Sáng 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp bế mạc phiên họp thứ 19,
sau 2,5 ngày làm việc. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã phát biểu
bế mạc phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương,
trách nhiệm, phiên họp thứ 19 đã hoàn thành các nội dung đề ra.
Phó Chủ
tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên họp này, các đơn vị hữu quan khẩn trương hoàn
thiện các tài liệu phục vụ cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Riêng
công tác giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngoài nội dung chương trình
giám sát đã được quyết định, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội căn cứ
lĩnh vực phụ trách tăng cường túc đẩy giám sát việc thực hiện các nghị quyết của
Quốc hội.
Trước khi bế mạc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo
luận, cho ý kiến hai dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung hai nghị quyết: Nghị
quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10 và Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12 về hoạt động
tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của Quốc hội và các cơ quan thuộc
Quốc hội.
Nghị quyết số 228/1999/NQ-UBTVQH10 quy định về việc đại biểu
Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân và Nghị quyết số
694/2008/NQ-UBTVQH12 quy định về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu
nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội
cũng đã thảo luận và biểu quyết thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều
của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Nâng cao chất lượng tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư
khiếu nại, tố cáo
Nội dung làm việc đầu tiên của sáng 12/7, các
đại biểu cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết số
228/1999/NQ-UBTVQH10 về việc đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển
đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công
dân và Nghị quyết số 694/2008/NQ-UBTVQH12 về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý
đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân gửi Quốc hội, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Qua thảo luận
nhiều ý kiến nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết này để thay thế Nghị
quyết số 228/NQ-UBTVQH10 ngày 27/10/1999 và Nghị quyết số 694/NQ-UBTVQH12 ngày
15/10/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khắc phục những tồn tại, hạn chế,
nâng cao chất lượng tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo,
kiến nghị và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần bảo vệ lợi ích
của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Yêu cầu sửa đổi, bổ
sung phải tập trung khắc phục những bất cập; tạo thuận lợi cho người dân, nâng
cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu
Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong mọi hoạt
động tiếp công dân, tiếp nhận, nghiên cứu, chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc giải
quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và giám sát việc giải quyết của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền; nâng cao hơn nữa trách nhiệm, vai trò của các cơ quan, tổ
chức, đơn vị hữu quan trong giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Bàn về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị
Phóng nhất trí với quy định như dự thảo. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc bổ
sung quy định trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong việc tổ chức tiếp
công dân, tăng cường công tác tiếp công dân của đại biểu Quốc hội phù hợp với
yêu cầu hiện nay, gắn hoạt động của Quốc hội với việc thu thập, phản ánh nguyện
vọng chính đáng của nhân dân.
Một số ý kiến đề nghị cần nêu ra trong
Nghị quyết các biện pháp mang tính khả thi cao nhằm xử lý tình trạng đơn, thư
khiếu nại, tố cáo chồng chéo, trùng lắp, vượt cấp; xác định rõ cơ chế phối hợp
trong nội bộ cơ quan của Quốc hội để xử lý việc chuyển đơn, thư khiếu nại, tố
cáo. Nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo rà soát không quy định lại các nội dung
đã có trong các văn bản pháp luật khác (Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động
giám sát của Quốc hội, Luật khiếu nại, Luật tố cáo…) về tiếp công dân, xử lý
đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ
thống pháp luật.
Về nơi tiếp công dân (Điều 7), nhiều ý kiến tán thành
việc quy định trụ sở tiếp công dân của Quốc hội nhằm tạo điều kiện cho công dân
có địa chỉ cụ thể để trực tiếp đến gửi đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị,
trình bày về những vấn đề có liên quan. Đây cũng là nơi để đại biểu Quốc hội
tiếp xúc, trao đổi, hướng dẫn và giải thích chính sách, pháp luật cho người dân,
góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân của Quốc hội.
Tuy
nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra đề nghị dự thảo Nghị
quyết cần quy định rõ hơn về cơ chế thành lập nơi tiếp công dân của Quốc hội
cũng như những điều kiện bảo đảm cần thiết để tạo thuận lợi cho người dân đến
với Quốc hội nhằm khắc phục sự trùng chéo với các quy định về trụ sở tiếp công
dân và nơi tiếp công dân quy định trong dự thảo Luật tiếp công dân dự kiến được
Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.
Trên cơ sở Ban soạn thảo đề
nghị lấy tên gọi của Nghị quyết là “Nghị quyết về việc tiếp công dân, tiếp nhận,
xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và giám sát việc giải quyết khiếu
nại, tố cáo của công dân của cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội,” một số ý kiến đề nghị
cần nghiên cứu thể hiện tên gọi của Nghị quyết gọn hơn, trong đó nêu được các
nội dung về việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát, đôn đốc giải quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sâu, cân nhắc về thời điểm ban hành
Nghị quyết. Có ý kiến cho rằng việc ban hành Nghị quyết này liên quan chặt chẽ
đến Hiến pháp và các dự án luật sẽ được sửa đổi hoặc ban hành trong thời gian
tới như: Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) (dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ
họp thứ 8), Luật hoạt động giám sát (dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp
thứ 8), Luật tiếp công dân (dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7).
Theo đó, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội
sẽ có nhiều bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế; trách nhiệm và quy định cụ
thể về tiếp công dân… sẽ được cụ thể hóa trong Luật tiếp công dân... trên cơ sở
đó, dự thảo Nghị quyết sẽ có những quy định phù hợp, vì vậy, nên lùi lại việc
ban hành Nghị quyết sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp và các đạo luật nêu
trên.
Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, ban hành sớm Nghị quyết để khắc
phục những bất cập hiện nay trong việc thực hiện Nghị quyết số 228 và 694, góp
phần nâng cao hiệu quả tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo của công dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề
nghị trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu thảo luận, cơ quan soạn thảo
Nghị quyết cần rà soát lại những nội dung còn chồng chéo, hoàn thiện dự thảo
Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
"Mở cửa" cho sản xuất vật liệu nổ công
nghiệp
Thảo luận về vấn đề sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công
nghiệp và tiền chất thuốc nổ trong dự thảo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí,
vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Ủy ban Quốc phòng-An ninh nêu rõ, theo Pháp lệnh
hiện hành việc sản xuất kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp do doanh nghiệp 100%
vốn Nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ
Công an, Bộ Quốc phòng; trên thực tế Chính phủ đang triển khai thực hiện quy
định này theo nguyên tắc độc quyền nhà nước về sản xuất kinh doanh vật liệu nổ
công nghiệp tại Nghị định 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 và Nghị định
25/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012.
Tuy nhiên, nếu chỉ doanh nghiệp 100% vốn
Nhà nước mới được sản xuất kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp thì sẽ hạn chế số
doanh nghiệp Nhà nước khác tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này,
trong khi đang thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Vì
vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh và Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng bỏ quy định doanh nghiệp 100% vốn nhà
nước tại điểm a, khoản 3 và điểm a, khoản 4 Điều 25 Pháp lệnh hiện hành theo kết
luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với tiền chất thuốc nổ, Thường
trực Ủy ban và Ban soạn thảo thống nhất đánh giá trong tình hình hiện nay, để
bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội có liên quan đến tiền chất thuốc nổ
thì việc quy định quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh các loại hóa chất này
trong Pháp lệnh là cần thiết.
Tuy nhiên, tiền chất thuốc nổ là hóa chất
lưỡng dụng phục vụ cho một số ngành sản xuất kinh tế, do đó, quy định các doanh
nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia hoạt động kinh doanh tiền chất
thuốc nổ trong tình hình hiện nay là phù hợp./.
Quỳnh Hoa
(TTXVN)