Sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời đi
trong lặng lẽ với lý do để tránh một cuộc tắm máu ở Kabul, người phát
ngôn chính trị của Taliban Mohammad Naeem tuyên bố, cuộc chiến ở
Afghanistan đã kết thúc. Và sau đêm 15/8, người dân Afghanistan thức dậy
với những nhà lãnh đạo mới trong Phủ Tổng thống - lực lượng Taliban. Với
việc hạ lá cờ tại Đại sứ quán ở Kabul, người Mỹ cũng đã chính thức buông
bỏ ván cờ tại Afghanistan.
Chính phủ Afghanistan phải chấp nhận thực tế rằng, từ chỗ là kẻ thua
trận, giờ thì Taliban đã chứng minh họ là lực lượng chính trị không thể
tiêu diệt và đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn ở Kabul. Quyền lựa chọn
một chính phủ chuyển tiếp với nhiều thành phần tham gia-giải pháp được
coi là hoàn hảo với Tổng thống Ashraf Ghani vào thời điểm hiện tại cũng
không còn nằm trong tay ông và những nhân vật dưới quyền, bởi Taliban đã
tuyên bố rằng, điều lực lượng này cần không phải là một chính phủ
chuyển tiếp mà là một cuộc chuyển giao quyền lực hoàn toàn. Chiến thắng
trên tất cả mặt trận ở Afghanistan có thể được coi là tấm vé để Taliban
đang bước vào cuộc đàm phán ở thủ đô Doha (Qatar) với tư thế “cửa trên”.
Trên thực tế, ngay từ trước khi tiếp quản chiếc ghế quyền lực ở Nhà
Trắng từ người tiền nhiệm Donald Trump, đương kim Tổng thống Mỹ Joe
Biden đã được giới chóp bu quân sự ở Lầu Năm Góc đưa ra cảnh báo nghiêm
trọng về khả năng Taliban đánh bại quân đội Afghanistan. Bởi, người Mỹ
biết rõ những vấn đề đang ngày càng dồn nén trong “chiếc nồi cao áp”
chuẩn bị xì hơi và bật tung ở Afghanistan, đó là tình trạng tham nhũng
sâu sắc, một lực lượng quân đội thiếu tổ chức và ý chí chiến đấu, nhiều
binh sĩ và cảnh sát không được trả lương trong nhiều tháng và thậm chí
phải ra trận với tâm trạng rệu rã vì không đủ đồ ăn, thức uống. Điều này
dường như càng củng cố niềm tin của Tổng thống Biden rằng, nước Mỹ
không thể vĩnh viễn mạo hiểm chống đỡ cho Afghanistan và người Mỹ phải
quyết tâm “rút ván cầu”, đưa quân về nước
Có chăng, người ta đổ lỗi rằng sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền
Afghanistan phần nào bắt nguồn từ sự “lạc quan tếu” của người Mỹ. Để bảo
vệ cho quyết định rút quân của mình, Tổng thống Biden từng hùng hồn
tuyên bố, Afghanistan có một quân đội 300.000 người được Mỹ huấn luyện
hàng chục năm và trang bị vũ khí tối tân, chỉ phải chống lại 75.000 tay
súng Taliban với vũ khí thô sơ, lạc hậu. Cho đến tận cuối tháng 6, các
cơ quan tình báo Mỹ còn ước tính ngay cả khi Taliban tiếp tục thắng thế
trên chiến trường thì phải ít nhất một năm rưỡi nữa Kabul mới bị đe dọa.
Vài ngày trước khi lá cờ tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul bị hạ xuống,
cộng đồng tình báo Mỹ vẫn dự báo rằng, kiểu gì thì Kabul cũng cầm cự
được thêm vài tháng. Và rồi từ lạc quan, người Mỹ chuyển sang bàng hoàng
khi các thành phố lớn của Afghanistan như Kandahar, Herat, Jalalaba và
Mazar-i-Sharif rồi đến thủ đô Kabul liên tục sụp đổ như quân cờ domino
sau các cuộc càn quét của lực lượng Taliban. Chỉ trong vòng 11 ngày,
quân Taliban đã “nuốt trọn” đất nước Afghanistan mà không vấp phải sự
phản kháng đáng kể nào từ quân chính phủ.
Trên các mặt báo của nước Mỹ và thế giới, không có những cái tít ủng
hộ ông Biden kiểu như “cuộc chiến ở Afghanistan đã kết thúc” hay “cuộc
chiến dài nhất của Mỹ đã khép lại”, mà thay vào đó, vị Tổng thống thứ 46
của nước Mỹ đang phải đối mặt với những phê phán về quyết định rút quân
chóng vánh khỏi Afghanistan, dẫn tới cuộc chính biến ở Afghanistan.
Quyết định ấy có thể sẽ là cơn ác mộng về chính sách, là quyết định gây
ra nhiều hệ lụy nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.
Chiến dịch kéo dài 20 năm tại Afghanistan bị thiêu rụi chỉ trong một
ngày cũng khiến những bộ não cấp cao và các nhà hoạch định chính sách ở
Washington không thể không suy tư. Chắc hẳn trong số đó, nhiều người sẽ
tự hỏi, gần hai thập kỷ hiện diện ở Afghanistan, tiêu tốn hàng nghìn
sinh mạng, cả nghìn tỷ USD và chứng kiến cảnh hàng nghìn quân nhân khác
về nước với chân tay giả và tâm trí rối loạn, đổi lại nước Mỹ được gì?
Chẳng nghi ngờ gì cả, Afghanistan đã thêm một lần trở thành nơi các
đế chế hiên ngang đem quân tới trong tiếng kèn điều binh rộn rã, để rồi
phải thoát thân với lá cờ chiến bại nằm trong góc ba lô. Các cuộc chiến
tranh ở Iraq, Libya và nay là cuộc chính biến vừa qua ở Afghanistan cũng
chứng minh thực tế rằng, không thể thay đổi một đất nước, một nền văn
hóa bằng những cuộc chiến tranh can thiệp. Và, mô hình dân chủ tự do của
một cường quốc không phải “mặt hàng xuất khẩu” có thể áp dụng tại những
quốc gia khác, trong đó có Afghanistan.
Gần như chắc chắn rằng, Taliban sẽ trở lại kiểm soát quyền lực ở
Afghanistan với bộ mặt ít nhiều khác biệt so với trước đây. Đó là bởi,
khi nắm quyền ở Afghanistan hồi giữa thập niên 1990, lực lượng này đã
biến quốc gia Nam Á thành một đất nước bị cô lập với phần còn lại của
thế giới và chỉ được một số ít nước công nhận, gồm
Pakistan, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Trong lần trở lại này, dường như Taliban lại muốn được đón nhận như một
lực lượng hợp pháp và cũng tuyên bố rằng, họ không muốn tồn tại trong
tình trạng bị cô lập. Bằng chứng là những tháng vừa qua, các lãnh đạo
Taliban từ Doha (Qatar) đã tỏa ra nhiều hướng mới, mục tiêu là thiết lập
quan hệ ngoại giao với các nước, trong đó có cả những cường quốc. Khi
đi qua những vùng đã chiếm đóng được và ngay cả khi bước vào Phủ Tổng
thống Afghanistan, Taliban cũng tuyên bố họ không còn cực đoan như
trước, đồng thời cam kết bảo đảm an toàn cho người dân Afghanistan, bảo
đảm hòa bình với mọi quốc gia.
Thế nhưng, chừng đó dường như vẫn chưa đủ tạo niềm tin cho những
người Afghanistan khốn khổ. Hàng nghìn người Afghanisan và cả người
ngoại quốc đang nháo nhào gói ghém đồ đạc, tìm đường ra sân bay di tản
trong nỗi sợ về sự kiểm soát hà khắc của chính quyền mới. Và, trong số
rất nhiều khuôn mặt tuyệt vọng đang cố gắng chạy khỏi thủ đô Kabul, liệu
có bao nhiêu người không tin rằng Afghanistan sẽ tiếp tục trở thành “ổ
khủng bố khổng lồ”-một đất nước mà ngay cả những trường học cũng biến
thành kho vũ khí.
Chưa biết sau cuộc chính biến lần này, liệu có một “ông lớn” đưa bàn
tay quyền lực tới Afghanistan, hay sẽ vẫn là Mỹ quay lại thử sức với
mảnh đất đầy khắc nghiệt này. Chỉ biết rằng, Afghanistan vừa trải qua
những thời khắc biến động to lớn, nhưng tương lai của người dân nước này
chưa chắc đã thay đổi./.
Anh Vũ (qdnd.vn)