Từ nửa cuối thế kỷ XX, Fidel Castro Ruz, lãnh tụ Cách mạng Cuba, người
tập hợp các lực lượng cách mạng Cuba vào một chính đảng duy nhất và sáng
lập Nhà nước xã hội chủ nghĩa tại đảo quốc Caribe này, đã ghi lại dấu
ấn đậm nét không chỉ trong lịch sử của “hòn đảo tự do” mà còn cả trong
lịch sử của Mỹ Latinh, châu Phi và thế giới nói chung.
Nhân dịp
kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông (13/8/1926 - 13/8/2016), nhiều tác giả
đã nhấn mạnh lại tầm quan trọng của công tác nghiên cứu cuộc đời và sự
nghiệp của “người khổng lồ trong lịch sử nhân loại vẫn còn sống” này. Đó
hẳn phải là một công trình công phu và đồ sộ - nếu xét tới khối lượng
công việc mà nhà lãnh đạo tối cao của Cách mạng Cuba từng làm, những ý
tưởng vô cùng phong phú mà ông từng thể hiện, cùng những ảnh hưởng sâu
rộng của chúng - khó có thể gói gọn thậm chí là trong một cuốn sách.
Chính vì thế trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn điểm lại một số phẩm
chất cách mạng điển hình của huyền thoại Fidel, những yếu tố đầu tiên
mà các đồng chí và nhân dân nhớ tới trong ký ức về ông.
Trước tiên, Fidel là con người gương mẫu với lòng quả cảm đáng ngưỡng
mộ. Anh hùng dân tộc và nhà tư tưởng lỗi lạc Cuba José Martí từng tuyên
bố: “Làm là cách tốt nhất để nói”. Và Fidel, người luôn coi Martí là
người thầy tư tưởng của mình đã quán triệt triệt để tinh thần đó với sự
gương mẫu trong hành động; ông không nói “Hãy làm” mà nói “Hãy theo tôi”
và luôn luôn đi tiên phong, theo đúng nghĩa đen, trên tuyến đầu cách
mạng.
Trong cuộc tấn công lịch sử vào trại lính Moncada ngày
26/7/1953 - sự kiện thường được kỷ niệm như khởi đầu của cuộc Cách mạng
1959, Fidel vừa là nhà chỉ huy, vừa là chiến sĩ nơi tuyến đầu. Cánh tấn
công do ông trực tiếp phụ trách đảm nhận nhiệm vụ nguy hiểm nhất là đánh
chiếm lối vào trại lính và trên thực địa, trước khả năng đánh mất yếu
tố bất ngờ, ông là người đầu tiên nổ súng, bắt đầu cuộc chiến và bắn hạ
tên địch đầu tiên.
Những nhân chứng sau đó cũng kể lại rằng khi
ra lệnh rút lui trước sự phản kháng dữ dội của quân địch đông gấp nhiều
lần, vị thủ lĩnh trẻ tuổi của cuộc tấn công táo bạo đã đứng trực diện,
thậm chí một mình thách thức làn đạn của kẻ thù để các đồng đội của mình
rút lui và chỉ rời đi trên chiếc xe cuối cùng. Trong thời kỳ chiến đấu
du kích 1956-1959, Fidel luôn gương mẫu cả trong sinh hoạt và chiến đấu,
giành được sự tin tưởng và kính trọng của đồng đội trong Quân đội Khởi
nghĩa, và “âm mưu” duy nhất tiến hành “sau lưng” ông khi đó là việc ra
một nghị quyết tập thể buộc ông phải giữ gìn mạng sống hơn trong mỗi
trận chiến.
Sau khi cách mạng thành công, tinh thần tiên phong
gương mẫu đó vẫn tiếp tục được ông thể hiện cả trong các chiến dịch quốc
phòng như Escambray (truy quét các nhóm vũ trang phản cách mạng do Cục
Tình báo trung ương Mỹ - CIA - hậu thuẫn rải rác trên cả nước) hay Chiến
thắng Girón năm 1961, cũng nhưng trong các chiến dịch, hoạt động dân sự
khác.
Lòng quả cảm và tinh thần đối đầu trực diện hiểm nguy là
điều mà Fidel chưa bao giờ thiếu hay đánh mất, kể cả khi đã là lãnh đạo
tối cao của Cuba và là nhân vật sống sót qua nhiều âm mưu ám sát nhất do
CIA cùng các thế lực vây cánh tiến hành (638 vụ theo thống kê chính
thức của Cuba).
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro (phải) có cuộc gặp kéo dài 40 phút với Giáo hoàng Francis I năm 2015. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Năm
1971, Fidel vẫn xuất hiện đường hoàng và bình tĩnh trong một cuộc họp
báo tại Chile bất chấp thông tin rằng một sát thủ của CIA cài vào hàng
ngũ phóng viên và có thể đã giấu súng trong một máy quay. Sau đó, ông
vẫn cùng tổng thống theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa Salvador Allende công
du dọc đất nước Chile, dù đội ngũ an ninh Cuba khẳng định nguy cơ ám
sát là có thật. Người dân Việt Nam cũng không bao giờ quên được việc
Fidel là nguyên thủ đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng tại tỉnh
Quảng Trị, ngay vào thời điểm cuộc chiến vẫn còn khốc liệt vào tháng
9/1973, theo đề xuất của chính ông.
Tất nhiên, lòng quả cảm của
ông không chỉ thể hiện qua những hành động mang tính quên mình đó, mà
còn cả trong việc dám chọn lựa một con đường chông gai nhưng đúng đắn để
theo đuổi và sau này là phát triển đất nước, đi ngược lại lối mòn của
tất cả các nước trong khu vực khi đó và thách thức siêu cường lớn nhất
thế giới chỉ cách Cuba 150 km đường biển để bảo vệ khát vọng về độc lập
và tự chủ của dân tộc mình. Nếu không nhìn nhận được tinh thần gương mẫu
xả thân vì chính nghĩa ấy, sẽ rất khó hiểu được sức lôi cuốn mạnh mẽ
của Fidel nói riêng và của cách mạng Cuba nói chung trên thế giới, đặc
biệt là tại khu vực Mỹ Latinh.
Ở con người Fidel toát ra một
phong cách gần gũi và một tầm nhìn chiến lược. Là lãnh tụ cách mạng,
Fidel luôn là người đi đầu và chịu trách nhiệm cao nhất cho công cuộc
xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Cuba, và ông đã làm điều đó với một phong
cách gần gũi và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, hay nói cách khác là bằng
cả trái tim lẫn khối óc, bên cạnh nhiều phẩm chất khác.
Lãnh
tụ Cuba Fidel Castro trò chuyện với các em học sinh trong lễ khánh
thành trường học Vilma Espin Guillois năm 2013. Ảnh: THX/TTXVN
|
Cùng với hình ảnh Fidel tiên phong trong chiến đấu là hình ảnh Fidel
tiên phong trong lao động, hòa đồng và chia sẻ trong mỗi nhịp đập của
cách mạng. Trong Vụ mía nhân dân đầu tiên (sau khi quốc hữu hóa ngành
mía đường những năm 1960, ngành kinh tế số 1 của Cuba khi đó), Fidel
tham gia nghiêm túc như một thợ chặt mía và từ chính sự thân thiện chân
thật đó đã huy động hàng nghìn người lao động tình nguyện tham gia chặt
mía. Hình ảnh ông nhảy lên vì vui sướng trước kỷ lục thế giới về vắt sữa
của người nông dân Ubre Blanca hay tò mò, thích thú như một đứa trẻ khi
thử nghiệm mô hình và tổ hợp công cụ chặt mía mới sẽ còn đọng lại trong
tâm trí của những con người chung tay xây dựng sự nghiệp cách mạng
Cuba.
Về tầm nhìn, Fidel vừa là người vận động và vừa tham gia
tích cực, cụ thể vào công cuộc gây dựng nền móng kỹ thuật cho chủ nghĩa
xã hội tại Cuba, từ những nhiệm vụ đầu tiên về cơ giới hóa nông nghiệp
và phát triển chăn nuôi toàn diện trong những năm 1960 cho tới việc xây
dựng những tổ hợp khoa học - công nghệ gắn kết nghiên cứu với sản xuất
vào đầu thế kỷ XXI. Fidel là người đầu tiên tại Cuba đề cập tới tin học
hóa từ năm 1971, ngay sau thất bại của chiến dịch Mười triệu tấn đường.
Trong những năm tháng vô cùng gian khó trong “thời kỳ đặc biệt” những
năm đầu 1990, ông đã bắt tay vào xây dựng cơ sở cho ngành công nghệ sinh
học, một công việc tưởng chừng “viển vông” khi đó nhưng giờ đây đang
mang lại hoặc tiết kiệm cho Cuba hàng tỷ USD mỗi năm.
Từ một nền
y tế yếu kém có hơn nửa số bác sĩ rời bỏ đất nước sau khi cách mạng
thành công và một nền giáo dục phổ thông nghèo nàn với hơn nửa dân số mù
chữ, ông đề ra chiến lược và thúc đẩy từng bước thực hiện để Cuba không
những có một hệ thống hoàn chỉnh và chất lượng trong hai lĩnh vực then
chốt này, mà còn có cả những “đội quân” bác sĩ và giáo viên “tinh nhuệ”
đi thực hiện những nhiệm vụ quốc tế tại khắp 5 châu.
Những thành
công vang dội của Cuba trong 2 lĩnh vực này không chỉ giúp đất nước có
thêm điểm tựa kinh tế trong thời điểm khó khăn như hiện tại, mà còn biến
đây trở thành một mô hình mà nhiều chính phủ cánh tả tại Mỹ Latinh sau
này theo đuổi. Quyết tâm và nhiệt huyết của Fidel trong các kế hoạch về y
tế, giáo dục và văn hóa được lan truyền ra cả nước và có lẽ vượt ra tầm
vóc của đánh giá của bất kỳ sử gia nào: ở đó là “cơn sốt” xây dựng các
bệnh viện trạm xá, bác sĩ gia đình, trường học, học viện, đại học, bảo
tàng, nhà hát hay sân vận động, nhưng đó không phải là hành động ngẫu
hứng nhất thời, mà liền mạch và trong một tổng thể có tính toán từ
trước, và do đó hầu hết các cơ sở này đều đem lại hiệu quả, và trong
nhiều trường hợp là đáng kinh ngạc với thế giới.
Và trong con
người Fidel là một tình cảm đặc biệt với nhân dân Việt Nam. Có thể khẳng
định rằng trong lịch sử hiện đại, hiếm có nhà lãnh đạo nước ngoài nào
được nhân dân ta yêu quý như Fidel. Nhưng điều đó không phải là vô cớ,
vì chính ông cũng luôn dành một tình cảm đặc biệt cho Việt Nam.
Fidel phát biểu tại buổi chiêu đãi chào mừng đoàn Cuba được tổ chức tại Hà Nội trong chuyến thăm năm 1973. Ảnh: cubadebate
|
Người dân nước ta, ở mọi thế hệ, thường nhớ tới Fidel với câu nói rực
lửa “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Và tuyên bố
đó đã trở thành bất hủ vì nó đã thực sự trở thành thực tiễn với những
hành động cụ thể, những cuộc mít tinh, xuống đường hàng triệu người; với
một phong trào đoàn kết ủng hộ lớn mạnh và sâu rộng với hoạt động vô
cùng đa dạng và hiệu quả, trải rộng từ thành thị tới nông thôn; với việc
biến những cái tên Việt Nam như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thị
Định, Nguyễn Văn Trỗi, Bến Tre, Quảng Trị, Hà Nội trở nên thân thuộc
với người Cuba qua hàng trăm cơ sở tại tất cả các tỉnh thành, từ nhà
máy, trường học, khu dân cư cho tới sân vận động, mang tên các anh hùng
và địa danh lịch sử của đất nước hình chữ S xa xôi.
Trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của nhân dân ta, Cuba đã thực
sự hiến dâng cả máu của mình cho Việt Nam khi cử các chuyên gia quân sự
sang giúp đỡ quân dân ta, và trong số đó đã có người đã ngã xuống. Và
vẫn còn đó 5 công trình kinh tế-xã hội mà Cuba tặng nhân dân Việt Nam
sau kháng chiến thành công: Khách sạn Thắng Lợi, Trại gà Lương Mỹ, Trại
bò giống Mộc Châu, Đường Xuân Mai-Ba Vì và Bệnh viện Việt Nam - Cuba tại
Đồng Hới, Quảng Bình. Đáng quý hơn, Cuba đã thực hiện những giúp đỡ chí
tình đó với Việt Nam theo đúng tinh thần mà Fidel đã đúc kết: “Cuba
không cho đi những gì mà mình thừa thãi, mà chia sẻ với bạn bè những tài
nguyên khiêm tốn mà mình có được”.
Tình cảm ấy đã được minh
chứng qua những thời khắc khó khăn nhất như khi hai con tàu của Cuba -
Jigue và Imias - đã vượt qua bom đạn có mặt ở cảng biển của Việt Nam
trong những ngày ác liệt nhất của cuộc chiến tranh phá hoại của không
quân Mỹ, hay qua tuyên bố dũng cảm của Fidel chính vào lúc Tổng thống Mỹ
Richard Nixon đi thăm Liên Xô và Trung Quốc để thương lượng trên lưng
Việt Nam, đưa tới cuộc bỏ bom 12 ngày đêm tháng 12/1972 bằng B52 xuống
Hà Nội: “Lúc này thái độ đối với Việt Nam là hòn đá thử vàng của phẩm
chất những người cộng sản”. Cần phải nhớ rằng khi đó Liên Xô và Trung
Quốc vẫn là hai nước viện trợ lớn nhất cho Cuba.
Có một chi tiết
đặc biệt nữa là khi trao đổi và ôn lại với các bạn bè Cuba về những câu
chuyện lịch sử và sự giúp đỡ vô tư trong sáng của nước bạn khi đó đối
với nhân dân ta, chúng tôi vẫn thường được các bạn trả lời trích dẫn một
câu nói của Fidel: “Đó là nghĩa vụ của chúng tôi vì khi đó các bạn đánh
Mỹ “hộ” Cuba để chúng tôi có thể xây dựng đất nước trong hòa bình”. Chỉ
có một dân tộc hào hiệp mới coi sự giúp đỡ vô tư, chí tình cho một dân
tộc ở một đất nước xa xôi là nghĩa vụ. Cũng chỉ có những con người thực
sự vĩ đại mới biết rung động và tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết và chủ
nghĩa anh hùng của một dân tộc nhỏ bé có thể chiến thắng sức mạnh vật
chất và những vũ khí tối tân của siêu cường hàng đầu thế giới. Fidel
Castro chính là một con người như vậy, và sẽ được lưu giữ như vậy trong
ký ức của mọi người.
Lê Hà (P/v TTXVN tại Cuba)