(TG) - Hiện nay, rất nhiều người khuyết tật (NKT), dù chưa qua đào tạo, đều mong muốn có cơ hội học nghề, có việc làm và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, họ bị hạn chế về thông tin và cơ hội trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp. Bởi vậy, những sàn giao dịch việc làm lồng ghép cho NKT đã mở ra cho họ nhiều cơ hội việc làm hơn.
Hàng trăm cơ hội việc làm
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong năm 2018, Trung tâm đã tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm lồng ghép cho NKT và 7 phiên giao dịch lưu động tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Kết quả là có trên 60 doanh nghiệp và hơn 800 lượt lao động là NKT tham gia.
Qua các phiên giao dịch, đã có hơn 179 người lao động là khuyết tật tìm được việc làm, 118 NKT được đào tạo nghề phù hợp.
Hiện nay có rất nhiều các doanh nghiệp mong muốn tạo việc làm cho NKT. Trong phiên giao dịch việc làm lồng ghép được tổ chức vào hồi đầu tháng 4/2019, đã có 10 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng người lao động là NKT, với nhiều công việc liên quan đến may mặc, bất động sản, dịch vụ, thương mại…
Ông Nguyễn Kim Khôi, Chủ cơ sở may cờ 3/12 (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một trong số những doanh nghiệp luôn trăn trở tạo việc làm cho NKT. Bản thân ông là NKT, suốt mười năm nay, cơ sở của ông đã tạo việc việc làm cho nhiều người có cùng hoàn cảnh. Hiện cơ sở của ông có 50 lao động, với 100% là NKT. Trong đợt này, ông sẽ tuyển thêm 3 lao động để làm nghề may công nghiệp.
Ông Khôi chia sẻ: “Đối với NKT, nghề may là một trong những nghề được nhiều người lựa chọn. Hiện nay, cơ sở của tôi cũng đã có nhiều cải tiến về thiết bị cho phù hợp với thể trạng của người lao động. Vào những đợt cao điểm, mọi người có thể mang việc về nhà làm để thêm thu nhập”.
Còn công ty TNHH TM&ĐT Hoàng Tiến thì tham gia tuyển dụng ở các vị trí công nghệ thông tin, đặc biệt công ty đang phối hợp cùng Hội NKT Hà Nội triển khai dự án thành lập một kênh thông tin riêng cho NKT.
Ông Đinh Nam Định - Giám đốc Công ty chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên công ty tôi tham gia sàn giao dịch việc làm lồng ghép cho NKT. Tôi đến đây với hi vọng có thể tìm được những lao động là NKT thực sự có đam mê, có quyết tâm. Tôi muốn những lao động là NKT phải luôn tự tin để hòa nhập cùng cộng đồng”.
Bớt nỗi lo chưa qua đào tạo
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tại hầu hết các phiên giao dịch việc làm có tuyển dụng với nhóm đối tượng đặc thù là NKT, doanh nghiệp cũng tuyển những công việc đơn giản, phù hợp với khả năng. Hơn 80% vị trí tuyển dụng chấp nhận lao động chưa có kỹ năng và có thể đào tạo miễn phí. Hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết đào tạo, hỗ trợ hướng dẫn làm việc với người chưa có kinh nghiệm.
Trong đợt này, Trung tâm REACH tuyển 100 học viên, trong đó có 20 học viên là NKT để tham gia các lớp học chế biến món ăn, bán hàng và marketing, lớp làm tóc và vẽ móng, nghiệp vụ bàn – bar pha chế, lớp thiết kế đồ họa...
Chị Phùng Thị Thanh Thủy, đại diện tuyển dụng của Trung tâm này cho biết, học viên là NKT, thuộc diện khó khăn sẽ được tài trợ 70 đến 100% học phí và trang thiết bị thực hành đồng phục lớp, trang bị thêm các khóa ngắn hạn miến phí về tiếng Anh, tin học văn phòng, kỹ năng sống. Quan trọng hơn, hầu hết học viên tham gia khóa học sẽ được giới thiệu việc làm sau khi hoàn thành chương trình.
Ông Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội cho rằng phiên giao dịch lồng ghép việc làm cho NKT hiện nay là mô hình rất hữu ích. Đây là cơ hội cho lao động là NKT được cọ sát, giao lưu trao đổi cơ hội, mong muốn với nhà tuyển dụng.
Trong vô số những khó khăn mà NKT đang phải đối mặt tự tạo việc làm, mưu sinh thì điều quan trọng nhất theo ông Hà chính là việc: "Các doanh nghiệp cần thay đổi quan niệm trong tuyển dụng với NKT. Họ không chỉ là đối tượng cần ưu tiên, mà còn là những lao động đầy tiềm năng. Tuyển dụng NKT không phải là làm từ thiện, mà vì năng lực của họ đáp ứng được yêu cầu công việc, đồng thời cũng là tạo điều kiện cho họ hòa nhập tốt hơn"./.
K. Tiến - laodongthudo.vn