Thứ Sáu, 27/9/2024
Cuộc sống số
Chủ Nhật, 19/12/2010 17:39'(GMT+7)

"Mơ" chuyện ứng xử có văn hóa trên Internet

Chuyên gia nói gì?

ThS Phạm Liên Kết (Phó trưởng phòng Đào tạo - Viện Xã hội học Việt Nam): Cần có các chuẩn mực phù hợp pháp luật


Càng ngày tình trạng lợi dụng internet để lăng mạ, nói xấu nhau hay lợi dụng nhau càng nhiều. Đây là thời điểm cần phát ra tiếng chuông báo động để có sự chấn chỉnh phù hợp. Internet là công cụ có thể thoải mái sử dụng, đưa hình ảnh hay thông tin lên, tuy nhiên, nếu sử dụng thái quá cũng mang lại những điều không tốt cho chính người đưa thông tin, bị đưa thông tin và xã hội.

Vì thế, trước vấn đề này cần có sự hướng dẫn của các tổ chức, người lớn đối với trẻ nhỏ cũng như cơ quan pháp luật nhằm mục đích hướng người sử dụng đảm bảo các yếu tố như: tôn trọng quyền của người khác, đúng với tiêu chí đạo đức, nghề nghiệp và nghiệp vụ, ứng xử có văn hóa... Ngoài ra, cần đề ra các tiêu chuẩn phù hợp với pháp luật nhằm nghiêm trị các trường hợp lợi dụng internet vào việc phá hoại, lạm dụng hay ảnh hưởng đến cộng đồng hay cá nhân nào đó. 

Nhà văn Bắc Sơn (tác giả tiểu thuyết Cha con và Luật đời): Đừng nghĩ mở thì nói gì cũng được

Internet là một thế giới mở. Ở đấy, chúng ta, mà ở đây chủ  yếu là các bạn trẻ, thoải mái viết, bày tỏ  quan điểm cá nhân, chia sẻ tình cảm, giao lưu bạn bè. Hiện nay, có một bộ phận đã lấy internet để viết nói xấu, bài xích một cá nhân, thậm chí là một tập thể.

Đừng nghĩ rằng thế giới mở thì thích nói gì thì nói, thích làm gì thì làm. Cần nhớ rằng, những câu nói, những bài viết ấy cũng là một cách thể hiện nhân cách của chính người viết. Đừng để hình ảnh của mình xấu đi trong mắt mọi người. Cuộc sống luôn cần những ứng xử văn minh có văn hóa. Internet cũng vậy, đừng biến thế giới mạng thành thế giới "bẩn".

Dưới góc nhìn của luật sư

LS Giáp Văn Điệp (Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Fanci):Các hành vi bị cấm khi sử dụng internet

Điều 6, Nghị  định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet quy định rất rõ các hành vi bị nghiêm cấm.

Theo đó, việc  tổ chức, cá  nhân lợi dụng internet để chống lại Nhà nước; Gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; Phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; Tuyên truyền chiến tranh xâm lược; Gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; Phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác đã được pháp luật quy định; Đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; Danh dự, nhân phẩm của công dân; Hoặc lợi dụng internet để quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật đều không được phép.

Nếu những thông tin đó nêu đích danh một đối tượng cụ thể khiến họ cảm thấy uy tín, danh dự, nhân phẩm bị xâm hại thì họ có quyền đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ đối tượng đăng tải thông tin trên mạng internet, mục đích của việc đưa tin cũng như mức độ ảnh hưởng đối với cá nhân, tổ chức đó để có căn cứ xử lý trước pháp luật. 

LS Nguyễn Văn Tú (phó trưởng văn phòng Luật sư Khánh Hưng):Tội làm nhục người khác hoặc vu khống

Trên thực tế, đã có  trường hợp cả một tập thể trường bị  "bêu xấu" bằng một loạt những "bom thư" nặc danh, kẻ xấu đã làm nội bộ nhiều trường này bất ổn, nghi kỵ lẫn nhau và gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của trường học nhưng khi báo cáo cơ quan chức năng thì vẫn không điều tra, truy lùng được thủ phạm.

Theo tôi biết, việc truy lùng địa chỉ các email gửi từ máy nào không khó nhưng chỉ với các máy có thuê bao internet, còn đối với các máy dùng internet card (thẻ truy cập mạng) thì khó như "mò kim đáy bể".

Theo quy định của  Bộ luật Hình sự, những nội dung đăng tải trên internet nhằm kích động, bôi xấu, nhục mạ, xúc phạm danh dự, bới móc đời tư của người khác có thể bị xem xét ở các tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống. Điều 121 quy định, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 122 quy định, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 

(Theo Bee)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất