Sau một năm tích cực hưởng ứng Phong trào, có thể ghi nhận một số kết quả bước đầu như sau:
Một là, các cơ quan báo chí đã tổ chức ký kết giao ước thi đua xây dựng môi trường văn hóa, phổ biến, quán triệt nội dung, ý nghĩa của Phong trào và tiêu chí tới người làm báo, người lao động; động viên toàn thể cơ quan nhiệt tình hưởng ứng.
Các nhóm cơ quan báo chí khối bộ, ban, ngành và các đoàn thể đã tổ chức ký giao ước thi đua như Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội, Truyền hình Quốc hội, Báo Đại biểu nhân dân, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp đã ký cam kết giao ước thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”. Tạp chí Người Làm Báo, Tạp chí Cơ khí Việt Nam, Tạp chí Giao thông Vận tải cùng với 10 đơn vị tạp chí khác là: Tài nguyên Môi trường, Dân tộc, Sức khỏe Cộng đồng, Tự động hóa, Ngày nay, Nhịp sống Thị trường, Người Hà Nội, Thương gia, Kinh doanh và Tiếp thị, Bầu trời rộng mở, Môi trường và Cuộc sống… cùng tổ chức Diễn đàn và Lễ Ký kết Xây dựng môi trường văn hóa báo chí và văn hóa của người làm báo.
Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên đã chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Báo Phú Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Trường Đại học Phú Yên xây dựng và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” ở tỉnh Phú Yên. Hội Nhà báo Yên Bái đã cùng với các cơ quan báo chí trong tỉnh tổ chức ký cam kết thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”; phát động thi đua “Xây dựng môi trường cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo” đến các cơ quan báo chí và các chi hội nhà báo trực thuộc theo đúng 12 tiêu chí do Hội Nhà báo Việt Nam phát động. Đồng thời, căn cứ vào các tiêu chí xây dựng bảng điểm chấm thi đua để xem xét bình chọn suy tôn đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh khen thưởng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
Hai là, các cơ quan báo chí đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Phong trào; chú trọng đưa nội dung Tiêu chí vào nội quy hoạt động và quy trình tác nghiệp của cơ quan, đề cao yếu tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm báo chí, đưa Tiêu chí vào sinh hoạt cơ quan, tiêu chuẩn bình xét thi đua khen thưởng.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo” tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Báo điện tử Chính phủ. Song song với mục đích, yêu cầu, nội dung thực hiện là: “Đoàn kết - Kỷ cương - Chuyên nghiệp - Chủ động - Sáng tạo - Bản sắc”, Cổng thông tin điện tử Chính phủ cụ thể hóa các tiêu chí vào những hoạt động thường nhật của cơ quan như: Hoàn thiện và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa, chuẩn mực đạo đức công chức, viên chức cơ quan, đạo đức người làm báo; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện hợp tác trong cơ quan; tổ chức quy trình tác nghiệp chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch, xác định nguyên tắc tác nghiệp trên tinh thần khách quan, xây dựng; đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí.
Báo Công thương đưa ra một số chỉ tiêu cơ bản như: Phấn đấu hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả ấn phẩm báo in cũng như báo điện tử, 100% phóng viên, biên tập viên được tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ báo chí, 100% cán bộ cấp phòng được tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ cấp phòng, 100% hội viên không vi phạm Luật Báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam…
Ba là, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã tổ chức ký kết giao ước thi đua, đưa nội dung văn hóa báo chí và sinh hoạt Hội, các hội nghị sơ kết, tổng kết, đưa Tiêu chí vào để bình xét thi đua, khen thưởng. Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị, Báo Lao động Thủ đô, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Báo Phụ nữ Thủ đô, Báo Quốc phòng Thủ đô, Báo An ninh Thủ đô, Tạp chí Người Hà Nội đã tổ chức đăng ký, cam kết thích cực hưởng ứng Phong trào…
Qua một năm triển khai thực hiện, có thể nhận thấy chủ trương “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” đã được các cơ quan báo chí tích cực hưởng ứng, các cấp hội nhà báo ở các địa phương nhiệt tình thực hiện và triển khai một cách có hiệu quả. Việc phát động Phong trào đã giúp cho các cơ quan báo chí nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước và mỗi cơ quan báo chí. Giá trị của các sản phẩm báo chí, danh dự, uy tín của người làm báo đối với xã hội được nâng lên khi phong trào thực sự đi vào nhịp sống nghề nghiệp. Các tiêu chí của văn hóa báo chí sẽ luôn là lời nhắc nhở mỗi nhà báo thực hiện tốt các “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”, tạo ra các sản phẩm báo chí trung thực, khách quan, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin xấu, độc, vô văn hóa. Phong trào cũng giúp mỗi người làm báo xác định rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhà báo Nguyễn Xuân Cảnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái:
Để mỗi cơ quan báo chí đi đầu trong xây dựng văn hóa công sở và văn hóa cơ quan đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí cần quán triệt, nâng cao nhận thức trong tổ chức đảng và đảng viên về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Xây dựng, hoàn thiện, thực hiện tốt quy trình tác nghiệp, bảo đảm cao nhất tính chính xác, sự tin cậy, tính nhân văn trong từng trang báo, bài viết. Cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về văn hóa, định hướng việc phát huy giá trị văn hóa trong đời sống, tích cực xây dựng các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, có sức lan tỏa để mỗi sản phẩm báo chí đưa đến công chúng bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, giáo dục, trở thành hình mẫu trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong cộng đồng. Đồng thời, phải xây dựng được môi trường cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa thời kỳ mới gắn với phát triển, hội nhập, trọng tâm là xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng; có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi xử lý nghiêm tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống không trong sáng trong một bộ phận cán bộ, phóng viên, công chức, người làm báo.
Nhà báo Nguyễn Thu Hằng, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Lao động và Xã hội
Ngay khi Hội Nhà báo Việt Nam có hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, Báo Lao động và Xã hội đã tổ chức ký kết giao ước thực hiện. Bộ tiêu chí được in, phát cho các phòng ban và ghim lên trang đầu group nghiệp vụ của báo để mọi người luôn ghi nhớ. Nhờ thực hiện tốt bộ tiêu chí, mỗi cá nhân, đặc biệt khu vực phóng viên, biên tập viên (hầu hết là đảng viên) luôn có tư tưởng chính trị vững vàng, tác phong, đạo đức của người làm báo; tích cực rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp; thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ; ứng xử chân thành, thân ái; sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp; khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác… từ đó xây dựng môi trường hoạt động báo chí gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan…
Nhà báo Nguyễn Hải Hồng, Tổng biên tập Tạp chí Bảo hiểm Xã hội
Sau gần 1 năm triển khai, phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa đã lan tỏa và đem lại hiệu quả thiết thực; tạo môi trường làm việc văn minh, đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Cán bộ, phóng viên nhân viên Tạp chí BHXH đã đề cao văn hóa trong tác nghiệp báo chí. Tạp chí giữ được bản sắc riêng, chuyên sâu về lĩnh vực an sinh xã hội nói chung, trong đó BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Quan tâm nâng cao trình độ phóng viên, biên tập viên đáp ứng tình hình mới, có kiến thức chuyên môn, trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, luôn thực hiện tốt “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo”; luôn có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân đối với tác phẩm, sản phẩm của mình.
Đề cao văn hóa trong ứng xử và lối sống, Tạp chí BHXH xây dựng môi trường làm việc văn minh, sạch đẹp, hiện đại, tạo nguồn năng lượng lao động tích cực mỗi ngày cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, từ đó góp phần xây dựng, rèn luyện đạo đức người làm báo, tác phong, lề lối làm việc với phương châm “tôn trọng, đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp; khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác; chuẩn mực, thân thiện với công chúng”.
Nhà báo Trần Anh Tú, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông
Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, trong 1 năm qua, Tạp chí đã phát huy không gian văn hoá trong hoạt động báo chí, thực hiện tốt 6 tiêu chí của cơ quan báo chí văn hoá và 6 tiêu chí đối với người làm báo văn hoá bằng những công việc cụ thể.
Để hướng tới xây dựng một tạp chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, Tạp chí TT&TT đã thực hiện chuyển đổi số mọi hoạt động của tạp chí với việc hoàn thành xây dựng nền tảng tạp chí số hội tụ - hiện đại. Bên cạnh nội dung chuyên sâu, chuyên biệt, các tin, bài báo điện tử được ứng dụng công nghệ đa phương tiện, AI; các bài báo in hàng tháng được số hoá, quét mã QR, ứng dụng đọc AI… đã thực sự thu hút bạn đọc, được nhiều tổ chức, cơ quan, bạn đọc… đánh giá cao, trích dẫn tham khảo. Theo đó, Tạp chí phấn đấu đến năm 2025 trở thành đơn vị dẫn đầu khối báo chí truyền thông trong chuyển đổi số; trở thành tạp chí chuyên biệt, chuyên sâu về công nghệ số, là diễn đàn phân tích, kiến giải, hiến kế phát triển ngành TT&TT; tổ chức xuất bản và cung cấp các bài báo chuyên sâu về lĩnh vực Công nghệ thông tin, Báo chí - Truyền thông./.
Phạm Quý Trọng