Đó là khẳng định của Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân trong phát biểu khai mạc Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia
năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm”, tổ chức sáng 11/4 tại Hà Nội. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Tháng hành động vì HTX năm 2024.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ để phát triển bền vững như: Hoạt động của các HTX trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn thụ động, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, chưa có chiến lược rõ ràng, định hướng cụ thể; tỷ lệ các hộ tham gia liên kết sản xuất thấp so với mặt bằng sản xuất chung; các chuỗi liên kết sản xuất mới bước đầu hình thành nên sự liên kết chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng; khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như chính sách hỗ trợ về liên kết chuỗi, chính sách tiếp cận vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng...
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nêu rõ, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XIII về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" nêu quan điểm chỉ đạo: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố, phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” và “có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Theo đó, phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức với mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, để thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW, Luật Hợp tác xã năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và từng bước tháo gỡ những khó khăn, tạo động lực cho các HTX tham gia phát triển bền vững chuỗi giá trị, Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 70/KH-BTVLMHTXVN ngày 7/2/2024 của Ban thường vụ Liên minh HTX Việt Nam về tổ chức Tháng hành động vì HTX năm 2024 trong đó giao Tạp chí Kinh Doanh - cơ quan ngôn luận của Liên minh HTX Việt Nam, tổ chức Diễn đàn HTX quốc gia lần thứ nhất năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm”.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, hiện nay, trong hơn 31.000 HTX, có hơn 20.000 HTX nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số HTX cả nước. Trong gần 6 triệu thành viên HTX có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63% tổng số thành viên. Nhiều loại hình HTX liên kết trong sản xuất kinh doanh tạo nên chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.
Không chỉ ở nông nghiệp, việc tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm có tính phát triển bền vững đã và đang trở thành xu thế tất yếu của kinh tế tập thể, HTX ở những lĩnh vực khác. Và những HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác tiên phong chuyển đổi và vận hành theo phương châm sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, môi trường, thính ứng cao và chống chịu cao, giúp chuỗi giá trị phát triển bền vững trước các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài.
Vì vậy, ở cấp độ quốc gia, địa phương phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, địa phương, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển chuỗi giá trị bền vững. Ở cấp độ HTX, liên hiệp HTX và tổ hợp tác, để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững đòi hỏi sự đổi mới tư duy, đảm bảo liêm chính trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng và bao trùm trong kinh doanh theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh, Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia
năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm” kỳ vọng là cơ hội để các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh
thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào phân tích thực trạng phát
triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX, mức độ HTX tham gia chuỗi giá
trị, trong đó phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; tồn tại,
hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích các cơ hội, thách
thức và nhu cầu hỗ trợ để các HTX tham gia phát triển bền vững chuỗi
giá trị thời gian tới. Đồng thời đề xuất được những giải pháp đột phá để
tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng
cường liên kết giữa các thành viên tham gia kinh tế tập thể, tham gia
phát triển bền vững chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các
bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư... để khu vực kinh tế tập thể,
HTX thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất kinh doanh, đáp ứng
đòi hỏi của tình hình phát triển mới; tạo động lực để khu vực kinh tế
tập thể bắt kịp, tiến cùng và vươn lên so với các thành phần kinh tế
khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là
về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi
số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri
thức.
Quang cảnh Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Đức Thịnh nhấn mạnh, trong liên kết chuỗi giá trị, HTX nông nghiệp vừa đóng vai trò thúc đẩy liên kết ngang giữa các hộ nông dân thông qua các hành động tập thể để tổ chức sản xuất, vừa thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong đó, HTX nông nghiệp tham gia tích cực vào tổ chức thực hiện "dồn điền, đổi thửa", quy hoạch vùng sản xuất. Hiện nay, ở nhiều địa phương, HTX nông nghiệp giúp chính quyền thực hiện “dồn điền đổi thửa” theo hướng “liền vùng, cùng trà, khác chủ”, thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Tổ chức các hành động tập thể để sản xuất ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều, chất lượng đảm bảo yêu cầu của doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất. doanh nghiệp nông nghiệp là tác nhân trung gian chủ đạo, đóng vai trò khâu nối và thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp.
Thông tin tại Diễn đàn cho biết, thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị. Như về ưu đãi tín dụng, HTX được vay tín dụng ưu đãi để sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết tối đa bằng 70% giá trị của dự án theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, HTX còn được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm khi tham gia mua bảo hiểm cho đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay theo Điều 16, Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Cùng với đó, Chính phủ có thêm các chính sách ưu đãi giao, cho thuê đất, ưu đãi thuế; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo; hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; đầu tư kết cấu hạ tầng./.
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có 31.764 HTX, trong đó 20.960 HTX nông nghiệp (tăng 250 HTX so với cuối năm 2023) và 10.804 HTX phi nông nghiệp (tăng 150 HTX so với cuối năm 2023); 133 LHHTX, trong đó có 100 liên hiệp HTX nông nghiệp (chiếm 75,2%) và 33 liên hiệp HTX phi nông nghiệp (chiếm 24,8%); 120.983 THT, trong đó 76.456 THT nông nghiệp, 44.497 THT phi nông nghiệp. Đã có hơn 4.000 HTX tham gia sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, chiếm gần 13% trong tổng số HTX cả nước và cũng có khoảng 30% trong tổng lượng sản phẩm OCOP trên cả nước là sản phẩm của HTX nông nghiệp. Khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm từ 5 - 10%, doanh thu tăng thêm 15 - 20%. Lợi nhuận cũng cao hơn từ 10 - 12%, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong HTX. |
Tin, ảnh: DUY PHONG