Để
hoàn thành dự án vào cuối năm 2016, Thủ tướng đã đồng ý cho Bộ trưởng
GTVT áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư, nhà thầu theo đơn giá quy định
của Nhà nước. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung thực hiện tốt
công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bảo đảm tiến độ thi công.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho
rằng: Sự phối hợp giữa chủ đầu tư và địa phương trong quá trình thực
hiện công tác GPMB chưa chặt chẽ làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai
dự án. Ở nhiều địa phương, giá đất bồi thường do tỉnh ban hành chậm và
chưa sát giá thị trường, nhiều thửa đất có nguồn gốc không rõ ràng và
diện tích đất không đúng thực tế, giá đất bồi thường các vị trí giáp
ranh chênh lệch nên người dân thắc mắc và khiếu kiện, công tác tái định
cư thường chậm trễ so với tiến độ GPMB…
Bên cạnh đó, trên các dự án đầu tư mở rộng còn tình
trạng ùn tắc giao thông kéo dài và ô nhiễm môi trường, việc bảo đảm an
toàn giao thông còn nhiều bất cập. Đồng thời nguồn cung cấp vật liệu xây
dựng phục vụ thi công như: mỏ đất, mỏ sắt, mỏ đá bị bán cao hơn đơn giá
quy định, cao hơn đơn giá vật liệu theo dự toán đã được phê duyệt. Quá
trình vận chuyển vật liệu gặp trở ngại do phải sử dụng hệ thống đường
của địa phương…
Nhất quyết thay thế nhà thầu chậm tiến độ
Để khắc phục những khó khăn trên Bộ GTVT cho rằng,
phải tăng cường phối hợp giữa Bộ GTVT và các địa phương như: thành lập
Ban chỉ đạo, cử cán bộ có năng lực và phẩm chất tham gia dự án, nhà thầu
phải thi công ngay sau khi được bàn giao mặt bằng, bảo đảm vốn cho dự
án, minh bạch thông tin dự án, báo cáo kịp thời các vướng mắc phát sinh,
thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại tố cáo…
Bộ GTVT yêu cầu tất cả các nhà thầu, chủ đầu tư tuân
thủ các quy định về bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Các địa phương phải chỉ đạo Công an tỉnh, Sở GTVT xây dựng phương án bảo
đảm trật tự, an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa
bàn, tuyên truyền và vận động nhân dân sống trong khu vực có dự án đi
qua thực hiện chức năng giám sát cộng đồng.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề xuất từ 1/8/2013, nhà
thầu nào đã được bàn giao mặt bằng mà thi công chậm trễ, ì ạch thì nhất
quyết phải thay thế. Không để làm ảnh hưởng đến toàn bộ dự án được,
trong khi yêu cầu là đến hết 2016 phải hoàn thành toàn bộ quốc lộ này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho rằng, các
địa phương phải lập quy mô phương án tái định cư chính xác trên cơ sở
thực tế. Đã có thực tế là địa phương lập quy mô lớn hơn thực tế tái định
cư để cho một số đối tượng khác chứ không chỉ người dân được tái định
cư như mục tiêu ban đầu. Có địa phương nâng khu tái định cư thành khu đô
thị, như vậy thì không có nguồn lực để đầu tư.
Đại diện tỉnh Hà Tĩnh – địa phương có nhiều kinh
nghiệm trong GPMB cho rằng phải làm tốt công tác tuyên truyền về những
lợi ích của dự án, nhất là lộ trình thực hiện, chính sách bồi thường và
hỗ trợ mà người dân được hưởng là gì khi di dời và chính sách tái định
cư là những gì. Có như vậy, việc GPMB mới bảo đảm tiến độ đặt ra.
Đại diện một số chủ đầu tư và nhà thầu cũng quyết tâm
thực hiện dự án đúng tiến độ nếu được bàn giao mặt bằng kịp thời. Các
nhà thầu cũng mong muốn chia sẻ trách nhiệm với địa phương mà dự án đi
qua trong việc: tuyên truyền, hỗ trợ dự án,… Tuy nhiên, điều đáng nói
là đến thời điểm này khi dự án đang vào giai đoạn quyết liệt để đẩy
nhanh tiến độ nhưng các dự án đầu tư Quốc lộ 1 vẫn chưa được Bộ Kế
hoạch và Đầu tư cấp phép.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nguyễn Văn Trung cho biết, Bộ đang rà soát 9 dự án đã nhận được hồ sơ và
khẩn trương rút ngắn thời gian thẩm định đầu tư dự án chứ không rút bớt
thủ tục đầu tư. Bộ KHĐT phải thẩm định chặt chẽ về lợi nhuận của dự án
mà chủ đầu tư đưa ra, mức thu phí đường bộ, lãi suất vay ngân hàng để
đầu tư dự án…
Làm chậm, làm ẩu là có tội với dân
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu
cầu trong năm 2013 phải GPMB xong để thúc đẩy việc hoàn thành cả tuyến
Quốc lộ 1 vào cuối năm 2016. Đây là việc cấp bách, nhạy cảm và “nóng”
đối với các Bộ, ngành, địa phương. Nhà nước sẽ tập trung nguồn lực để
cho việc hoàn thành dự án cấp bách, quan trọng hàng đầu này để phát
triển KT-XH của đất nước, giảm hàng vạn người chết mỗi năm. Do vậy, ai
đó hay đơn vị nào làm chậm, làm ẩu, làm hỏng là có tội với nhân dân.
Các cơ quan có liên quan tích cực tuyên truyền vận
động nhân dân tạo sự đồng thuận cao nhưng cũng kiểm tra chặt chẽ không
để kê khống diện tích, làm giả hồ sơ nhằm trục lợi. Chống gian lận, tham
nhũng trong đầu tư và thi công dự án để không gây bức xúc trong nhân
dân.
Về các kiến nghị của các Bộ, ngành và địa phương cần
thẩm định, hướng dẫn các đơn vị, nhà thầu thực hiện nhanh chóng các thủ
tục đầu tư, thu hồi đất để dự án thực hiện đúng tiến độ trên cơ sở có lý
có tình, hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người dân.
Đối với các chủ đầu tư, nhà thầu, Phó Thủ tướng yêu
cầu Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngay trong tháng 8/2013, nếu chủ đầu tư và
nhà thầu nào không thực hiện phải thay thế, không để tình trạng dây dưa,
chậm trễ đối với dự án này. Việc thi công phải khẩn trương, khoa học,
tái định cư cho người dân phải đi trước một bước.
Phải quy trách nhiệm cụ thể đối với địa phương nào để
chậm tiến độ GPMB với việc thành lập Ban chỉ đạo công tác này một cách
rõ ràng. Đối với người dân bị thu hồi đất phải chu đáo, nghiêm túc, đúng
chính sách.
Dự án mở rộng quốc lộ 1A,
đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1887 km, đến hết 2013 sẽ hoàn thành mở
rộng và xây dựng tuyến tránh được 627 km. Từ nay đến hết 2016 sẽ mở rộng
1038 km và tăng cường mặt đường 222 km. Toàn tuyến được chia thành 37
dự án, gồm 17 dự án BOT với tổng chiều dài 562 km/ tổng mức đầu tư
42.502 tỷ đồng.
Đối với đoạn từ Thanh
Hoá – Cần Thơ, tổng kinh phí GPMB khoảng 8.600 tỷ đồng, tổng diện tích
thu hồi đất khoảng 1.500 ha/ 25.000 hộ gia đình bị thu hồi đất. Tổng số
hộ phải tái định cư khoảng 7.500 hộ.
Dự án đường Hồ Chí Minh
qua Tây Nguyên dài 663 km, kinh phí GPMB là 533 tỷ đồng, diện tích đất
thu hồi 220 ha, số hộ phải tái định cư là 620 hộ.
|
Lê Sơn- Chinhphu.vn