Ngày nay các nước trên thế giới đều coi môi trường và sinh thái là một lĩnh vực chiến lược của quốc gia. Ở Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường thay mặt Nhà nước quản lý tài nguyên và môi trường từ cấp vĩ mô đến cấp vi mô. Riêng Tổng cục Biển và Hải đảo được giao thống nhất quản lý biển và hải đảo, trong đó có môi trường và sinh thái biển.
Biển Việt Nam tuy chưa bị xếp vào loại ô nhiễm nghiêm trọng, những cũng đã được cảnh báo có nguy cơ ô nhiễm cao trong tương lai gần vì phát triển công nghiệp tương đối "nóng" tại các vùng duyên hải, cùng với việc gia tăng các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng biển thuộc nước ta và các nước trong khu vực. Hiện các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển, đảo chủ yếu là chất thải công nghiệp đổ ra từ các cửa sông; ô nhiễm do nuôi trồng hải sản; chất thải của các tàu thuyền hoạt động trên các tuyến hàng hải quốc tế ngoài khơi của Việt Nam; tai nạn tràn dầu từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí; ô nhiễm rác thải từ hoạt động du lịch và dân cư ven biển xả vào...
Theo đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo, chất lượng môi trường biển và vùng ven biển đang tiếp tục suy giảm. Đã có 70 loài hải sản phải đưa vào Sách đỏ để bảo vệ, 85 loài nằm trong tình trạng nguy cấp ở nhiều mức độ khác nhau. Đặc biệt là hiện tượng triều đỏ xuất hiện trong năm 2002 và năm 2003 ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi trồng hải sản ở đây. Từ tháng 12/2006 đến cuối tháng 4/2007, cơ quan chức năng đã ghi nhận được 21.600-51.800 tấn dầu trôi nổi gây ô nhiễm biển từ Bắc vào Nam, trong đó có 20 tỉnh, thành phố đã vớt và xử lý 1.721 tấn.
Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển TP.Hồ Chí Minh Ngô Lực Tài: Cần tăng cường năng lực tài chính để đầu tư phương tiện thiết bị phòng chống ô nhiễm môi trường biển, đi đôi với việc ban hành các chính sách đồng bộ, nâng cao nhận thức cộng đồng để gìn giữ môi trường và sinh thái biển, đảo là vấn đề cấp bách. Hiện nay dân số vùng duyên hải và biển đảo chiếm 30% dân số cả nước, có khoảng 45% số người sống dựa vào kinh tế biển. Bình quân mỗi ngày có 20.000 phương tiện gồm 30.000 người hoạt động trên biển. Đây chính là nhân tố góp phần khẳng định chủ quyền và bảo vệ an ninh trên vùng biển của nước ta.
Do đó, Nhà nước cần tổ chức lại sản xuất trên biển cho ngư dân theo hướng đánh bắt xa bờ với trang thiết bị và kỹ thuật hiện đại; chỉnh trang, nạo vét luồng lạch các cửa sông, cửa biển; xây dựng các khu trú, trách bão an toàn. Mặt khác đạo tạo nghề và trang bị kiến thức cho cư dân vùng duyên hải về nguy cơ và cách thức ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sự cần thiết về môi trường và sinh thái biển để phát triển kinh tế biển, đảo bền vững./.
Minh Tuấn - TTXVN