Khi sở hữu một tài khoản mạng xã hội, đó là lúc bạn mở toang nhà cho khách vào. Và ở đó, mỗi ứng xử của cá nhân không chỉ thể hiện kỹ năng giao tiếp mà còn thể hiện chiều sâu và bản lĩnh văn hóa.
Bức tường trên các mạng xã hội là nơi các thành viên có thể viết những thông điệp cá nhân lên đó. Có thể chỉ là một cái mặt cười hay mếu, có thể là tiếng thở dài: “Haiz, người yêu của mình đi vắng rồi, bữa nay không biết ăn cơm trưa với ai...”.
Những dòng tâm trạng đó nhiều lúc tạo sự thú vị cho người đọc và làm cho những bạn bè ảo chia sẻ với nhau rất tếu táo. Như hoa hậu Thu Thủy viết dòng tâm trạng lên tường nhà: “Mẹ bảo con trai: con thấy không, chỉ có những chú chim chăm chỉ dậy sớm mới bắt được sâu... Con trai khinh khỉnh: chỉ có những con sâu ngu mới dậy sớm để cho chim ăn”.
Thế là chị nhận được rất nhiều lời bình luận vui nhộn về cậu con trai nhỏ xíu mà rất hóm hỉnh này. Thế nhưng, bức tường này cũng có những lúc “phản chủ”. Trường hợp của một thành viên Facebook trong tháng trước là ví dụ. Câu chuyện bắt đầu từ câu tâm trạng của một phóng viên đứng tuổi, đại ý là có người nói chị tưng tửng.
Cái tâm trạng này lập tức gây chú ý và chia sẻ đủ kiểu từ bạn bè. Một thành viên khác, cũng là phóng viên, bình luận theo kiểu “chọc đểu” và có ý trêu chị này về việc chị hay mặc áo ấm và khoác khăn len (giữa mùa hè Sài Gòn nóng bức).
Thế là chị chụp ngay vào câu nói đó và cho rằng cậu phóng viên này chính là người đã nói xấu mình, và treo ý kiến đó lên tường. Chị cũng dọa sẽ treo đến hàng tháng trời. Nhưng sau đó, vì bạn bè khuyên hoặc vì nghĩ lại, chị đã tháo cái tâm trạng đó. Nhưng sự việc chưa dừng lại, chị còn viết cái lưu ý dài sọc để nói về việc này. Kéo theo sau đó là những bình luận của người bênh vực chị và đương sự là cậu phóng viên. Câu chuyện lẽ ra không có gì nhưng lại ầm ĩ suốt hơn một tuần trên mạng. Lời ra tiếng vào...
Nhà ảo là nơi xả stress, cũng là nơi ta mở rộng quan hệ, tăng tính tương tác giữa người và người. Nhưng có không ít bạn trẻ đang xem nhà ảo như một cái bô rác tâm trạng để viết bài chửi trên trời dưới đất, hay treo lên tường những câu mạt sát, miệt thị người khác...
Nói gì, viết gì, phản ứng gì với những bình luận của người khác ở trong “nhà mình” là trách nhiệm của chính bản thân. Mỗi cá nhân không thể kiểm soát hành vi của cộng đồng nhưng hoàn toàn có thể (và phải) kiểm soát hành vi của chính mình. Những phản ứng quá đà đều có thể gây tác dụng ngược.
Mạng là không gian ảo nhưng người sử dụng nó là thật. Chính vì vậy ứng xử của mỗi người đều cần được cân nhắc đúng mức./.
Theo Tuổi trẻ online