Thứ Tư, 2/10/2024
Pháp luật
Thứ Sáu, 1/8/2008 20:40'(GMT+7)

Mở đầu một thời kỳ phát triển mới của Thủ đô Hà Nội

Thông qua Nghị quyết về danh sách đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội gồm 164 đại biểu với sự nhất trí cao

Thông qua Nghị quyết về danh sách đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội gồm 164 đại biểu với sự nhất trí cao

Hôm nay, Nghị quyết 15 ngày 29/5/2008 của Quốc hội "Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan" chính thức có hiệu lực.

Theo đó, Thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên hơn 3.344 km2, dân số hơn 6,2 triệu người, trên cơ sở hợp nhất thành phố Hà Nội với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) gồm 29 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thành phố trực thuộc và 577 đơn vị xã, phường, thị trấn.

Triển khai các công việc với quyết tâm cao nhất

Tại kỳ họp hợp nhất Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hà Nội và HĐND tỉnh Hà Tây sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu, trong lịch sử phát triển của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, đã có nhiều lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính nhưng đây là lần đầu tiên điều chỉnh mở rộng với quy mô lớn nhất từ trước tới nay do yêu cầu phát triển đi lên của đất nước. Việc điều chỉnh tạo điều kiện, cơ hội cho Hà Nội phát triển, đồng thời cho cả Hà Tây và một số địa phương liên quan cùng phát triển.

"Hà Nội (mở rộng) chẳng những vẫn giữ được cái thế "rồng cuộn hổ ngồi", "tiện hướng nhìn sông tựa núi" như cha ông xưa định hướng mà còn nâng thế ấy lên một tầm vóc mới, cao hơn, bề thế hơn, vững chãi hơn dưới ánh sáng của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ
tham dự kỳ họp hợp nhất đầu tiên của Hà Nội

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra rằng, việc triển khai tổ chức thực hiện chủ trương này không đơn giản, dễ dàng, đòi hỏi phải có quyết tâm cao và có cách làm thật khoa học, nghiêm túc và thận trọng.

"Trước mắt, chúng ta có rất nhiều công việc phải làm", Chủ tịch Quốc hội cho biết. Cùng một lúc Hà Nội vừa phải triển khai thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính, nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả, vừa phải thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững.

 

Chủ tịch Quốc hội gợi ý một số điều mà lãnh đạo Hà Nội (mới) cần quan tâm thực hiện. Trước hết, cùng với việc làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong nhân dân, trong cả hệ thống chính trị, phải làm tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo đoàn kết, đồng bộ, tạo được chất lượng mới, sức mạnh mới.

Đồng thời phải chỉ đạo quyết liệt để nhanh chóng ổn định tình hình, không gây xáo trộn, không để thất thoái tài sản, của cải của Nhà nước. Khẩn trương triển khai việc xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội...

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội sẽ vượt mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của mình, từng bước làm cho Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, văn minh thanh lịch hơn.

Phấn đấu đạt các mục tiêu kinh tế - xã hội ở mức cao nhất

Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ thực hiện nhiệm vụ quan trọng là bầu ra cơ quan lãnh đạo của chính quyền địa phương và Hội thẩm nhân dân thành phố; xem xét, quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và ngân sách nhà nước của thành phố Hà Nội trong 5 tháng cuối năm 2008.

Theo đó, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn tăng từ 11,5 - 12%, tốc độ đầu tư xã hội tăng 18 - 19%, kinh ngạch xuất khẩu tăng 22 - 23%, thu ngân sách vượt 5% dự toán, đạt hơn 62.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm mới cho 122.000 người, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%.

Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả quản lý kiểm soát giá cả thị trường; chủ động cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân nhất là những dịp cuối năm. Tiếp tục rà soát chi tiêu công, cắt giảm, hoãn, giãn tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản kém hiệu quả, chưa cần thiết.

Ông Phạm Quang Nghị hy vọng, TP Hà Nội sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, để Thủ đô xứng đáng là trái tim của cả nước trong thời kỳ mới.

Cùng ngày, các đại biểu HĐND có mặt đã bỏ phiếu bầu các chức danh Thường trực HĐND, UBND thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2004-2009)

Theo đó, ông Nguyễn Thế Thảo được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. 8 Phó Chủ tịch (xếp theo thứ tự) là các ông, bà Đào Văn Bình, Phí Thái Bình, Ngô Thị Thanh Hằng, Hoàng Mạnh Hiển, Trịnh Duy Hùng, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Văn Khôi, Nguyễn Huy Tưởng. Các uỷ viên UBND thành phố Hà Nội là bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh văn phòng UBND thành phố, ông Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội.

Trước đó, các đại biểu HĐND Hà Nội cũng đã bầu bà Ngô Thị Doãn Thanh làm Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội. 2 Phó chủ tịch HĐND là ông Lê Quang Nhuệ và Nguyễn Văn Phúc. Các uỷ viên thường trực Lê Văn Hoạt và bà Nguyễn Thị Thu./.

(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất