Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 25/2/2009 21:29'(GMT+7)

Mở lối thực hiện "tam nông" ở Quảng Ngãi

Trồng rau an toàn trong nhà kính ở Dung Quất

Trồng rau an toàn trong nhà kính ở Dung Quất

Ứng dụng KHCN vào sản xuất

Thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) ở Quảng Ngãi đã có những chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Nhiều đề tài, dự án KHCN đã và đang được ứng dụng thiết thực, hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Ðiển hình là các mô hình thâm canh mía, xen canh cây họ đậu, kết hợp với chăn nuôi bò; cơ giới hóa, thâm canh cây mía trên vùng đất "dồn điền đổi thửa"; trồng thực nghiệm các giống ngô lai, nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, nuôi heo hướng nạc... cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Nếu trước đây năng suất lúa thấp, thì hiện nay, nhờ chuyển đổi mùa vụ, giống mới đã tăng năng suất gấp hai lần so năm 2007.

Từ năm 2003-2007, diện tích lúa đã giảm (khoảng 4.000 ha chuyển sang cây trồng khác) nhưng nhờ năng suất tăng liên tục sản lượng lúa đã tăng hơn 57 nghìn tấn. Nếu tính giá trị đất sản xuất nông nghiệp thì thu nhập một ha đến năm 2006 đạt 20 triệu đồng/ha, tăng hơn 6,8 triệu đồng/ha so với năm 2001. Hiện đã có những mô hình ứng dụng KHCN trên đất lúa đạt hơn 40 triệu đồng/ha, đất trồng cây ăn quả đạt gần 70 triệu đồng và đất nuôi tôm đạt trên 100 triệu đồng/ha...  

Ði trên các vùng sản xuất nông nghiệp hiện nay, chúng tôi bắt gặp mầu xanh của cây trái, rau, đậu đang vươn mình tươi tốt. Những cánh đồng lúa đông xuân đang thì con gái xanh rờn. Nhiều nông dân đã mạnh dạn tìm tòi, ứng dụng những tiến bộ KHCN vào sản xuất có hiệu quả.

Nông dân ở xã Nghĩa Hà, thị trấn La Hà (huyện Tư Nghĩa), Tịnh An, Tịnh Long (huyện Sơn Tịnh) bước đầu áp dụng công nghệ trồng hoa, sản xuất rau sạch đã cho năng suất cao gấp 1,5 lần so với năm ngoái. Nhiều hộ ở xã Ðức Phong, Ðức Minh, Ðức Chánh (huyện Mộ Ðức)  nuôi tôm trên cát bằng công nghệ mới và giống tôm chân thẻ trắng đạt năng suất gấp hai lần so với trước. Ðồng bào dân tộc xã Ba Dinh, Ba Vì, Ba Thành (huyện Ba Tơ) đã phát triển mạnh đàn bò lai sind, nuôi heo Móng Cái, nuôi dê bách thảo đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tại Khu kinh tế Dung Quất, Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật nông-lâm nghiệp Dung Quất đã triển khai Dự án "ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất". Nông dân chín xã khu đông của huyện Bình Sơn đang được Trung tâm hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật sản xuất rau sạch. Ðây là mô hình mới triển khai dài hạn trong nông thôn, từng bước tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

Chúng tôi đến Dung Quất thăm mô hình trồng hoa, và sản xuất rau sạch trong nhà kính, với diện tích sản xuất thực nghiệm khoảng hơn 3 ha. Nhiều loại cây trồng ở đây như khổ qua, đậu cô ve, rau các loại đều lên xanh tốt, đạt năng suất cao và chất lượng rau đạt tiêu chuẩn an toàn.

Giải quyết việc làm ở nông thôn

Thành tựu tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Quảng Ngãi trong những năm qua bắt nguồn từ sự đổi mới cơ chế, chính sách, đặc biệt là vai trò lực lượng lao động nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có gần 80% số dân sống ở nông thôn, chiếm khoảng 84% lực lượng lao động của tỉnh. Số lao động này chủ yếu tập trung sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, với năng suất lao động thấp, phương thức sản xuất còn lạc hậu dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.

Từ thực tế đó, gần đây việc giải quyết việc làm ở nông thôn theo hướng coi trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Lực lượng lao động qua đào tạo theo từng mô hình, dự án,  bảo đảm nâng cao tay nghề và tiếp cận được máy móc, phương tiện, công cụ, công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại.

Hiện nay số lao động ở nông thôn được đào tạo nghề rất hạn chế, chủ yếu lao động phổ thông nên cơ hội tìm việc làm là rất khó khăn. Trong giai đoạn này, tỉnh đã đầu tư mở rộng nhiều cơ sở đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, miền núi, bảo đảm hằng năm có thể giải quyết việc làm mới cho khoảng 33.000 lao động (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2010 từ 28 đến 30%).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Trương Quang Việt cho biết: Nhiều địa phương hiện nay đã ứng dụng KHCN phát triển sản xuất, từng bước triển khai đề án giải quyết việc làm ở nông thôn. Cách làm này có thể tăng nhanh số lượng lao động trong nông nghiệp, nông thôn và tạo được việc làm mới cho những người đang bước vào độ tuổi lao động. 

Ðặc biệt, ở những vùng nông thôn do quá trình đô thị hóa hoặc thu hồi đất làm dự án buộc phải chuyển số lao động nông nghiệp sang đào tạo các ngành nghề khác. Ở nhiều huyện các cụm công nghiệp, dịch vụ và du lịch sinh thái phát triển khá nhanh đã giải quyết tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn theo hướng "ly nông bất ly hương" Các mô hình sản xuất trong quá trình ứng dụng KHCN theo hướng đa canh, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đã  tạo được việc làm thường xuyên và có thu nhập cao đối với người lao động.

Ðến thăm cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây - Sơn Tịnh vào một ngày giữa tháng 2 này, chúng tôi thấy sự phát triển làng nghề ở đây rất tốt. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mua thiết bị, máy móc, thực hiện ứng dụng những tiến bộ công nghệ vào sản xuất, góp phần đào tạo, nâng cao tay nghề và giải quyết hàng trăm lao động có việc làm thường xuyên.

Mô hình chế biến hải sản công nghệ cao ở Phổ Thạnh (Ðức Phổ) đã thu hút được nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn có việc làm và ổn định cuộc sống. Dự án nuôi tôm trên cát hiện nay ở các huyện Mộ Ðức, Ðức Phổ cũng đã có nhiều gia đình đầu tư vốn hàng trăm triệu đồng để làm hồ nuôi tôm, giải quyết được nhiều lao động tại địa phương...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Quảng Ngãi vẫn còn nhiều vướng mắc.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi thì hiện nay Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có chương trình hành động Nghị quyết thực hiện 26. UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ, nhưng công tác triển khai thực hiện vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Ðó là cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch chậm, lúa vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cây trồng trên địa bàn và giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích còn thấp. Việc chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực còn chậm, chưa có bước đột phá thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Cơ sở hạ tầng hiện nay ở nông thôn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp ở nông thôn sản xuất nhỏ, lẻ chưa tạo được sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh yếu. Chương trình kiên cố hóa kênh, mương, giao thông nông thôn, miền núi, hệ thống chợ, cung cấp nước sạch không đạt yêu cầu và tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng nông thôn khắc phục chậm.

Ruộng đất manh mún, vốn đầu tư thấp và sản xuất theo khép kín kinh tế hộ gia đình nên khả năng cạnh tranh thị trường thấp. Ở đồng bằng nhiều hộ sản xuất mang tính thuần nông, độc canh, còn ở miền núi sản xuất có tính tự cấp, tự túc nên mức thu nhập không cao. Kinh tế trang trại ít về số lượng, nhỏ về quy mô, hiệu quả kinh doanh kém. Nhiều HTX nông nghiệp hoạt động cầm chừng vẫn còn quản lý, điều hành theo mô hình cũ. Hoạt động kinh doanh của các nông - lâm trường chưa phát huy được vai trò chủ đạo, là hạt nhân phát triển kinh tế ở nông thôn.

ướng mắc nhất hiện nay trong quá trình thực hiện "tam nông" chủ yếu là, khả năng cung ứng vốn chậm và kém, không bảo đảm để triển khai thực hiện các dự án, chương trình lớn ở nông thôn (hằng năm tỉnh mới đáp ứng khoảng 35-40% vốn). Năng lực, trình độ cán bộ cũng là điều đáng quan tâm. Nhiều cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ miền núi vừa thiếu, lại yếu chuyên môn. Trình độ quản lý, điều hành của một số cán bộ đầu ngành ở khu vực nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu để đẩy nhanh CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn. Tâm lý sản xuất nhỏ, tiểu nông trong nông dân còn phổ biến, sự trông chờ ỷ lại của người dân vào sự giúp đỡ của Nhà nước còn nặng nề. Một bộ phận nông dân chưa thấy hết trách nhiệm của mình đối với công cuộc đổi mới ở nông thôn hiện nay...

Giải pháp thực hiện

Phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, giải quyết việc làm cho nông dân và xây dựng nông thôn mới hiện nay là một quá trình đầy khó khăn. Vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi đang chỉ đạo quyết liệt và  triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tổ chức rà soát lại các quy hoạch ngành, các đề án, dự án đã phê duyệt, đồng thời điều chỉnh chính sách, có cơ chế đầu tư hợp lý, hiệu quả từng chương trình, dự án. Thực hiện tốt việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, coi đây  là một trong những biện pháp then chốt để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả trong lĩnh vực thị trường hàng hóa và thị trường lao động ở khu vực nông thôn. Ðẩy mạnh việc liên doanh, liên kết, huy động nguồn vốn trong nước, nước ngoài để đầu tư các công trình an sinh xã hội.

Trước mắt, tỉnh Quảng Ngãi tập trung chỉ đạo thực hiện bốn nhiệm vụ trọng tâm là: tổ chức sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp theo hướng chất lượng cao, sản lượng nhiều và tìm thị trường để đẩy mạnh thương mại xuất khẩu. Ðầu tư mới và nâng cấp các công trình thiết yếu (như giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, trường học, y tế, nhà văn hóa) đúng tiêu chuẩn, bảo đảm phục vụ đời sống xã hội ở nông thôn. Thực hiện "dồn điền, đổi thửa" phát triển mạnh vùng nguyên liệu bảo đảm phục vụ công nghiệp chế biến. Tạo việc làm mới cho nông dân, từng bước chuyển đổi ngành nghề nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu lao động. Hoàn thành sớm chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo.

Tiếp tục nhân rộng những mô hình xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả, phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 19,44% vào năm 2010. Triển khai các đề án chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với người nghèo. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở ở nông thôn.

Ðẩy mạnh phong trào xây dựng làng, xã văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở, khôi phục và phát triển văn hóa truyền thống. Rà soát đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn hiện nay để khắc phục kịp thời trong thời gian gần nhất...

Theo Minh Trí (Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất