm với hàng trăm mét vuông đất được đào xới, Đội K73 mới phát hiện một chi tiết quan trọng để xác định chính xác vị trí ngôi mộ là phần đất trước sân nhà một người dân Campuchia, đất đã đào lấp khác với lớp đất nguyên thủy. Do đó, các cán bộ, chiến sỹ bắt đầu nhẹ tay, đào xới từng lớp đất mỏng và phát hiện những phần hài cốt đầu tiên.

“Niềm vui vỡ òa cùng những xúc động đan xen là cảm xúc của tất cả cán bộ, chiến sỹ Đội K73 khi tìm kiếm được phần hài cốt của các chú, các anh đã hy sinh suốt hơn 30 năm. Các hài cốt lúc ấy được chôn xếp lớp, không được bọc nilon, qua thời gian bị phân hủy nhiều nên không thể phân biệt từng bộ riêng. Chúng tôi phải nhẹ tay từng chút để lấy từng phần xương cốt, những mẩu tư trang, kỷ vật còn sót lại của các chú, các anh, gom lại, gói ghém cẩn thận trước khi đưa về nước”, Đại tá Hoàng chia sẻ.

Sau khi cất bốc xong, Đội K73 xin ý kiến cấp trên và tìm gặp ông Út Mười Hai, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 28 đặc công để xác minh thêm một lần nữa rồi mới chắc chắn đây là ngôi mộ tập thể của 120 liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh năm 1970, sau đó mới tổ chức hồi hương về nước làm lễ truy điệu, an táng.

Để tìm hiểu thêm về thông tin trận đánh đã khiến 120 liệt sỹ hy sinh, chúng tôi liên lạc với ông Út Mười Hai (tên thật là Nguyễn Thanh Vận, đang sinh sống tại huyện Kế Sách, Sóc Trăng), nhưng do tuổi cao sức yếu, cộng với việc bị thương nặng trong chiến tranh nên ông Út Mười Hai không thể nhớ hết các chi tiết của trận đánh năm xưa. Sau đó, thông qua sự giúp đỡ của Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 9, chúng tôi liên lạc được với ông Nguyễn Thực Hiện, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 28 Đặc công thời kỳ đó, sau này là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng.

Ông Hiện cho biết: Năm 1970, sau khi Lon Nol dưới sự hỗ trợ của Đế quốc Mỹ tiến hành đảo chính, lật đổ Quốc trưởng Norodom Sihanouk để lên nắm chính quyền, nhiều đơn vị của Quân giải phóng Việt Nam được điều sang để hỗ trợ lực lượng cách mạng Campuchia đánh đổ chính quyền tay sai.

Suốt từ tối hôm trước cho đến sáng 11/12/1970, Tiểu đoàn 28 đặc công phối hợp với C30 tổ chức trận đánh vào các chốt quân sự của chính quyền Lon Nol đóng trên tỉnh lộ 10, Svây Riêng, nhằm tiêu hao sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng. Trận đó, Tiểu đoàn 28 đặc công đánh chủ lực, còn đơn vị của C30 làm nhiệm vụ chốt chặn quân chi viện của địch. Quân ta giành thắng lợi, nhưng do quân chi viện của địch khá đông nên gây tổn thất lớn cho C30, nhiều cán bộ, chiến sỹ hy sinh. Sau trận đó, Tiểu đoàn 28 đặc công tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính nghĩa giúp đỡ lực lượng cách mạng Campuchia ở địa điểm khác.

Chiến tranh đã đi qua nhiều năm, Việt Nam và Campuchia đang phát triển từng ngày và thiết lập tình hữu nghị bền chặt. Thế nhưng đâu đó trên phần đất nước bạn vẫn còn thi thể của cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh đã nhiều năm chưa được tìm thấy. Cán bộ, chiến sỹ của K73 và các đơn vị khác không quản ngại khó khăn, vất vả, vẫn miệt mài thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng tìm kiếm hài cốt của những người đồng chí, đồng đội đưa về đất mẹ quê hương./.

Bùi Giang (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất