Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Sáu, 31/7/2015 21:48'(GMT+7)

Mỗi thành công của đất nước đều có sự đóng góp và công sức của công tác Tuyên giáo


Nhân kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo, phóng viên Tạp chí Tuyên giáo phỏng vấn đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương về những thành tựu nổi bật của Ngành.

PV: Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật của ngành trong suốt 85 năm qua?

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Công tác Tuyên giáo thực chất có từ trước khi có Đảng, từ lúc Bác Hồ viết báo và chỉ đạo thành lập tờ báo cách mạng đầu tiên mang tên Báo Thanh Niên (1925). Như vậy, công tác Tuyên giáo tham gia chuẩn bị tư tưởng cho việc thành lập Đảng. Sau đó dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác Tuyên giáo đã trực tiếp vận động, thức tỉnh cả một dân tộc đứng lên đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc, tập hợp cả dân tộc làm Cách mạng Tháng Tám thành công giành lại một đất nước mà trước đó đã mất vào tay xâm lược. Tiếp theo, công tác Tuyên giáo đã góp phần củng cố và xây dựng chính quyền nhân dân còn non trẻ; tập hợp toàn dân tham gia trực tiếp vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để bảo vệ nền độc lập dân tộc; làm cho nước ta từ một xứ An Nam thuộc địa của Pháp thành một quốc gia độc lập có chủ quyền, có tên tuổi trên thế giới. Tiếp theo, công tác Tuyên giáo đã phát động, tập hợp nhân dân cả hai miền Nam, Bắc thực hiện cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại chống quân xâm lược Mỹ, đấu tranh cho thống nhất nước nhà. Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi vẻ vang, nước ta đã thống nhất. Việc này có ý nghĩa rất lớn lao,  trong khi Việt Nam đã thống nhất 40 năm rồi thì trên thế giới cũng có những nước bị chia cắt cùng thời với nước ta mà mãi đến nay vẫn chưa thống nhất được, thậm chí còn thường xuyên trong trạng thái căng thẳng, xảy ra chiến tranh bất cứ lúc nào nếu thiếu kìm chế.

Bên cạnh đó công tác Tuyên giáo còn góp phần đáng kể cho công cuộc xây dựng hòa bình sau chiến tranh, sự nghiệp đổi mới để xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Đến nay nước ta đã có nền kinh tế phát triển gấp nhiều lần so với trước đổi mới. Số trường học, bệnh viện… tăng nhiều lần, khẳng định được một dân tộc, một đất nước không chỉ giỏi đánh giặc mà ngày càng biết (vượt qua khó khăn, vượt qua cấm vận) xây dựng kinh tế, phát triển đất nước trong hòa bình.

Tất cả những thành tựu chung đó là do công sức của cả một dân tộc, của tập thể Đảng, của hàng triệu chiến sĩ,đồng bào, trong đó rất nhiều người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Sự nghiệp lớn lao ấy được làm nên bởi con người. Và con người thì luôn có tư tưởng, tư duy, sự hiểu biết, nhân cách, tinh thần, trí tuệ, tâm hồn…tất cả đều liên quan đến công tác Tuyên giáo, đều có phần đóng góp đáng kể của công tác Tuyên giáo. Như vậy trong mỗi thành công của đất nước đều có sự đóng góp và công sức của công tác Tuyên giáo và trong mỗi việc chưa thành công của đất nước cũng có phần trách nhiệm của công tác Tuyên giáo.

PV: Bên cạnh những thành tựu to lớn mà ngành Tuyên giáo đã làm được trong 85 năm qua chắc hẳn vẫn còn có những hạn chế, thiếu sót cần phải khắc phục thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Theo ý kiến của tôi, bên cạnh những thành công đáng kể trên, công tác Tuyên giáo còn nhiều mặt yếu. Điều đáng nói trước tiên là công tác Tuyên giáo chưa đóng góp thật tốt cho việc phát triển tư duy, trí tuệ của một dân tộc; chưa làm tốt việc khai hóa văn minh, thúc đẩy tạo ra những năng lực tư duy mới, độc lập, sáng tạo, có bản lĩnh riêng, có chính kiến của từng con người, của tập thể Đảng, của cộng đồng dân tộc mà ngược lại còn không ít vấn đề, không ít trường hợp dừng lại trong bị động, gây nên sự thụ động,xơ cứng, ỷ lại, giảm sức sáng tạo. Trong thời gian qua, công tác Tuyên giáo chưa thật sự phát huy và phát triển năng lực, trí tuệ của từng con người và tập thể cộng đồng.

Công tác Tuyên giáo trong nhiều năm qua cũng chưa dành nhiều công sức để nghiên cứu, để tiếp cận chân lý trong một số vấn đề nhạy cảm. Công tác Tuyên giáo cũng chưa đảm bảo tốt, hiệu quả cao việc nghiên cứu để tham mưu tốt nhất về tư duy lý luận, về những vấn đề đổi mới, những vấn đề của văn hóa, khoa học và giáo dục, để phát triển quốc gia, để xây dựng con người và thúc đẩy sự phát triển của dân tộc. Công tác Tuyên giáo nhìn chung chưa có nhiều đổi mới, kể cả phương thức và nội dung. Nếu có thì cũng ít, chưa nhiều, chưa thực hiện tôt việc đối thoại, bình đẳng, tôn trọng ý kiến khác nhau để cùng tiếp cận chân lý.

Bản thân đội ngũ cán bộ Tuyên giáo nhìn chung có tâm huyết, có kiên trì, gắn bó với công việc, mặc dù rất cố gắng trong hoàn cảnh và điều kiện không ít khó khăn, thiếu phương tiện, nhưng còn hạn chế về tầm nhìn, về năng lực tư duy, về tiếp cận cái mới để có thể đáp ứng hiệu quả hơn trong lĩnh vực công tác này.

PV: Để khắc phục những hạn chế, viết tiếp truyền thống vẻ vang của ngành trong 85 năm qua, theo đồng chí thế hệ những người làm công tác Tuyên giáo hiện nay  cần phải làm gì?

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng: Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót của ngành Tuyên giáo, theo tôi, trước hết cần phải đổi mới công tác Tuyên giáo. Phải đổi mới một cách căn bản, gắn với công cuộc đổi mới của đất nước. Đất nước ta muốn phát triển được, muốn vượt qua được khó khăn để tiến lên phát triển bền vững và đúng hướng thì phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, thậm chí phải đổi mới căn bản.

Công tác Tuyên giáo phải thúc đẩy và gắn chặt với công cuộc đổi mới đất nước, công tác Tuyên giáo phải tham mưu trí tuệ nhất, tham gia mở đường, khai hóa văn minh, nhất là về mặt tư duy. Vì thế đổi mới công tác Tuyên giáo vừa là để thúc đẩy cho công cuộc đổi mới đất nước thành công, đi đến đích, không nửa vời, vừa là để thông qua công việc mà đội ngũ làm Tuyên giáo trưởng thành hơn, có ích nhiều hơn cho đất nước.

Trong công cuộc đối mới ấy phải biết đặt mục tiêu cao cả, thiêng liêng lên trên hết, là làm sao để dân tộc Việt Nam phát triển và một tập thể Đảng phát triển về trí tuệ và năng lực trong đó từng con người phải phát triển, từ đó mà đủ năng lực để giải quyết tốt nhất “nghìn” việc cho công cuộc phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng một xã hội thực sự tốt đẹp. Phải xây dựng một xã hội thật sự tốt đẹp thì đó mới là xã hội XHCN.

Phải đấu tranh bằng mọi cách để chống suy thoái trong Đảng và suy thoái đạo đức xã hội, nhất là việc chống “lợi ích nhóm” để đảm bảo cho đất nước phát triển bền vững, đúng hướng, xã hội tốt đẹp hơn, Đảng trong sạch và vững mạnh hơn.     

Đặc biệt, mỗi cán bộ cần phải rèn luyện thường xuyên phẩm chất, tâm huyết với đất nước, hết lòng vì nhân dân, vì sự nghiệp phát triển của dân tộc, quốc gia cường thịnh; kiên định mục tiêu phát triển quốc gia, dân tộc, có bản lĩnh vững vàng, có tư duy độc lập, có chính kiến rõ ràng, không thụ động, không ngừng học tập, đặc biệt là việc tự học, tiếp cận thường xuyên những vấn đề mới, tích cực đổi mới tư duy, giữ gìn và xây dựng nhân cách.

PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất