Diễn biến phức tạp của thị trường vàng đang gây tác động bất lợi đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững. GS. TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, trường Đại học Kinh tế quốc dân trao đổi về vấn đề này.
NGHỊ ĐỊNH 24 ĐÃ HOÀN THÀNH SỨ MỆNH
PV: Một trong những điểm nhấn quan trọng trong chính sách quản lý thị trường vàng thời gian tới là Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng. Theo ông, vì sao phải sửa đổi Nghị định này và việc sửa đổi có thể gặp khó khăn gì?
GS. TS. Trần Thọ Đạt: Về quan điểm, tôi cho rằng việc chọn con đường dễ trong quản lý thị trường vàng bằng công cụ hành chính, mệnh lệnh như Nghị định 24 hiện nay hay chọn
con đường để vận hành theo cơ chế thị trường để thị trường vàng phát
triển lành mạnh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm hài hòa lợi ích
của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân là một vấn đề không dễ đối với
cơ quan quản lý Nhà nước.
Sự e ngại của nhà quản lý là việc
thay đổi theo quy luật của cơ chế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc
tế nhưng nếu quản lý không tốt sẽ làm cho thị trường vàng bất ổn. Có thể
thấy Nghị định 24 đã đạt được kỳ vọng đề ra là giúp bình ổn thị trường
vàng trong nước ngay cả khi giá vàng thế giới biến động mạnh. Bên cạnh đó, tình trạng vàng hóa nền kinh tế đã được đẩy lùi.
Tuy
vậy, bối cảnh thị trường hiện nay cũng thể hiện rằng một số nội dung
của Nghị định 24 cần được xem xét lại và có những điều chỉnh cần thiết
sau hơn 10 năm áp dụng, đã đến lúc nên thay đổi tư duy quản lý thị
trường vàng.
Mục tiêu giữ ổn định thị trường vàng vẫn là hướng
đi đúng nhưng việc quản lý chặt không có nghĩa là hành chính, mà bằng
việc đưa ra các tiêu chuẩn minh bạch, cần và đủ để thực hiện cũng như
đạt được hiệu quả trong quá trình giám sát của các cơ quan nhà nước có
thẩm quyền.
PV: Quan điểm của ông thế nào trước đề xuất Nhà nước bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng?
GS. TS. Trần Thọ Đạt: Đây
là một trong những nội dung được quan tâm nhất khi sửa Nghị định 24.
Khi hiện tượng vàng hóa đã được giảm thiểu nhưng nhu cầu vàng miếng tại
Việt Nam vẫn cao (chiếm 70% tiêu dùng vàng), Nhà nước cần cân nhắc có
nên tiếp tục độc quyền sản xuất vàng miếng nữa hay không để bắt kịp với
xu hướng tự do hóa thị trường vàng đang khá phổ biến như các quốc gia
khác trong khu vực.
Ngày nay, vàng vẫn nắm giữ vị trí quan trọng
trong nền kinh tế quốc dân cũng như đời sống vật chất, tinh thần của
người dân, do đó, nguyện vọng sở hữu vàng với tư cách là một loại tài
sản ở mức giá phù hợp khi so với giá vàng thế giới là nguyện vọng chính
đáng của người dân, cần được bảo vệ.
Vì vậy, Nhà nước nên cân
nhắc nghiên cứu việc cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện thực
hiện sản xuất vàng miếng để cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu đầu tư,
tích trữ của người dân.
BƯỚC NGOẶT TRONG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG VÀNG
PV: Gần đây Chính phủ có nhiều chỉ đạo nóng về việc bình ổn thị trường vàng
nhưng giá vàng vẫn biến động rất mạnh cùng với diễn biến phức tạp của
thị trường. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
GS. TS. Trần Thọ Đạt: Như chúng ta thấy, mỗi khi có tín hiệu từ Chính phủ hoặc từ Ngân hàng nhà nước đưa ra thông điệp sẽ can thiệp vào thị trường vàng SJC thì giá vàng trong nước giảm nhanh. Điều này cho thấy thị trường rất
nhạy với những thông tin của cơ quan quản lý sẽ điều hành theo hướng thị
trường hơn thay vì quản lý theo hướng hành chính.
Nhưng
có một thực tế là nếu sau thông điệp, chúng ta chưa hành động mạnh mẽ
thì giá vàng SJC lại trở về một mức tăng cao hơn. Hiện tại, quyết tâm
biến thông điệp điều hành thành hành động của cơ quan điều hành đã ngày
càng rõ nét hơn, cụ thể hơn bằng cam kết của Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ
chức đấu thầu lại vàng miếng SJC để tăng cung, điều tiết cung cầu.
Chính
phủ đã có rất nhiều nỗ lực và sắp tới sẽ là một bước ngoặt trong việc
quản lý thị trường vàng, khi Nhà nước xóa bỏ độc quyền vàng miếng.
Hiện
giá vàng thế giới đã tăng khoảng gần 20% kể từ đầu năm, giá vàng trong
nước cũng biến động mạnh và chênh lệch lớn so với giá thế giới, đặc biệt
là vàng SJC, vậy thì đầu tư vàng tại thời điểm này còn mang lại lợi
suất cao nữa không. Chính phủ và người điều hành chính sách tiền tệ cần
cung cấp thông tin về những biến động của giá vàng trong thời gian qua
để người dân nắm bắt, cân nhắc trước khi quyết định khi đầu tư vào vàng.
Trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, vàng có thể là
kênh trú ẩn an toàn nhưng nếu chọn vàng là kênh đầu cơ thì có nhiều rủi
ro vì nhiều số liệu cho thấy vàng không phải là kênh đầu tư tốt, mang
lại lợi nhuận trong thời gian vừa qua. Nhà nước cũng không khuyến khích
người dân tích trữ vàng, đó không phải là kênh đầu tư trong một nền kinh
tế hiện đại.
Mặc dù giá vàng tăng rất mạnh gần đây nhưng số liệu thống kê của các tổ chức nghiên cứu cho thấy vàng vẫn không phải kênh đầu tư cho mức sinh lời tốt nhất trong nhiều năm qua.
Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 24, về cơ bản giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới, chỉ có từ tháng 6/2020 đến nay, giá vàng thế giới có xu hướng đi lên do bất ổn địa chính trị và có sự chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với giá thế giới nhưng cũng chỉ diễn ra đối với vàng SJC.
Đặc biệt, đà tăng dữ dội của giá vàng thế giới diễn ra từ khoảng 3 tháng gần đây, khi vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn và xu hướng tích trữ vàng tăng lên, đẩy giá vàng tăng lên rất cao.
Theo số liệu của hội đồng Vàng thế giới, tiêu dùng vàng bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2022 đã sụt giảm mạnh, chỉ bằng 1/2 so với đỉnh điểm vào năm 2011, khi nhu cầu tiêu thụ vàng bình quân đầu người vào khoảng 1,2 gram.
|
Tuy chưa có số liệu chính thức nhưng ước tính khối lượng vàng tích
trữ trong dân lên đến khoảng 400 tấn. Số liệu điều tra của Hội đồng Vàng
quốc tế trong thời gian gần đây cho thấy mức độ ưa thích vàng của người
dân Việt Nam thuộc diện cao trên thế giới, 72% người được hỏi trả lời
sẽ tiếp tục mua vàng trong khi con số điều tra ở các nước ưa thích vàng
khác như Trung Quốc, Ấn Độ là hơn 50%.
Nếu người dân không đầu
tư vào các kênh khác để sản xuất kinh doanh mà tiếp tục đẩy mạnh mua
vàng thì nguồn lực này sẽ nằm im trong dân, không có lợi cho nền kinh
tế. Về lâu dài, Chính phủ cũng cần có giải pháp làm cho các kênh đầu tư
tài sản, tài chính khác trở nên hấp dẫn hơn để người dân có các lựa chọn
thay thế, giảm tập trung vào vàng. Nhưng để thay đổi thói quen tích trữ
vàng, cần gia tăng niềm tin vào đồng nội tệ.
PV: Như ông nhận định, những thay đổi trong chính sách hiện nay sẽ là một
bước ngoặt trong việc quản lý thị trường vàng. Vậy ông đánh giá việc
quản lý thị trường vàng tại thời điểm hiện nay có nhiều thuận lợi hay
nhiều khó khăn hơn so với bối cảnh Chính phủ ban hành Nghị định
24/2012/NĐ-CP cách đây 12 năm?
GS. TS. Trần Thọ Đạt: Theo
tôi trong thời điểm hiện nay có nhiều thuận lợi hơn vì thời điểm năm
2012, mức độ vàng hóa trong nền kinh tế rất nặng, nếu chúng ta không có
các biện pháp hành chính như Nghị định 24 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến
hiệu lực của chính sách tiền tệ cũng như tác động của giá vàng, ảnh
hưởng đến những biến số kinh tế vĩ mô khác đặc biệt là tỷ giá, lạm phát.
Nhưng
tình hình hiện nay đã khác, nền kinh tế Việt Nam luôn duy trì được ổn
định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát dưới 4%, tỷ giá biến động trong
tầm kiểm soát. Cho nên chúng ta thấy giá vàng trong thời gian qua biến
động mạnh nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá, không gây bất ổn kinh
tế vĩ mô.
Hơn nữa, vàng không phải là phương tiện thanh toán, nhu cầu mua vàng của người dân cũng giảm đi đáng kể, dù vẫn ở mức cao.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
TÔ HÀ (nhandan.vn)