Trước thềm Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Mexico đã có cuộc phỏng vấn ông Sergio Ley López, Chủ tịch Ủy ban châu Á và châu Đại Dương thuộc Hội đồng Doanh nghiệp Mexico về ngoại thương, đầu tư và công nghệ (COMCE).
Nội dung cuộc phỏng vấn xoanh quanh vai trò của APEC trong việc thúc đẩy và xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực đa tầng nấc trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng và triển vọng quan hệ Việt Nam-Mexico trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác của APEC.
Đánh giá về vai trò của APEC trong việc thúc đẩy và xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực đa tầng nấc, Chủ tịch López cho rằng mục tiêu của các nền kinh tế thành viên khi thành lập APEC là hình thành một khu vực tự do thương mại, tự do trao đổi về mặt kinh tế.
Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng hàng đầu cũng như đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới trong những năm qua. Các nền kinh tế thành viên là hạt nhân kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch López nhận định trục hội nhập kinh tế quan trọng của thế giới sẽ là Đại Tây Dương-Thái Bình Dương. Các nền kinh tế thành viên đang trên đường hướng tới hình thành một cộng đồng kinh tế quan trọng nhất thế giới.
Một trong những thành tựu của APEC trong suốt quá trình kể từ khi thành lập đến nay là hội tụ được những nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau và qua đó, APEC đã xây dựng được một cơ chế hội nhập và hợp tác đa tầng nấc.
Mặt khác, một nhân tố quan trọng của APEC cần phải đề cập đến là việc đưa ra các sáng kiến và khuyến cáo phát triển tổng thể giúp các nền kinh tế thành viên hoạch định chính sách phát triển của mình, qua đó góp phần thúc đẩy thương mại tự do trong khu vực.
Quan chức thương mại Mexico khẳng định APEC đã tạo ra một khu vực thương mại tự do cũng như thúc đẩy hội nhập khu vực và toàn cầu hóa. Theo ông, cấu trúc và các cơ chế hợp tác của APEC là một “liều thuốc giải độc” tốt nhất đối với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, hiện đang nổi lên ở một số nền kinh tế.
Ông Sergio Ley López nhấn mạnh chủ nghĩa bảo hộ sẽ không có tương lai. Bởi vì tương lai của thế giới là sự toàn cầu hóa. Thế giới hiện tại mà chúng ta đang sống là toàn cầu hóa. Đơn cử, hầu như mọi sản phẩm sản xuất tại Mexico đều mang tính toàn cầu, vì các thành phần của nó đến từ nhiều quốc gia như Việt Nam, Malasia, Mỹ hay Nhật Bản... Đây là xu hướng, tương lai của thế giới và chúng ta không thể đi ngược lại.
Đề cập đến triển vọng quan hệ giữa hai nước trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác của APEC, ông López đánh giá Mexico và Việt Nam đã tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định quan trọng về thương mại tự do. TPP vẫn hiện hữu và đây là một công cụ hợp tác quốc tế thế hệ mới, có tính hỗ trợ cao và theo xu hướng tất yếu của toàn cầu hóa. Việt Nam và Mexico cũng như một số thành viên khác vẫn đang theo đuổi TPP, bất chấp việc rút lui của Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác trong tương lai.
Với TPP, quan hệ hợp tác giữa Mexico và Việt Nam sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Dựa trên những cam kết hay những điều khoản trong TPP, hai quốc gia có thể ký kết hiệp định song phương về kinh tế và thương mại. Mexico và Việt Nam là hai nền kinh tế mở có tính bổ sung lẫn nhau. Kim ngạch trao đổi thương mại song phương đã tăng trưởng vượt bậc trong những năm qua và đạt gần 5 tỷ USD trong năm 2016. Mexico sẵn sàng là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập Liên minh Thái Bình Dương (gồm Mexico, Chile, Peru và Colombia) cũng như khu vực Mỹ Latinh, ngược lại Việt Nam là cánh cửa để Mexico mở rộng thương mại ra các quốc gia ASEAN.
Chủ tịch López đánh giá cao những thành tựu kinh tế, xã hội và vai trò ngày một tăng của Việt Nam trên trường quốc tế trong những năm qua. Theo ông, Việt Nam hiện đóng một vai trò trụ cột trong khu vực ASEAN và là thành viên tích cực của cộng đồng thế giới./.
(TTXVN)