Thứ Tư, 2/10/2024
Pháp luật
Thứ Bảy, 2/8/2008 14:37'(GMT+7)

Quyết tâm xây dựng Thủ đô Hà Nội đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân cả nước

Nhằm chia sẻ sự quan tâm của người dân cả nước, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn.

PV: Thủ đô Hà Nội được mở rộng là một quyết định lịch sử, tạo ra những vận hội mới để phát triển Thủ đô. Xin ông cho biết cảm nhận của mình vào thời điểm này?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Là người có điều kiện để hiểu, để biết về chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội từ trước khi thảo luận cho đến lúc thông qua Nghị quyết bằng cuộc biểu quyết của gần 500 đại biểu Quốc hội khóa XII, tôi cảm nhận được tầm mức quan trọng và những khó khăn cũng như thuận lợi đã và đang đặt ra đối với chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Vừa qua, tôi đã đọc, đã nghe hầu như tất cả mọi ý kiến liên quan vấn đề này. Tựu chung, mối quan tâm của mọi người đều vì tương lai, triển vọng phát triển lâu dài và bền vững của Thủ đô; là những mong muốn, đòi hỏi đặt ra cho Thủ đô hiện nay và mai sau; là cảnh báo, chia sẻ với khối lượng công việc vô cùng to lớn và khó khăn đang đặt ra; là nghĩ về trách nhiệm ngày càng lớn của Thủ đô đối với cả nước... Ðó là những gì chung nhất, lớn nhất mà tôi đang cảm nhận thấy.

PV: Thưa ông, giữa thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thử thách thì điều nào lớn hơn?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Dù chúng ta phải chủ động đánh giá cho hết những khó khăn, nhưng thời cơ, thuận lợi vẫn là nhân tố lớn hơn, đồng thời cũng là đòi hỏi và là xu thế tất yếu của sự phát triển. Thế nhưng, như mọi người đều biết, không có thuận lợi, thời cơ nào mà không cần sự nỗ lực của con người. Cũng không có thuận lợi, thời cơ nào không kèm theo những điều kiện, khó khăn, thách thức. Cơ hội càng lớn càng đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm lớn. Tôi nghĩ rằng, một nghìn năm trước, khi quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long, ngoài sự sáng suốt và tầm nhìn xa trông rộng, thì ý chí và quyết tâm của Lý Thái Tổ cũng phải lớn đến mức nào mới có thể vượt qua được những khó khăn, thách thức trong thời đại ấy. Ðó cũng là bài học, là tấm gương để hôm nay chúng ta noi theo.


PV: Giữa lúc bộn bề công việc đặt ra cho thành phố, thưa ông, những vấn đề nào là quan trọng hơn cả trong lúc này?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Trước hết là phải khẩn trương sắp xếp, ổn định bộ máy và cán bộ. Công tác tư tưởng và công tác tổ chức phải phối kết hợp cho tốt. Làm tốt công tác tư tưởng để tạo thuận lợi cho công tác tổ chức; nhưng công tác tổ chức cũng phải làm tốt, làm đúng thì công tác tư tưởng mới có thể phát huy được.

Tiếp đến, phải nhanh chóng huy động toàn thể bộ máy và đội ngũ cán bộ vào cuộc. Biết bao công việc quan trọng, cần phải giải quyết đang chờ đợi chúng ta. Mọi người đều phải cố gắng không làm ảnh hưởng, gián đoạn công việc hằng ngày của nhân dân. Phải tích cực, khẩn trương bắt tay vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và các vấn đề dân sinh bức xúc.

Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân mong muốn có một Hà Nội mở rộng là để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại; là để phát huy tốt hơn các nguồn lực của Hà Nội và Hà Tây.

PV: Ðề nghị ông cho biết, đến nay công tác nhân sự của Hà Nội (mới) đã hoàn tất chưa? Liệu có còn vướng mắc về chuyện "ai trưởng, ai phó" trong phân công cán bộ?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Ðến thời điểm này, các công việc quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, trong đó có vấn đề sắp xếp bộ máy và nhân sự đã được thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tây, các địa phương, bộ, ngành có liên quan phối hợp triển khai một cách rất tích cực và nhìn chung là thuận lợi.

Ðiều quan trọng là sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo, với những chủ trương, biện pháp hết sức sát sao và linh hoạt, phù hợp với các quy định của pháp luật, của Ðiều lệ Ðảng và tình hình thực tiễn.

Bên cạnh đó, cũng cần ghi nhận ý thức trách nhiệm, sự sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng khắc phục khó khăn của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

PV: Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề đang được mọi người rất quan tâm, đó là việc thành lập các cơ quan lãnh đạo và các chức danh lãnh đạo của thành phố và vấn đề bố trí nơi làm việc của các sở ngành?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Trước hết, Bộ Chính trị đã có quyết định chỉ định thành lập Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố Hà Nội (mới); chỉ định Ban Thường vụ, Bí thư, các Phó Bí thư; chỉ định Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra. Sau khi Ban Chấp hành, Ban Thường vụ (mới) được thành lập, mọi công việc liên quan công tác tổ chức bộ máy và cán bộ đều được bàn bạc, giải quyết theo đúng quy định, đúng thẩm quyền. Có thể nói, đây là công việc hết sức quan trọng, vừa qua đã được thực hiện hết sức khẩn trương, với tinh thần nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm.

Hôm nay, ngày 1-8, HÐND thành phố Hà Nội họp để bầu ra các cơ quan và các chức danh lãnh đạo HÐND, UBND, Hội thẩm nhân dân của thành phố. Sau ngày 1-8, tất cả các cơ quan Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể... mới được bầu, mới được kiện toàn sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Việc phân công ai trưởng, ai phó, một vấn đề tưởng chừng rất khó trong bố trí, sắp xếp, nhưng một khi có chủ trương đúng đắn, với phương pháp làm việc thật sự dân chủ, thật sự vì công việc chung, tôi thấy mọi việc trong thời gian qua đều được giải quyết một cách thuận lợi, được đông đảo cán bộ, đảng viên đồng tình.

Việc sắp xếp, bố trí trụ sở làm việc đối với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cũng như vậy. Tất cả các cơ sở hiện có của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây đều được thống nhất quản lý và bố trí phù hợp tính chất và yêu cầu giải quyết công việc của các cơ quan. Bước đầu, mọi người đều thấy giải quyết như vậy là ổn, là hợp tình, hợp lý. Trong quá trình làm, nếu thấy cần thiết sẽ tiếp tục điều chỉnh.

PV: Thành phố Hà Nội đã xác định năm nhiệm vụ trọng tâm và hai khâu đột phá trong năm 2008. Sau khi hợp nhất, liệu có gì thay đổi đối với xác định các nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô Hà Nội?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Về những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội giai đoạn sắp tới, Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố sẽ họp bàn, quyết định. Có những nhiệm vụ, những chỉ tiêu cần phải điều chỉnh cho phù hợp tình hình mới. Tuy nhiên, chín chương trình công tác, năm nhiệm vụ trọng tâm và hai khâu đột phá mà thành phố đã xác định, theo tôi, vẫn rất cần được tiếp tục thực hiện. Vì đó cũng là những vấn đề lớn, quan trọng đối với Hà Nội sau khi mở rộng. Trong đó, có những vấn đề như cải cách hành chính, không những không thể dừng, mà càng phải làm mạnh hơn, đặc biệt là càng phải tăng cường phân cấp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu hơn nữa, để tránh sự bao biện, làm thay, sự quan liêu của cấp trên và sự ỷ lại, né tránh, thụ động của bên dưới, cấp dưới. Những công việc sắp tới cũng là môi trường rèn luyện, thử thách khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, từ thành phố đến cơ sở. Ðối với công tác cán bộ, đây cũng là dịp để chúng ta sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ sao cho hợp lý. Hoặc nhiệm vụ chấn chỉnh trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị, vấn đề giải quyết đơn thư của dân... càng cần phải làm thật tốt, thật khoa học và nghiêm túc hơn.

PV: Có ý kiến lo ngại tình hình mỗi khi có việc "nhập - tách", thường xảy ra tình trạng cục bộ địa phương; tình trạng sử dụng lãng phí hoặc làm thất thoát tài sản công. Xin ông cho biết những giải pháp khắc phục những vấn đề mà một số người lo lắng, băn khoăn?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Tình trạng cục bộ địa phương quả thật không phải là quá hiếm ở nơi này, nơi khác, nhất là mỗi khi diễn ra "nhập - tách". Tuy nhiên, nếu chúng ta quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, làm tốt công tác tổ chức và cán bộ; chủ động thực hiện cơ chế phòng ngừa thì hoàn toàn có thể tránh được. Cục bộ địa phương không phải là thứ bệnh truyền nhiễm mà là căn bệnh của những người không muốn rèn luyện, của người không vì lợi ích chung. Cục bộ hay không cục bộ thường phụ thuộc rất nhiều vào tư tưởng, tình cảm và lợi ích, nhất là của những người lãnh đạo chủ chốt. Nếu mọi người đừng toan tính lợi ích riêng, phân công, bố trí cán bộ là để cùng nhau đoàn kết, gánh vác việc chung thì không thể xảy ra cục bộ.

Ðảng bộ Thủ đô Hà Nội luôn có truyền thống đoàn kết, thống nhất vô cùng quý báu. Chúng ta đã và đang giữ gìn, phát huy rất tốt. Ðội ngũ cán bộ của Thủ đô từ nhiều nguồn, nhiều địa phương hợp lại, với tình cảm cả nước vì Hà Nội và Hà Nội vì cả nước. Do đó, chúng ta thật sự có nhiều thuận lợi để phòng ngừa, khắc phục tư tưởng cục bộ địa phương.

PV: Kết luận của Bộ Chính trị về kết quả thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh, phấn đấu đến năm 2015, Hà Nội về cơ bản hoàn thành sự nghiệp CNH, HÐH. Sau khi Thủ đô được mở rộng, chúng ta có phải điều chỉnh lại mục tiêu phát triển? Và xin ông cho biết, Hà Nội sẽ làm thế nào để đạt được mục tiêu đã đề ra?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Sau khi Hà Nội được mở rộng, một số chỉ tiêu phấn đấu, xét về chỉ số tuyệt đối có thể sẽ không đạt được như mức cũ đã đề ra. Nhưng khi hợp nhất lại, xét về tổng thể, Thủ đô Hà Nội (mới) được bổ sung các nguồn tiềm năng, tiềm lực của cả Hà Nội và Hà Tây. Ðây cũng là lý do vì sao Ðảng và Quốc hội quyết định mở rộng địa giới Hà Nội, để sau khi hợp nhất Hà Nội sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn.

Về khoảng cách giàu nghèo và một số chỉ tiêu về giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo... là những tiêu chí nhiều người lo ngại sẽ làm chậm sự phát triển của Hà Nội thì cũng cần phải thấy không phải ngày một, ngày hai chúng ta có thể xóa ngay được sự cách biệt đó, nhưng khả năng thu hẹp sẽ tốt hơn khi chưa sáp nhập bởi nguồn lực của Hà Nội (mới) chắc chắn sẽ lớn hơn.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, Hà Nội về cơ bản hoàn thành sự nghiệp CNH, HÐH là có tính khả thi. Tuy nhiên, chúng ta cần phải làm rõ các tiêu chí về CNH, HÐH đối với Thủ đô là như thế nào. Không lẽ đến 2015, trình độ CNH, HÐH của Thủ đô Hà Nội lại cũng chỉ ngang bằng Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nam bộ hay sao? Nhất định Hà Nội phải hơn, phải đi trước so cả nước.

PV: Như ông vừa cho biết, quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là quyết định vô cùng quan trọng nhưng cũng hết sức khó khăn. Bây giờ là lúc tổ chức thực hiện, với cương vị Bí thư Thành ủy, ông có lo lắng gì, và có điều gì muốn nói với Ðảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Những điều tôi lo lắng cũng là những điều vừa qua khi Quốc hội thảo luận, các đại biểu đã nêu lên một cách hết sức đầy đủ và sâu sắc. Trong số các ý kiến phản biện, nhiều người đã chỉ ra những khó khăn, thách thức và lo lắng về những yếu kém của bộ máy quản lý, điều hành của chúng ta. Ðặc biệt thể hiện trong các vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch; là giải bài toán giao thông đô thị đang đứng trước tình trạng quá tải rất nghiêm trọng; là đội ngũ cán bộ tuy đông, nhưng còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; là trách nhiệm và đòi hỏi ngày càng cao đối với việc quản lý một địa bàn vừa là đô thị lớn, vừa có nông thôn rộng lớn, đang trong quá trình phát triển hết sức nhanh, trong đó chứa đựng không biết bao nhiêu là vấn đề cần phải giải quyết hằng ngày...

Ðiều tôi muốn nhắn gửi tới cán bộ, đảng viên, công dân Thủ đô Hà Nội là, chúng ta có vinh dự và tự hào được trực tiếp đón nhận, trực tiếp thực hiện quyết định có ý nghĩa lịch sử của Quốc hội, của đất nước; mọi người hãy cùng nhau đoàn kết, hợp tác chặt chẽ; cùng nhau nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ðảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước đã tin giao cho Thủ đô, để Thủ đô Hà Nội ngày càng xứng đáng hơn nữa với truyền thống nghìn năm văn hiến, với những danh hiệu cao quý Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

(Nhân Dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất