Thứ Sáu, 22/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 14/11/2018 9:43'(GMT+7)

Mối đe dọa đối với chủ nghĩa đa phương

Sau phát biểu đi ngược lại với xu thế hợp tác đa phương tại phiên họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây, cả thế giới lại tiếp tục bị bất ngờ trước ý định của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ngày 20-10-2018 tuyên bố về việc rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung, còn gọi là Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung được lãnh đạo Liên Xô và Mỹ ký năm 1987, vốn được coi là biểu tượng dẫn tới việc chấm dứt kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước này cũng được coi là “chiếc van” hạt nhân, nhằm ngăn chặn 2 cường quốc hạt nhân là Mỹ và Nga chạy đua vũ khí hạt nhân. Giới phân tích đánh giá động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt thế giới vào một vòng xoáy nguy hiểm mới.

Trước đó, ngày 4-10-2018, chỉ ít giờ sau khi Tòa án Công lý Quốc tế ở La Hague, Hà Lan ra phán quyết chống lại Mỹ, đồng tình với Iran và Palestine kiện các chính sách của Mỹ lên Tòa án Công lý Quốc tế ICJ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã ngay lập tức rút Mỹ ra khỏi 2 thỏa thuận quốc tế. Hồi tháng 5-2018, Tổng thống Donald Trump đã công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran được ký kết vào năm 2015.Chỉ sau đó ít ngày, tháng 6-2018, Mỹ đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sau khi lời kêu gọi cải cách tổ chức này của Washington không được các nước thành viên ủng hộ. Trước đó, tháng 10-2017, Mỹ đã rút ra khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khi cáo buộc tổ chức này có xu hướng chống lại Israel, một đồng minh của Mỹ.

 MỸ ĐANG “VẼ” LẠI TRẬT TỰ THẾ GIỚI?

Ngoài các tổ chức quốc tế kể trên, trong gần 2 năm cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế quan trọng khác như: Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời đe dọa Mỹ sẽ “đi đường riêng” nếu các thành viên NATO không đóng góp thêm ngân sách quốc phòng.

Như vậy, nước Mỹ vẫn đang nhất quán với chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà Tổng thống Donald Trump theo đuổi. Theo đó, ông Trump đặt lợi ích của nước Mỹ là tiêu chí hàng đầu trong bất cứ thỏa thuận song phương và đa phương nào. Với những tuyên bố và hành động quyết liệt, Washington sẵn sàng loại bỏ thậm chí là áp đặt trừng phạt với bất cứ mối quan hệ nàonếu nó không thực sự mang lại lợi ích rõ ràng cho nước Mỹ.

Có vẻ như hành động của Washington một lần nữa khẳng định cách hành xử của Mỹ với các ràng buộc pháp lý đa phương. Và xa hơn chính quyền Mỹ dường như đang cố gắng vẽ lại trật tự toàn cầu đương đại theo lợi ích của mình.

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Donald Trump truyền đi thông điệp rõ ràng rằng ông sẽ bác bỏ tư tưởng toàn cầu hóa, mà thay vào đó là bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ cũng như tin tưởng vào học thuyết mà ông gọi là “chủ nghĩa yêu nước”. Theo ông, điều này không chỉ đúng trong vấn đề hòa bình mà còn cả vấn đề thịnh vượng.Cuộc chiến thương mại cứng rắn nhằm vào Trung Quốc là ví dụ cho thấy Mỹ không ngần ngại áp đặt luật chơi.“Chúng tôi tin rằng thương mại phải công bằng và có đi có lại” - Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh trong bài phát biểu. Thống kê của New York Times mới đây cho biết thặng dư thương mại của Trung Quốc so với Mỹ lên tới 347 tỷ USD năm 2017 khiến ông Trump cảm thấy bị thiệt thòi. Trung tuần tháng 8 năm nay, ông Donald Trump đã ký Đạo luật Ngân sách quốc phòng (NDAA) trị giá 716 tỷ USD cho năm tài khóa 2019, một động thái được cho là nhằm thẳng vào Trung Quốc. Chưa hết, trong bài phát biểu hôm 4-10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng Trung Quốc đã và đang đầu tư mạnh vào quân sự để làm xói mòn lợi thế quân sự của Mỹ cả trên bộ, trên biển, trên không và trong vũ trụ.

Quan hệ với Trung Quốc chỉ là một vế cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump là một chính quyền có quan điểm cứng rắn và không khoan nhượng. Thông điệp được truyền tải ở đây là “Washington sẵn sàng loại bỏ những chướng ngại vật đe dọa tinh thần “Nước Mỹ trên hết”, dù đó có là các cường quốc”. Thực ra, từ cách đây 2 năm, giới phân tích đã đưa ra nhận định rằng với khẩu hiệu tranh cử “America First - Nước Mỹ trên hết”, ông Donald Trump đã trở thành một chiến binh của chủ nghĩa dân tộc kiểu mới và khó lường.

CHỦ NGHĨA ĐA PHƯƠNG CÓ CHẾT YỂU?

Với vị thế của một cường quốc hàng đầu kinh tế và quân sự, Tổng thống Donald Trump đang áp đặt ý chí của mình lên các nền tảng của thế giới đương đại.Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với sự phản kháng của thế giới.Bởi trật tự thế giới mà Mỹ đang cố xác lập được cho là mâu thuẫn với lợi ích của nhiều quốc gia khác, thậm chí là của cộng đồng quốc tế.Nó cũng đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa cao độ, nơi mà sự hợp tác đa phương được coi là xu thế tất yếu.

Đây là lý do xuất hiện nhiều tiếng nói phản đối chủ nghĩa dân tộc mà Tổng thống Trump đang theo đuổi với yêu cầu căn bản là khôi phục chủ nghĩa đa phương truyền thống. Báo cáo thường niên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres công bố tháng 9-2018 tái khẳng định chủ nghĩa đa phương là cách duy nhất để giải quyết các thách thức toàn cầu. Thế giới sẽ phải đương đầu với nhiều nguy cơ nếu như chủ nghĩa đơn phương lấn át chủ nghĩa đa phương. Đó là sự phân hóa, chia rẽ giữa các quốc gia và sự bất lực trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.Nguy hiểm hơn, sự cạnh tranh và đối đầu giữa các nước lớn có thể đẩy cục diện địa chính trị quốc tế vào những vòng xoáy đối đầu mới.

Điều nguy hiểm là, nếu chủ nghĩa đa phương bị lấn át, các nỗ lực chung về gìn giữ hòa bình và an ninh, bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy phát triển bền vững theo các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc có thể sẽ “giẫm chân tại chỗ”. Các vấn đề quốc tế “nóng” như xung đột giữa Israel và Palestine, cuộc nội chiến tại Syria, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, mâu thuẫn Nga - Mỹ, phương Tây sẽ không được gỡ bỏ. Một điều chắc chắn, nếu không có hợp tác đa phương, các cuộc chiến tranh trên toàn cầu sẽ có nguy cơ xảy ra.Cùng với đó, việc đề cao chủ nghĩa dân tộc có thể dẫn tới nguy cơ các cường quốc tự cho mình quyền áp đặt các luật chơi riêng và điều này là vô cùng nguy hiểm đối với trật tự thế giới.

Trong một bài diễn văn tại đại học Sorbonne (Pháp), Tổngthống Pháp Macron cảnh báo, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy có thể “hủy diệt nền hòa bình mà chúng ta đang sung sướng tận hưởng”. Lo ngại trên một lần nữa lại được ông Macron nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 tháng 9-2018, “Tôi không chấp nhận sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương và không chấp nhận lịch sử của chúng ta bị chia tách”.

Một loạt các các quốc gia khác cũng đồng loạt bày tỏ sự lo ngại sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc do nhà lãnh đạo nước Mỹ cổ súy. Bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nỗ lực để bảo vệ chủ nghĩa đa phương, thách thức lập trường chống chủ nghĩa dân tộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời cảnh báo thêm rằng “chủ nghĩa dân tộc hung hăng” có thể thay thế trật tự quốc tế nếu như các nhà lãnh đạo thế giới không nỗ lực làm sống lại niềm tin của công chúng vào hệ thống đa phương. Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ không lớn tiếng mà lại chọn cách âm thầm thúc đẩy tự do thương mại và sức ảnh hưởng của Tokyo qua việc xúc tiến một TPP mới với tên gọi hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tại Phiên toàn thể thứ hai của Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12) ở Brussels (Bỉ), Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu quan trọng, đề nghị ASEM cần đi đầu trong thúc đẩy hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Thủ tướng Việt Nam đề xuất ASEM nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung cần khẳng định vai trò tiên phong trong đẩy mạnh hợp tác đa phương, đóng góp xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dân chủ hơn, giải quyết kịp thời các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Rõ ràng, các quốc gia đều ý thức rõ nguy cơ đặt ra từ chủ nghĩa đơn phương. Bởi nếu xu hướng này phát triển, nó sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho những cuộc đối đầu giữa các cường quốc, giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới trong việc xác lập hệ giá trị của tương lai./.

 

Nhật Quang

___________________________

 

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 11/2018

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất