Thứ Bảy, 23/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 14/6/2017 14:22'(GMT+7)

Máy móc chưa hết thời gian khấu hao đã đắp chiếu

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Chiến chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Chiến chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng: Trong báo cáo tại kỳ họp Quốc hội ngày 23/5, đại diện Kiểm toán nhà nước cho biết kết quả kiểm toán công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng thiết bị y tế năm 2015 phát hiện nhiều vấn đề. Nhiều thiết bị chưa hết thời gian đã hỏng, không sử dụng được.


“Nhiều loại được đầu tư mới nhưng đắp chiếu, hoặc mới dùng đã hỏng. Đặc biệt, có tình trạng, cùng một loại vật tư, cùng một nhà cung cấp được Bộ Y tế phê duyệt, nhưng giữa các bệnh viện lại có sự chênh lệch lớn về giá, có loại chênh nhau đến gần 7 lần. Xin hỏi, Bộ Y tế có biện pháp nào để quản lý nhập khẩu máy móc, trang thiết bị y tế?”, đại biểu Nguyễn Chiến đặt câu hỏi.


Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cũng cho rằng, mặc dù ngành y tế có nhiều giải pháp để quản lý giá thuốc, tuy nhiên giá thuốc Việt Nam vẫn cao hơn các nước trong khu vực. Ngay trong trước, cũng có sự chênh lệch giá thuốc giữa các địa phương. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này.


Giải trình trước Quốc hội về vấn đầu tư trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có tình trạng thiết bị, máy móc chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, nhiều máy đắp chiếu như kết luận của Kiểm toán nhà nước. Theo Bộ trưởng, một trong những lý do là công suất quá lớn kể cả ở tuyến tỉnh; một số máy đắp chiếu vì đang trong thời gian bảo hành, bảo trì…


Còn với kết luận có loạt thiết bị y tế chênh lệch giá cao gấp 6-7 lần dù cùng một mặt hàng, của cùng hãng thì theo Bộ trưởng: “Đây là quyền kết luận của Kiểm toán nhà nước. Nhưng các bệnh viên, cơ sở y tế không đồng thuận với kết luận này” vì trang thiết bị vật tư y tế rất đa dạng. Ví dụ, kim cánh bướm là kim nhỏ để luồn trong mao mạch nhỏ, thông thường Bệnh viện Việt Đức mua thì giá 6-7 nghìn đồng mỗi chiếc, trong khi Bệnh viện Chợ Rẫy mua gấp 10 lần. Vì cũng là kim cánh bướm, nhưng cái bệnh viện Chợ Rẫy mua là kim có khóa, có van, đầu vát để tránh đau cho bệnh nhân…, vì vậy giá chênh lệch nhau.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Dương Tấn Quân chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nói về việc quản lý trang thiết bị y tế hiện nay, Bộ trưởng cho biết, đang có nhiều luật chi phối. Bộ Y tế cũng đã trình Nghị định 36 về quản lý trang thiết bị. "Quy trình mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế cũng rất chặt chẽ, đi qua nhiều bước, nhiều khoa phòng, có hội đồng khoa học đánh giá độc lập tư vấn xem nhu cầu đó có chính đáng không, sau đó Giám đốc Bệnh viện phê duyệt. Nhưng sắp tới, có lẽ chúng tôi sẽ phải trình Quốc hội luật về quản lý trang thiết bị”, Bộ trưởng cho biết.


Trả lời câu hỏi “giá khám chữa bệnh tăng, chất lượng có tăng?” của đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thực tế lộ trình điều chỉnh giá y tế đã chậm vì dự kiến năm 2017 sẽ “tính đúng tính đủ” nhưng hết năm nay chưa thực hiện được vì còn phải xem xét CPI để chống lạm phát. 


“Khi giá tăng chắc chắn chất lượng phải cao vì các chi phí đã được tính toán, đặc biệt khi đưa lương vào giá thì về trách nhiệm của cán bộ y tế thì Bộ y tế sẽ đổi mới toàn diện thái độ phục vụ bệnh nhân, có cơ sở y tế chúng tôi đã yêu cầu, trước giờ khám bệnh phải cúi chào bệnh nhân”, Bộ trưởng khẳng định. 


Tuy nhiên, trước những giải trình của Bộ trưởng về vấn đề tình trạng thiết bị y tế "đắp chiếu" như trên, có đại biểu cho rằng, giải trình của Bộ trưởng là chưa thỏa đáng. Bộ trưởng chưa chỉ rõ nguyên nhân cũng như chưa đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này. 


Xuân Phong (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất