Thứ Ba, 15/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 29/7/2011 14:31'(GMT+7)

Một ASEAN đồng thuận trên biển

Các đại biểu thảo luận bên lề hội nghị.

Các đại biểu thảo luận bên lề hội nghị.

Cũng tại hội nghị này, các nước ghi nhận những sáng kiến thiết thực của nước chủ nhà Việt Nam cũng như công tác tổ chức hết sức chu đáo, trọng thị.

Trong hợp tác quốc phòng - quân sự giữa các nước ASEAN, hải quân được xem là lực lượng đi đầu so với lục quân và không quân.

Những năm qua, hai lĩnh vực hợp tác hiệu quả nhất được các đại biểu ghi nhận là hợp tác tuần tra chung ở eo biển Malacca với kết quả là nạn cướp biển trên tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng này đã giảm mạnh.

Một ví dụ khác là hoạt động ngày càng hiệu quả của Trung tâm chia sẻ Thông tin Changi của Singapore sau hai năm thành lập. Trong 10 năm qua, hải quân ASEAN đã có 4 cuộc gặp gỡ, giao lưu và và lần này được nâng cấp lên thành Hội nghị, thể hiện một cơ chế tham vấn và hợp tác đang dần đi vào khuôn khổ chung trong kênh hợp tác quân sự ASEAN.

“Hội nghị là cơ hội cho chúng tôi phối hợp, hợp tác với nhau. Qua đó, biết được quan điểm của những người đồng cấp, viễn cảnh của tình hình khu vực. Từ đó đề xuất công việc cụ thể lên cấp cao hơn” - Tư lệnh Hải quân Malaysia Tan Sri Adbul Aziz bin Hj Jaafar cho biết.

Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN diễn ra tại Hà Nội vào thời điểm an ninh trên biển Đông đang nóng lên với các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế và đe doạ chủ quyền. Chính vì vậy, tiếng nói chung của các đại biểu là hơn lúc nào hết, hải quân các nước ASEAN phải tăng cường hợp tác, đoàn kết, thúc đẩy quan hệ để hỗ trợ cho các giải pháp hoà bình và đối thoại nhằm giảm thiểu các nguy cớ về xung động vũ trang.

Các đại biểu nhất trí: trong khi chưa có một cơ chế quản lý xung đột hữu hiệu thì những tính toán sai lầm có thể dẫn tới xung đột, kêu gọi các bên liên quan tìm kiếm giải pháp ngoại giao hoà bình, dựa trên cơ sở Luật pháp quốc tế. Ghi nhận những diễn biến mới nhất khi ASEAN và Trung Quốc đạt được thoả thuận về Hướng dẫn thực hiện Tuyên bố ứng cử của các bên ở Biển Đông (DOC), tuy nhiên, những người đứng đầu hải quân các nước ASEAN cũng nhấn mạnh sự thống nhất giữa lời nói và hành động của mỗi nước.

Chủ trì hội nghị, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng: “Qua trao đổi với Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN, tất cả đều cho rằng có tranh chấp tồn tại nhưng để xử lý tranh chấp, kể cả với Trung Quốc thì phải dựa vào Luật pháp Quốc tế; Công ước luật Biển năm 1982, Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC) và hướng dẫn thực hiện DOC. Đặc biệt, phải tôn trọng việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, không đe doạ sử dụng vũ lực”.

Với kinh nghiệm tổ chức các Hội nghị quốc phòng ASEAN trong năm 2010, Việt Nam được các nước rất tín nhiệm trong vai trò chủ nhà và điều hành Hội nghị tư lệnh hải quân ASEAN lần này. Tư lệnh hải quân các nước cho rằng, Hải quân Nhân dân Việt Nam ngoài việc công khai, minh bạch các chính sách, chiến lược quốc phòng, còn có đóng góp quan trọng cho hợp tác quốc tế. Các tư lệnh Hải quân ASEAN hoan nghênh các sáng kiến mà Việt Nam đưa ra tại Hội nghị này, trong đó có sáng kiến tổ chức giao lưu sĩ quan hải quân trẻ các nước ASEAN.

Trong khuôn khổ Hội nghị tư lệnh Hải quân các nước ASEAN, ngoài phiên thảo luận chính thức tại Hà Nội, gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, tư lệnh hải quân các nước ASEAN còn tham gia các hoạt động giao lưu như thăm Bảo tàng Hải quân và thăm một đơn vị tên lửa trên biển của Việt Nam.

Đại diện hải quân Brunei- nước đăng cai Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN vào năm sau cho biết, kinh nghiệm tổ chức của Việt Nam đáng để các nước học tập./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất