Chủ Nhật, 20/7/2014 15:21'(GMT+7)
Mang lại niềm tin cho những bệnh nhân nghèo
Thạc sỹ Cầm Ngọc Ninh, Trưởng khoa điều dưỡng đơn vị chạy thận nhân tạo thuộc khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết: Hiện tại, đơn vị chạy thận nhân tạo đang điều trị cho 33 bệnh nhân, trong đó có 18 bệnh nhân là người dân tộc, trung bình mỗi ngày chúng tôi điều trị cho 16 lượt bệnh nhân.
Trước đây, những bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Sơn La phải sang các tỉnh khác hoặc đi Hà Nội để chữa trị. Từ năm 2008 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã ký hợp đồng thuê máy móc của công ty Bbroun Việt Nam về chữa trị cho bệnh nhân, đây là một bước đột phá, mang lại hiệu quả cao, không chỉ giúp cho những bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại địa phương có điều kiện chữa bệnh, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, mà còn góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Năm 2004, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La được đầu tư 2 máy chạy thận nhân tạo từ nguồn vốn ODA của Cộng hòa liên bang Đức, tuy nhiên do nguồn điện không đảm bảo cùng với nguồn nước không tốt (nước chứa nhiều vôi), đã làm cho máy thường xuyên hư hỏng, không đáp ứng nổi nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Năm 2008, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La ký hợp đồng thuê 10 máy chạy thận nhân tạo với Công ty trách nhiệm hữu hạn Bbroun Việt Nam.
Thạc sỹ Lò Văn Nhay - Phó giám đốc Bệnh viện cho biết: Trung bình một năm, Bệnh viện điều trị cho khoảng 4.500 lượt bệnh nhân. Nếu tính thời điểm Bệnh viện bắt đầu thuê máy của công ty Bbroun, mỗi ca lọc thận cho bệnh nhân cộng cả chi phí vật tư y tế khi ấy còn rẻ thì Bệnh viện hòa, coi như là điều trị miễn phí cho bệnh nhân. Còn khoảng 2 năm trở lại đây, khi giá vật tư tăng cao thì tính trung bình mỗi ca lọc thận, Bệnh viện lỗ khoảng 200.000 đồng, nhưng vì mục tiêu người bệnh, các y, bác sỹ trong bệnh viện vẫn tận tình điều trị cho các bệnh nhân, còn khoản thâm hụt thì Bệnh viện sẽ lấy các khoản thu khác để bù đắp.
Anh Lèo Văn Tươi (sinh năm 1973, trú tại bản Pát, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn), một bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện kể: Năm 2011, cảm thấy trong người khó chịu, thường xuyên mệt mỏi, anh Tươi xuống Bệnh viện Bạch Mai để khám, các bác sỹ kết luận anh đã bị suy thận độ 2 và phải ở lại để chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần. Ở lại điều trị được khoảng 2 tuần, thấy chi phí quá đắt đỏ so với thu nhập của cả gia đình, nên anh chủ động xin về Bệnh viện tỉnh để điều trị. “Sau khi biết tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đã có máy móc hiện đại để chạy thận nhân tạo, tôi lập tức xin về đây để điều trị. Các y, bác sỹ ở đây rất nhiệt tình, máy chạy thận cũng hiện đại không kém gì ở Hà Nội. Đặc biệt, chi phí điều trị ở đây rẻ. Hơn nữa, sau mỗi lần chạy thận tôi lại có thể về nhà để giúp đỡ vợ con những công việc gia đình. Sau 1 năm điều trị, tôi thấy sức khỏe mình tốt hơn rất nhiều”- anh Tươi chia sẻ.
Thạc sỹ Cầm Ngọc Ninh, Trưởng khoa điều dưỡng đơn vị chạy thận nhân tạo thuộc khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết: Hiện tại, đơn vị chạy thận nhân tạo đang điều trị cho 33 bệnh nhân, trong đó có 18 bệnh nhân là người dân tộc, trung bình mỗi ngày chúng tôi điều trị cho 16 lượt bệnh nhân. Đa số các bệnh nhân ở đây đều là những người nghèo, chi phí điều trị đều được bảo hiểm thanh toán, người bệnh chỉ phải chi trả 5% viện phí, nếu so với điều trị ở nơi khác hoặc xuống Hà Nội điều trị thì người bệnh ở đây đỡ tốn kém hơn rất nhiều. Hơn nữa, tay nghề của đội ngũ y, bác sỹ trong đơn vị không ngừng được nâng cao.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, để có thể chăm sóc tốt hơn, tạo niềm tin nơi người bệnh, Thạc sỹ Lò Văn Nhay, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cử đội ngũ y, bác sỹ tại đơn vị chạy thận nhân tạo đi các tỉnh khác để học tập kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân, đồng thời học hỏi kinh nghiệm, cách tự pha chế nước rửa máy chạy thận nhân tạo để về áp dụng cho bệnh viện nhằm giảm thiểu chi phí chữa bệnh cho bệnh nhân một cách thấp nhất. Về lâu dài, Bệnh viện sẽ sớm huy động các nguồn lực khác để đầu tư mua thêm một số máy chạy thận nhân tạo nữa nhằm phục vụ bệnh nhân tốt hơn./.
Theo TTXVN