Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, báo cáo sơ bộ lần này được soạn
thảo nhằm cung cấp thông tin về tiến độ điều tra về sự biến mất của
MH370, chiếc máy bay Boeing 777-200ER, có số đăng ký là 9M-MRO.
Dự kiến, nhóm điều tra sẽ công bố báo cáo cuối cùng trong trường hợp xác
định được địa điểm của mảnh vỡ từ chiếc máy bay hoặc việc tìm kiếm các
mảnh vỡ kết thúc.
Báo cáo sơ bộ cho biết chuyến bay quốc tế theo lịch trình đến Bắc Kinh,
với 239 người (227 hành khách và 12 phi hành đoàn), đã rời sân bay quốc
tế Kuala Lumpur (KLIA) hồi 0 giờ 42 phút (giờ Malaysia) ngày 8/3/2014.
Chưa đầy 40 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay đã biến mất khỏi màn
hình radar sau khi đi qua điểm tham chiếu IGARI.
Tuy nhiên, báo cáo không đưa ra được thông tin gì mới về nguyên nhân
chiếc máy bay MH370 bị mất tích. Báo cáo nêu rõ "cho đến nay, các mảnh
vỡ của MH370 vẫn chưa được tìm thấy bất chấp các nỗ lực tìm kiếm ở Nam
Ấn Độ Dương."
Tại thời điểm này, nhóm điều tra Malaysia đang tiếp tục làm việc hướng
tới hoàn thiện phân tích, phát hiện/kết luận và khuyến nghị an toàn trên
8 lĩnh vực có liên quan đến sự biến mất của chuyến bay MH370.
Tám lĩnh vực mà Nhóm xem xét gồm: Sự chuyển hướng của chiếc máy bay từ
Kế hoạch đường bay ban đầu; Điều hành dịch vụ lưu không; Hồ sơ phi hành
đoàn; Hệ thống điều kiện bay và bảo trì và hệ thống máy bay; Liên lạc vệ
tinh; Thông tin về mảnh vỡ và các tác động (sau việc thu hồi và xác
minh mảnh vỡ cánh máy bay); Tổ chức và quản lý thông tin của Cục Hàng
không dân dụng (DCA), Malaysia và MAS; và Hàng hóa trên chuyến bay.
Trong khi đó, Malaysia và Australia vẫn tỏ ra lạc quan cuộc tìm kiếm
trên Ấn Độ Dương có thể phát hiện vật gì đó có thể dẫn tới việc khôi
phục dữ liệu chuyến bay cũng như tiết lộ nguyên nhân khiến chiếc máy bay
mất tích.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhấn mạnh Malaysia
vẫn hy vọng rằng chiếc máy bay MH370 sẽ được tìm thấy. Nếu không phát
hiện bất cứ điều gì cuộc tìm kiếm sẽ phải kết thúc theo dự kiến là vào
giữa năm nay, khi đó, Malaysia, Australia và Trung Quốc sẽ phải gặp nhau
để quyết định hướng đi tiếp theo.
Bộ trưởng Giao thông Australia Darren Chester cũng bày tỏ hy vọng cuộc
tìm kiếm "có thể tìm ra câu trả lời với thế giới, đặc biệt là gia đình
các nạn nhân."
Cuối tháng 4/2014, Malaysia đã thành lập một nhóm điều tra tai nạn hàng
không quốc tế độc lập, gọi là Nhóm điều tra an toàn Phụ lục 13 của ICAO
Malaysia về MH370 để điều tra sự biến mất của chiếc máy bay MH370. Nhóm
này gồm 19 người Malaysia và 7 đại diện được cử từ các cơ quan điều tra
an toàn từ 7 quốc gia khác. Ngày 8/3/2015, nhóm này đã công bố báo cáo
sơ bộ lần 1 và thông tin thực tế về điều tra an toàn đối với MH370.
Trong hai năm qua, các hoạt động tìm kiếm đã bao phủ gần 90.000 km 2 và
đã phát hiện 500 vật thể, song không có vật thể nào trong số này liên
quan đến chiếc máy bay mất tích. Tuy nhiên, người dân sống trên đảo
Reunion của Pháp tại Ấn Độ Dương đã tìm thấy hai mảnh vỡ máy bay trên bờ
biển.
Mảnh vỡ đầu tiên được tìm thấy hồi tháng 7/2015 và đã được xác nhận là
một phần cánh chiếc máy bay xấu số. Mảnh vỡ thứ hai vừa được phát hiện
hôm 3/3 vừa qua và đã được chuyển cho chính quyền địa phương.
Cuối tháng 2 vừa qua, người dân địa phương cũng đã phát hiện một mảnh vỡ
nghi là của máy bay MH370 ở Mozambique, cách đảo Reunion khoảng 2.100km
về phía Tây. Mảnh vỡ này đã được gửi đến Australia để thẩm định./.
Theo TTXVN