Thông qua chương trình, lần đầu tiên thông điệp người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được gửi trực tiếp tới hàng triệu người tiêu dùng thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Đã có hàng chục triệu lượt truy cập vào trang mạng và Facebook Tự hào hàng Việt Nam 2016; hơn 3000 sinh viên của các trường đại học trong ngành Công thương cũng tham gia vào các chương trình nhận diện hàng Việt Nam; hơn 300 bức ảnh tham gia bình chọn ảnh “Tôi yêu hàng Việt Nam”...

Với thông điệp “Mỗi người Việt là một đại sứ hàng Việt”, năm nay điểm mới của chương trình là sự hưởng ứng chủ động, sôi nổi của hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, của các hiệp hội, doanh nghiệp. Gần 2.000 cửa hàng xăng dầu, siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên khắp cả nước đã treo cờ phướn, quảng cáo cổ động cho chương trình… Đặc biệt, là các hoạt động tập trung tại các thành phố lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ đã tạo nên sự lan tỏa, hưởng ứng mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân.

 

Các hoạt động trong chương trình đã tạo được những cơ hội tốt để giới thiệu hình ảnh của doanh nghiệp, của sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đến với người tiêu dùng; khẳng định được sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ mà đơn vị mình sản xuất, kinh doanh là hàng Việt Nam; nâng cao uy tín đối với người tiêu dùng, mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm bạn hàng, đối tác  tại thị trường nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của thị trường trong nước với hàng hóa Việt Nam, thêm công cụ kiểm soát hàng hóa, từ đó có tiếng nói đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách, kiểm tra, kiểm soát thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển trên thị trường.

Tin, ảnh: PHÚ SƠN/QĐND