Thứ Hai, 7/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 5/2/2011 18:5'(GMT+7)

Mảng sáng sẽ nhiều hơn

Công nghiệp dầu khí vẫn là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam trong năm Tân Mão.

Công nghiệp dầu khí vẫn là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam trong năm Tân Mão.

Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001 – 2010), nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng quốc gia kém phát triển để gia nhập hàng ngũ những nước có thu nhập trung bình (dù ở ngưỡng thấp); GDP đã vượt 100 tỷ USD, GDP/người đạt mốc 1.200 USD; chỉ số phát triển con người (HDI) xếp hạng trung bình khá của thế giới... Đây thực sự là những mốc son, là điểm tựa vững chắc để Việt Nam tự tin bước vào năm mới 2011-năm Tân Mão.

Bước sang năm 2011, năm khởi đầu của chiến lược 10 năm (2011-2020) với mục tiêu chuyển nền kinh tế từ sự tăng trưởng nặng về lượng sang ưu tiên về chất, bảo đảm sự phát triển bền vững trong mối quan hệ hữu cơ giữa tăng trưởng kinh tế, kết hợp củng cố quốc phòng-an ninh và bảo vệ môi trường theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, thời cơ mới rất nhiều, nhưng thách thức mới cũng không phải là ít.  Các “nút thắt” trong nền kinh tế từ năm 2010 như lãi suất ngân hàng cao, nguy cơ lạm phát lớn, điện thiếu, cơ sở hạ tầng yếu… chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng lớn đến năm 2011. Ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2011, cả nước đã phải đối mặt với những thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Rét đậm, rét hại kéo dài, tình trạng thiếu nước canh tác tại các vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân… Sức ép tăng giá cả hàng hóa từ thị trường thế giới đang gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát trong nước.

Thế nhưng, bằng các giải pháp điều hành mới của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XI, bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, tháng đầu tiên của năm mới 2011, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trên mặt trận kinh tế. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 1 năm nay, sản xuất công nghiệp của cả nước đã duy trì được đà tăng trưởng cao (tăng 16,1% so với cùng kỳ); đặc biệt kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 18,1% và cao hơn gấp gần 2 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%). Tỷ lệ nhập siêu giảm so với tháng trước; dịch vụ tăng khá, nhất là các hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi. Lượng khách du lịch quốc tế và tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng vẫn phát triển ổn định. Giá cả, thị trường được kiểm soát, lạm phát được kiềm chế. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1-2011 có tăng 1,74%, song thấp hơn hai tháng gần đây. Đời sống của nhân dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật được quan tâm. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 1 của Chính phủ vừa được tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung ưu tiên thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường quản lý thị trường trong nước, bảo đảm cung cầu hàng hóa, chống đầu cơ, tăng giá tùy tiện nhằm bảo đảm ổn định thị trường giá cả, bảo đảm đời sống nhân dân. Các bộ, ngành và địa phương khẩn trương tiến hành phân bổ và triển khai kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011 đến các đơn vị cơ sở theo các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt các chỉ tiêu năm 2011 theo Nghị quyết của Quốc hội  không dễ dàng, nhất là việc kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ 11,75% năm 2010 xuống 7% năm 2011, trong khi đó phải tăng GDP từ 6,78% trong năm 2010 lên mức từ 7 đến 7,5% trong năm 2011. Để thực hiện  được hai mục tiêu nói trên, cần phải có những đột phá để tái cấu trúc nền kinh tế, từng bước giải quyết vấn đề chuyển nền kinh tế từ mang nặng tính chất gia công sang sản xuất, giảm nhập siêu và bội chi ngân sách do đầu tư công kém hiệu quả.  Để tái cấu trúc kinh tế thành công, rất cần một thông điệp định hướng rõ ràng hơn của Chính phủ về  sự nhất quán trong điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách tiêu dùng, chính sách an sinh xã hội, chính sách kinh tế đối ngoại… Hy vọng, trong bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm mới Tân Mão, mảng sáng sẽ nhiều hơn.

(Theo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất