Thứ Hai, 25/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 26/8/2009 17:25'(GMT+7)

Măng đang lớn khoẻ dưới bóng tre già

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái gẩy đàn Tính khai mạc liên hoan

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái gẩy đàn Tính khai mạc liên hoan


Nhưng rồi những cảm giác âu lo nhanh chóng qua đi, khi Thứ trưởng Bộ VH,TT& DL Huỳnh Vĩnh Ái cầm cây đàn Tính dạo một khúc nhạc Then khai mạc Liên hoan trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của khán phòng  không còn chỗ trống.

Trong đêm khai mạc, các nghệ nhân, nghệ sĩ của Then còn được đón những vị khách đặc biệt là bà Hà Thị Khiết, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ và 11 vị đại sứ đang làm việc tại VN.

Nam Bắc cùng hát Then

Nét đáng mừng đầu tiên ở Liên hoan hát Then, đàn Tính lần này là sự chuyên nghiệp ngày càng cao của BTC, từ việc đầu tư thiết kế một sân khấu đẹp và đặc biệt phù hợp với nghệ thuật Then đến việc dàn dựng một chương trình khai mạc hấp dẫn.

Một vị khách quốc tế đang bị đàn Tính hấp dẫn

Buổi tối tổng duyệt chương trình khai mạc, ai đó chẳng may đến muộn ít phút cũng khó lòng tìm được một chiếc ghế trống. Người dân Bắc Kạn dường như không thể chờ được đến giờ khai mạc mới tới thưởng thức loại hình nghệ thuật vốn vô cùng quen thuộc với họ. Và không chỉ có khán giả hồi hộp, các diễn viên của TP.HCM cũng có một đêm thao thức trước ngày khai mạc. Họ ngồi thật khuya ở quán nước nhỏ ven đường, hát đi hát lại cho thật nhuyễn những khúc Then mà họ sẽ trình diễn tại liên hoan. “Hát Then trên quê hương Then mà, run lắm!- chị Thanh Hà (quận Tân Bình, TP.HCM, thành viên của CLB Nắng mới) cho biết - Chỉ riêng tập cho chương trình liên hoan, cả CLB phải tập dồn dập gần 6 tháng, tuần tới 4-5 buổi”. Đến với liên hoan lần này, đoàn TP.HCM có tới 38 diễn viên của 2 CLB “Nắng mới” và “Ngọc Xuân” cùng được nhạc sư Hoàng Quân chỉ dạy. Ông là người Tày duy nhất của 2 CLB hát Then, đàn Tính này và cũng chính là người đang thắp ngọn lửa cho Then ở thành phố phương Nam.

Người Nam Bộ hát Then trên quê hương Then hồi hộp đã đành, ngay cả “bà Then” Phan Thị Phỏ (huyện Bát Xát, Lào Cai) cũng luôn miệng bảo “Run lắm! Run lắm!” khi đứng trong cánh gà chờ đến lượt diễn. Là một người làm Then, đây là lần đầu tiên nghệ nhân Phan Thị Phỏ bước lên sân khấu. Cũng là lần đầu tiên những người yêu Then biết đến diễn xướng Then của người Giáy ở Lào Cai qua trích đoạn “Luyện quân diệt yêu ma” trong lễ Lẩu Then. 

Nghệ nhân dân gian Nông Thị Sấm và cháu trai Chu Văn Minh (Lạng Sơn) trong đêm khai mạc

Hát tiếp câu Then của bà

Đặc biệt gây chú ý tại Liên hoan lần này là phần biểu diễn của hai bà cháu nghệ nhân dân gian Nông Thị Sấm (68 tuổi, thành phố Lạng Sơn) và cháu ngoại Chu Văn Minh (19 tuổi). Nghệ nhân Nông Thị Sấm là một trong hai người làm Then ở Lạng Sơn được Sở VH,TT&DL phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Chu Văn Minh thì vừa giành giải A tại Liên hoan Dân ca Việt Nam 2009 vừa qua. Bà kể, Minh biết hát Then từ rất nhỏ, mà lại là Then cổ vì xem bà làm Then quá nhiều. Hồi bé, bà đi làm Then ở đâu Minh cũng đi theo, niềm yêu thích hát Then, đàn Tính tăng dần theo số tuổi của Minh. Cùng gắn bó và nổi tiếng với Then nhưng con đường của Minh và bà không giống nhau. Nghệ nhân Nông Thị Sấm muốn cháu trai đi làm Then kế tục truyền thống gia đình nhưng Chu Văn Minh lại muốn học thành một nghệ sĩ biểu diễn Then. Chàng trai trẻ 19 tuổi không có ý định học làm thầy Then mà theo đuổi việc học tại trường VHNT Lạng Sơn, Minh còn ghi tên mình vào CLB đàn Tính, hát Then của thành phố Lạng Sơn để học thêm Then mới. Nghệ sĩ Triệu Thuỷ Tiên, thành viên Ban chủ nhiệm CLB đàn Tính, hát Then của Lạng Sơn thì khoe ở Lạng Sơn sắp có một lực lượng hùng hậu những người trẻ đam mê nghệ thuật Then như Chu Văn Minh. CLB Then ở thành phố này đã và đang thu hút được rất nhiều thanh niên tham gia, trong đó có rất nhiều người không phải dân tộc Tày, Nùng.

Nghệ nhân Hoàng Thị Cứ (67 tuổi, Bảo Yên, Lào Cai) cũng không giấu sự tự hào khi nói về khả năng hát và chơi đàn Then của con cháu và các học trò của mình. Bà là một trong những người biểu diễn và sưu tầm dân ca Tày, Nùng nổi tiếng nhất ở Lào Cai. Gia tài của nghệ nhân Hoàng Thị Cứ là rất nhiều giải thưởng trong các kỳ hội diễn văn nghệ ở xã, ở huyện rồi ở tỉnh. Cùng với đó là hàng loạt là những bài Then, bài Khắp, những lễ hội và các câu chuyện về văn hoá phi vật thể của người Tày, Nùng ở Lào Cai mà bà đã sưu tầm được sau hơn 15 năm cộng tác với Sở VH,TT&DL Lào Cai. Những bài Then sưu tầm được, bà mang về vận động con cháu trong nhà, rồi mọi người trong bản, trong xã tập hát. Dần dần lập thành đội văn nghệ của xã hoạt động được nhiều năm nay. Liên hoan lần này bà không hát mà dành cho cháu trai của bà và các em trẻ trong đội văn nghệ.

Hát Then đàn Tính trong tiết mục múa "Huyền thoại Then"

Nghệ nhân Then cao tuổi nhất của liên hoan lần này -  ông Nguyễn Văn Quyền (83 tuổi, Bắc Kạn) là thế hệ thứ 9 trong một gia đình có 9 đời làm Then. Con cháu ông bây giờ mê học hát Then đàn Tính nhưng không ai theo nghề làm Then. Mong muốn giữ truyền thống gia đình nên nghệ nhân vẫn đang kiên nhẫn thuyết phục con cháu theo nghề. Ông quả quyết “Bây giờ chưa có nhưng rồi sẽ có đứa theo tôi làm Then”. Niềm an ủi hiện nay cho nghệ nhân cao tuổi này là ở bản Tinh (huyện Chợ Mới) nơi ông sống vẫn còn có những nghệ nhân trẻ làm Then như nghệ nhân Lường Văn Hòa (25 tuổi), nghĩa là vẫn có người tiếp bước thế hệ các nghệ nhân cao tuổi như ông.

Hát tặng bạn câu Then:  NSƯT Nông Văn Khang (Thái Nguyên) và nghệ nhân Hà Thuấn (Tuyên Quang)

Không đến Liên hoan hát Then, đàn Tính, có lẽ khó hình dung được sức sống của Then. Chỉ riêng trong đêm khai mạc, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã cho thấy sự đa dạng, phong phú và tươi mới của nghệ thuật Then. Bên cạnh những trích đoạn Then cổ với các nghi lễ tín ngưỡng của đồng bào là những ca khúc Then mới hát về cuộc sống, về tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa. Thậm chí, Then còn là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm múa của các biên đạo mà “Huyền thoại Then” diễn trong đêm khai mạc là một ví dụ.

Đỗ Huyền-VanHoaOnline

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất