Tại Hội nghị thúc đẩy phát triển tiềm năng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2010 diễn ra trong hai ngày 14-15/12/2010 tại Singapore, trao đổi với phóng viên VnMedia, ông Orlando Ayala - Chủ tịch khối Thị trường mới nổi của Tập đoàn Microsoft đã khẳng định, Việt Nam là một quốc gia có thị trường CNTT rất tiềm năng. Cơ hội phát triển lại càng lớn hơn trong thời gian tới khi ngành CNTT đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ.
Theo ông Orlando Ayala, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống là mục tiêu cho tất cả các quốc gia đã và đang phát triển. Điều này đã được Chính phủ của nhiều quốc gia thừa nhận, công nghệ giúp các chính phủ phát triển nền kinh tế hiện đại, mang tính tri thức và mở rộng tiềm năng quốc gia…
Ông có thể đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của ngành CNTT Việt Nam là gì? Đâu là những thách thức lớn nhất của ngành CNTT Việt ở thời điểm này?
Việt Nam có tỷ lệ 90% dân số trẻ đang và sắp trong độ tuổi lao động, trong đó 65% dân số dưới 35 tuổi. Hơn thế Chính phủ Việt Nam có một tầm nhìn trước mắt và lâu dài rõ ràng cho ngành CNTT. Đồng thời, Chính Phủ cũng nhận ra được lỗ hổng giữa kỹ năng hiện có của nhân lực CNTT và yêu cầu của thị trường, đồng thờicũng chỉ ra rằng sự phát triển của nguồn nhân lực là ưu tiên hàng đầu để tiến tới mục tiêu cho ngành CNTT năm 2020. Theo tôi, đó là những điểm mạnh của ngành CNTT Việt Nam, và các bạn cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ này.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần phải có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa trong việc phát triển nhân lực CNTT. Microsoft nhận thấy rằng sự phát triển của nguồn nhân lực trong nước là cần thiết để đạt vươn tới tầm nhìn của Chính phủ trong ngành CNTT. Đã có nhiều hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực CNTT. Microsoft sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Chính phủ trong lĩnh vực quan trọng này.
Như ông đánh giá, nguồn nhân lực được coi là nhân tố chủ chốt đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về hiện trạng nguồn nhân lực tại Việt Nam hiện nay?
Điểm mạnh của nền kinh tế Việt Nam nằm trong 86 triệu dân, với nền dân số trẻ và cần cù, 90% dân số dưới hoặc đang trong độ tuổi lao động, và 65% dưới 35 tuổi. Với hệ thống nhân khẩu học như vậy, tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam cho ngành CNTT năm 2020 đã nhận ra tiềm năng phát triển nguồn nhân lực có kiến thức về công nghệ cho cả thị trường trong và ngoài nước.
Thêm vào đó, Bản báo cáo về năng lực cạnh tranh của Việt Nam phát hành ngày 30/11/2010 được viết bởi Chính phủ và Chuyên gia Micheal Porter của Trường Đại học Harvard, đã đưa ra những cách thức sử dụng công nghệ tốt hơn, như một cách để cải thiện những kỹ năng của nhân viên. Những kỹ năng này sẽ giúp quốc gia tăng năng suất lao động và tính cạnh tranh cao.
Microsoft nhận thấy rằng sự phát triển của nguồn nhân lực trong nước là cần thiết để đạt vươn tới tầm nhìn của Chính phủ trong ngành CNTT, và chúng tôi đã sẵn sang để tiếp tục hợp tác với Chính phủ trong lĩnh vực quan trọng này.
Microsoft đã là một đối tác lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo Vịêt Nam. Với việc triển khai thành công trên về đào tạo tại rất nhiều quốc gia trên thế giới và chương trình này đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ Bộ Giáo Dục và Đào Tạo và các Sở Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về sự hiệu quả của chương trình hợp tác này?
Với chương trình Hợp tác giáo dục, Microsoft làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương nhằm nâng cao sự tiếp cận với công nghệ và cải thiện ứng dụng công nghệ trong giáo dục.
Chương trình trong Giai đoạn 5 năm đầu đã triển khai và đem lại lợi ích cho 7 ngàn ban giám hiệu, 50 ngàn giáo viên và 2 triệu học sinh. Chương trình được công nhận bởi Hiệp hội Phần mềm Việt Nam VINASA và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao tặng Giải thưởng Sao Khuê năm 2008 cho những đóng góp của Microsoft trong việc phát triển ngành CNTT và công nghiệp phần mềm tại Việt Nam.
Giai đoạn tiếp theo của quan hệ hợp tác đang được các bên thảo luận. Giai đoạn này sẽ trọng tâm vào việc phát triển một hướng đi cho việc tích hợp CNTT-TT trong giáo dục, cụ thể là xây dựng các trường học cải tiến để đưa công nghệ và giải pháp của Microsoft vào trong trường học.
Microsoft sẽ tiếp tục tập trung vào nâng cao chất lượng dạy và học với các kỹ năng của thế kỷ 21, bao gồm mô hình huấn luyện chéo thông qua việc nâng cao và cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên như một mô hình mẫu. Quan trọng hơn, chương trình sẽ cố gắng để phù hợp với những ý tưởng của Bộ GD-ĐT trong việc “cải thiện thế hệ Việt trẻ”.
Việt Nam đang bắt đầu triển khai những bước đầu tiên để trở thành một nước mạnh về CNTT trong vòng 5-10 năm tới. Microsoft có định hướng gì hỗ trợ tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về CNTT?
Chính phủ Việt Nam đã đặt phát triển nguồn nhân lực làm ưu tiên số một để đạt được mục tiêu năm 2020. Là một công ty CNTT hàng đầu, chúng tôi có các thành tích và kinh nghiệm quốc tế trong việc hợp tác với các chính phủ để cung cấp các công nghệ cải tiến và xây dựng nguồn nhân lực để đạt được các ưu tiên quốc gia.
Tầm nhìn lâu dài của chúng tôi là giúp đỡ mọi người và doanh nghiệp trên toàn thế giới nhận ra được tiềm năng của họ, và chúng tôi sẵn sang hợp tác với Chính phủ để thúc đẩy nguồn lực lớn nhất của Việt Nam - đó là con người. Tính cạnh tranh và sự phát triển của ngành CNTT-TT tại Việt Nam sẽ được nâng cao nhờ có nguồn nhân lực.
Microsoft hiện đang đóng góp cho sự phát triển nguồn nhân lực thông qua việc xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên và học sinh, chương trình tiếp cận CNTT, chương trình mạng lưới hợp tác, chương trình khởi động phần mềm CNTT trong nước, một trung tâm cải tiến để đào tạo và cấp chứng chỉ cho các chuyên gia CNTT.
Xin cảm ơn ông!
Hiền Mai - VnMedia