Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 3/11/2022 8:33'(GMT+7)

Mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền trong hoạt động của Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 2/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Bày tỏ nhất trí với mục tiêu, quan điểm sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội, các đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo là bảo đảm tính đầy đủ của các quy trình, thủ tục để tiến hành kỳ họp Quốc hội, mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học, hợp lý, hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đánh giá việc thiết kế nội dung các điều, khoản trong dự thảo Nghị quyết bảo đảm bám sát định hướng đổi mới phương thức tổ chức, hoạt động của Quốc hội, nhất là mở rộng quyền, nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, cải tiến cách thức điều hành, tiếp tục chuyển hoạt động của Quốc hội từ tham luận sang thảo luận và tranh luận.

Về phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Tạo chỉ rõ dự thảo Nghị quyết chỉnh sửa quy định linh hoạt hơn theo hướng việc tranh luận không giới hạn, chỉ đại biểu đặt câu hỏi mới có quyền tranh luận. Tuy nhiên, cần quy định thêm các đại biểu không được phép lạm dụng quyền tranh luận của mình để hỏi hay phát biểu các vấn đề khác.

Dự thảo Nghị quyết cần làm rõ sự khác nhau trong hoạt động tranh luận khi quy định thời gian tranh luận khác nhau. Điều 18 dự thảo Nghị quyết quy định, thảo luận tại phiên họp toàn thể thời gian tranh luận là 3 phút/lần. Tuy nhiên, tại Điều 19 về chất vấn tại phiên họp toàn thể, quy định thời gian tranh luận chỉ có 2 phút/lần. Theo đại biểu nếu không có sự khác biệt, cần sửa lại Điều 18 về thời gian tranh luận không quá 2 phút.

Liên quan đến tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội, dự thảo Nghị quyết quy định, những tài liệu thuộc về bí mật Nhà nước sẽ lưu hành văn bản giấy. Tán thành phương thức lưu hành này, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng thực tế có những tài liệu gửi cho Quốc hội có nhiều thông tin phong phú.

Ở trong đó chỉ có vài con số, thông tin thuộc bí mật Nhà nước, nhưng lại đóng dấu mật toàn bộ tài liệu. Điều này sẽ gây khó khăn nhất định cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình nghiên cứu, khai thác, sử dụng. Do đó, đại biểu kiến nghị bổ sung nội dung: giao Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì phối hợp các cơ quan rà soát, trong trường hợp tài liệu chỉ có một vài thông tin mật, đề nghị tách riêng các thông tin này để lưu hành theo chế độ tài liệu mật, không đóng dấu toàn bộ văn bản.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) kiến nghị đối với tài liệu mật, cần tách nội dung mật để thuận lợi cho việc phát biểu của đại biểu được công khai.Về tài liệu phục vụ kỳ họp, đại biểu cho biết tại dự thảo quy định, các dự án luật, nghị quyết phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày và các tài liệu khác phải gửi chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề này còn chưa được thực hiện nghiêm túc, nhiều nội dung sát ngày họp mới được gửi đến đại biểu Quốc hội. Vì vậy, đại biểu không có thời gian nghiên cứu.

Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị cần có quy định cụ thể về thời gian, chế tài mạnh mẽ hơn để tài liệu phải được gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn, có như vậy mới giúp các đại biểu đóng góp hiệu quả hơn vào các quyết định của Quốc hội. Trừ trường hợp đặc biệt, cấp bách, kiên quyết không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn; không bố trí vào chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội với những dự án, dự thảo được đề nghị bổ sung sát phiên họp, kỳ họp.

Bên cạnh đó, qua đối chiếu với các văn bản có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước..., đại biểu nhận thấy có nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết quy định lại những nội dung đã có trong văn bản luật trên. Vì vậy, đại biểu kiến nghị rà soát, loại bỏ những nội dung này trong dự thảo Nghị quyết, nếu có chỉ quy định cụ thể, chi tiết hơn những nội dung chưa rõ để triển khai thực hiện.

Mo rong dan chu, tang tinh phap quyen trong hoat dong cua Quoc hoi hinh anh 2
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đối với quy định về người được mời tham dự kỳ họp Quốc hội, dự thính tại phiên họp Quốc hội (Điều 5 dự thảo Nghị quyết), đại biểu đề nghị quy định rõ về những phiên họp mà công dân được dự thính, số lượng và thành phần được mời. Đây cũng là dịp để nhân dân giám sát trực tiếp hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; đồng thời đề nghị giao Tổng Thư ký Quốc hội quy định về việc khách đến tham quan Nhà Quốc hội trong thời gian Quốc hội họp để đảm bảo an ninh, trật tự.

Nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp vào thời điểm này là kịp thời, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng hoạt động thảo luận của Quốc hội hiện nay phần nhiều là tham luận, do đó, đổi mới căn bản nhất là đổi mới phương thức thảo luận của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu đề nghị làm rõ hai hình thức thảo luận, là thảo luận ở tổ, ở đoàn và ở hội trường. Việc thảo luận ở tổ, đoàn là bước để sàng lọc vấn đề, để khi thảo luận tại Hội trường, Quốc hội chỉ tập trung vào các vấn đề quan trọng, có ý kiến khác nhau. Làm được điều này sẽ giúp tăng tính minh bạch, rạch ròi cho những vấn đề đã thống nhất khi thảo luận ở đoàn, ở tổ, khi thảo luận tại hội trường sẽ hướng đến phân tích những vấn đề lớn hơn, phức tạp hơn.

Theo đại biểu, việc đổi mới phương thức thảo luận sẽ nâng cao năng lực tranh luận, tranh biện của đại biểu Quốc hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đại biểu đề nghị thay đổi phương thức thảo luận tại tổ, chuyển đổi mạnh mẽ từ tham luận sang tương tác, biện luận trực tiếp, cụ thể, cần có thay đổi trong thủ tục tiến hành thảo luận tại tổ, thủ tục thảo luận tại các phiên họp toàn thể, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tọa phiên họp, đảm bảo phiên họp diễn ra với hiệu quả cao, đạt được kết quả thực chất.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị với những phiên họp có quá nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, cần rút ngắn thời lượng phát biểu của các đại biểu ngay từ đầu phiên họp, tránh tình huống rút ngắn thời gian của các đại biểu phát biểu sau, không đảm bảo tính bình đẳng trong tổ chức phiên họp./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất