Thứ Bảy, 16/11/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 25/10/2013 9:30'(GMT+7)

Một số giải pháp an sinh xã hội để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Tại Việt Nam, hàng năm có hàng trăm người bị chết, mất tích, hàng ngàn người bị thương tật, hàng chục ngàn ngôi nhà bị sụp đổ, tốc mái, cuốn trôi, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị ngập lụt, hư hỏng do thiên tai, lũ lụt, bão lốc... với thiệt hại kinh tế lên đến 3,6 tỷ đô la/năm, tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2010.  Trong 10 năm qua, thiên tai đã làm cho 4.305 người chết, 3.737 người bị thương, 138.000 căn nhà sụp đổ, 1,4 triệu căn nhà bị hư hỏng, bình quân mỗi năm có trên dưới 1,4 triệu lượt người bị thiếu đói. Tổng nguồn lực thực hiện cứu trợ của Nhà nước trong một thập kỷ qua là 280.243 tấn gạo và 8.583 tỷ đồng.

Tác động của biến đổi khí hậu đến an sinh xã hội

BĐKH những năm gần đây đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của lao động trong hầu hết các ngành kinh tế, trong đó các ngành nông - lâm – ngư nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng nhất. Nhiều lao động đã phải chuyển đổi ngành nghề, di cư ra thành phố hay các vùng công nghiệp để tìm việc làm. Vấn đề cần quan tâm là phần lớn lao động nông nghiệp chủ yếu chưa qua đào tạo nên việc tìm kiếm việc làm và chuyển đổi ngành nghề là rất khó khăn, họ phải làm các công việc giản đơn trong các khu công nghiệp, hay lao động tự do với điều kiện làm việc không tốt và thu nhập bấp bênh. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng mảng tác động lớn nhất của biến đổi khí là an sinh xã hội, đặc biệt là đến người nghèo và các nhóm yếu thế đối với sức khỏe, sinh mạng, tài sản, tư liệu sản xuất và thậm chí cả phương thức, tập tục canh tác của nhóm đối tượng này, làm cho vốn sinh kế của người nghèo càng bị rủi ro và suy giảm nhiều.
Hơn nữa, người nghèo thường tập trung ở các vùng có điều kiện khó khăn về thời tiết, địa hình và các điều kiện sản xuất cũng hạn chế khiến họ khó có điều kiện để thoát nghèo, trong khi nhóm cận nghèo cũng dễ rơi vào nghèo đói. Người nghèo, người dân tộc thiểu số là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước các rủi ro do BĐKH gây nên. Trẻ em, đặc biệt là trẻ em các vùng có khí hậu khắc nghiệt bị ảnh hưởng cả về sức khỏe và điều kiện kinh tế hộ gia đình thấp kém, bị hạn chế hoặc không được đảm bảo 4 quyền cơ bản (sống còn, phát triển, bảo vệ và tham gia).

Hậu quả là, BĐKH làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất, nguồn lực và điều kiện sống của người dân trên các khía cạnh: An toàn sức khỏe, và sinh mạng; Điều kiện sống: Cư trú và tiếp cận các dịch vụ cơ bản đặc biệt là nước sạch cho sinh hoạt; Nguồn lực, điều kiện sản xuất: suy giảm chất lượng, mất hoặc giảm sinh kế của người dân, đặc biệt là người nghèo, lao động nông nghiệp các vùng dễ bị tổn thương  .
Để giảm thiểu các rủi ro do BĐKH, mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nguồn ngân sách hạn hẹp, trong khi số lượng đối tượng bảo trợ xã hội ngày một tăng, song Đảng và Nhà nước ta vẫn không ngừng chăm lo công tác bảo trợ xã hội với số lượng kinh phí tăng đều qua các năm và chiếm tỷ lệ đáng kể trong chi tiêu của ngân sách cho chính sách an sinh xã hội (năm 2011 chiếm tới 10,1%). Tại các địa phương cũng đã từng bước đảm bảo nguồn ngân sách theo yêu cầu để  đảm bảo thực hiện chính sách an sinh xã hội – đây được xem là một trong những động thái tích cực trong lĩnh vực an sinh xã hội trước nguy cơ BHKH như hiện nay.

Bảng1 : Kết quả thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên giai đoạn 2006-2011

STT

Chỉ tiêu

2006

2007

2008

2009

2010

2011

1

Số người được TCXH thường xuyên (ngàn người)

480

1.016

1.254

1.210

1.439

1.674

2

Mức chuẩn trợ cấp tối thiểu (ngàn đồng)

65

120

120

120

180

180

3

Kinh phí  TCXH (tỷ đồng)

430

1.682

2.076

2.003

3.576

8.482

4

Chi NSNN cho ASXH(tỷ đồng)

-

-

42.300

22.470

70.000

84.000

5

Tỷ lệ Kinh phí TCXH so với chi ASXH (%)

-

-

4,9%

8,9%

5,1%

10,1%

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Báo cáo kinh tế - xã hội thường niên.

Cùng với trợ giúp xã hội thường xuyên thì trợ giúp xã hội đột xuất hàng năm cũng rất lớn (hơn 2.000 tỷ cho trên 1,2 triệu đối tượng mỗi năm). Vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Hồng là những nơi thường có số đối tượng và kinh phí trợ giúp lớn do tình hình thời tiết và thiên tai diễn biến phức tạp.
Một số giải pháp

Trong thời gian tới để ứng phó với BĐKH, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội - ngành trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an sinh xã hội cần phải chủ động phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể và đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội trước tác động của BĐKH trên cả ba phương diện: phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.

Về phòng ngừa rủi ro

Thứ nhất, đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho nông dân, tập trung thực hiện Đề án 1956 theo hướng cung cấp đầy đủ thông tin cho người lao động về các kế hoạch, qui hoạch để người dân tự lựa chọn nghề học thông qua các mô hình phân tích sinh kế. Đào tạo nghề để chuyển đổi việc làm cần tập trung vào: (i) chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp và (ii) sản xuất thâm canh nhằm gia tăng giá trị sử dụng đất và mặt nước.

Thứ hai, cần đẩy mạnh cho vay vốn tạo việc làm trong khuôn khổ Chương trình MTQG về việc làm và dự án hỗ trợ vay tín dụng ưu đãi tạo việc làm trong Chương trình MTQG Giảm nghèo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho những vùng chịu tác động của BĐKH và nước biển dâng. Gắn chặt hỗ trợ vay tín dụng với dạy nghề, khuyến nông, lâm ngư. Lấy hiệu quả sử dụng vốn vay dựa trên kết quả cuối cùng làm tiêu chuẩn để phân bổ nguồn lực. Ngoại trừ những địa bàn cần di dân bắt buộc thì chiến lược thích ứng là hướng cần được ưu tiên.

Thứ ba, có kế hoạch hỗ trợ di chuyển và ổn định sản xuất của các doanh nghiệp: Nước biển dâng, diện tích đất của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bị thu hẹp, cơ hội việc làm cho người lao động sẽ giảm đi. Do đó cần có chính sách hỗ trợ về tín dụng, cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp ổn định sản xuất trong thời gian dài.
Thứ tư, tăng cường hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm gắn với nhu cầu thực cần chuyển đổi việc làm của nông dân. Mở rộng truyền thông đến những vùng khó khăn, những địa bàn có nhiều nguy cơ chịu tác động của nước biển dâng.

Về giảm thiểu rủi ro

Cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm hưu trí: Xác định đối tượng ưu tiên và mức hỗ trợ dựa trên các tiêu chuẩn về (i) độ tuổi; (ii) khả năng chi trả; (iii) mức sống tối thiểu. Đảm bảo rằng mọi người dân có thể sống bằng nguồn thu nhập của chính mình; Hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm cây trồng, vật nuôi: Thử nghiệm, tiến tới mở rộng đề án hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp do Bộ Tài chính đang thực hiện để khi rủi ro xẩy ra, đời sống của người dân vẫn được đảm bảo và có khả năng tái sản xuất. Ở đây cũng cần xây dựng bộ chỉ tiêu để ưu tiên hỗ trợ chính sách; Hỗ trợ xây dựng các khu định cư ổn định để di chuyển người dân ra khỏi những địa bàn bị rủi ro cao nhất do hiện tượng nước biển dâng mà trước hết là những địa bàn chịu ảnh hưởng lớn do triều cường. Việt Nam cũng không ngoại lệ trong các quốc gia bị ảnh hưởng của sóng thần.

Biện pháp khắc phục rủi ro

Để đảm bảo điều kiện sống tối thiểu của người dân như: ăn, ở, học tập, chăm sóc y tế, nước sạch, thông tin . . . trước nguy cơ nước biển dâng, cần có nghiên cứu qui hoạch sử dụng, khai thác các nguồn nước ngọt nhằm ổn định đời sống cho người dân.

Nghiên cứu đề xuất mở rộng diện thụ hưởng theo quy định tại Nghị định 13/2010/NĐ-CP trên cơ sở xây dựng một bộ chỉ tiêu xác định đối tượng thụ hưởng trợ giúp đột xuất do thiên tai nói chung và do nước biển dâng nói riêng dẫn đến mất nguồn sinh kế của người dân. Dần dần mở rộng đối tượng thụ hưởng và mức hỗ trợ, lấy mức sống tối thiểu làm cơ sở để xác định mức hỗ trợ.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ và khuyến khích xây dựng các quĩ cứu trợ đột xuất tại xã/phường, thôn/bản để người dân và địa phương chủ động linh hoạt đối phó với những rủi ro gây ra trước tình trạng này.

Một trong những kinh nghiệm đã thực hiện thành công của quốc tế mà chúng ta nên xem xét áp dụng là chương trình việc làm công và đột phá vào đào tạo nghề. Phát triển mạnh mẽ các chương trình việc làm công nhằm xây dựng các công trình công cộng (đê điều, đập chắn sóng, các công trình thủy lợi…) để ứng phó với BĐKH và đào tạo nghề nhằm chuyển đổi việc làm và xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời cần quán triệt tinh thần của Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 và Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 01/11/2012 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TW nêu trên, trong đó cần tiếp tục chú trọng một số nhiệm vụ sau:

Một là,  nghiên cứu, khảo sát; đánh giá, dự báo và đề xuất các giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu đến lĩnh vực an sinh xã hội: Thu thập, xử lý và lưu trữ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu về tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực lao động, bảo trợ xã hội, trẻ em; Phân tích, đánh giá, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực an sinh xã hôi, nhóm yếu thế với các kịch bản biến đổi khí hậu đã công bố; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học có liên quan đến các vấn đề lao động và xã hội trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu; Đề xuất các giải pháp đảm bảo việc làm và an sinh cho người dân các vùng bị ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu; đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp với mỗi vùng miền, địa phương và đối tượng quản lý của ngành.

Hai là,  thực hiện các dự án, mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng và thử nghiệm các mô hình thí điểm ứng phó với biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực của ngành dựa vào cộng đồng có sự tham gia của chính quyền các cấp, các tổ chức hội đoàn thể, sự tham gia của người dân trong ứng phó và tự ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Tổ chức thực hiện thí điểm theo đặc thù các vùng địa lý hoặc theo các nhóm đối tượng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu; triển khai nhân rộng các mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu được đánh giá hiệu quả qua quá trình thí điểm.

Ba là, lồng ghép các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, chính sách của ngành thông qua việc: Rà soát nội dung các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án của từng lĩnh vực có liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu; đề xuất xây dựng, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động; Thực hiện lồng ghép các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình, đề án của ngành.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, tập huấn nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế qua các hình thức như: Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của nhà nước đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành về biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó; Xây dựng các chương trình, tài liệu và triển khai thực hiện đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực của cán bộ trong ngành ở các cấp; phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ trong lĩnh vực chuyên môn sâu về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu thông qua các chương trình đào tạo trong nước và quốc tế; vận động các tổ chức trong và ngoài nước tham gia các chương trình nghiên cứu, tư vấn, cung cấp dịch vụ hỗ trợ triển khai kế hoạch hành động; Tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước, quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm về tác động của biến đổi khí hậu và các giải pháp ứng phó trong lĩnh vực lao động và xã hội.

Năm là, mở rộng hợp tác quốc tế đa phương và song phương nhằm  thu hút nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, phục vụ các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành. Tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu. /.

 TS. Bùi Sỹ Tuấn, Viện Khoa học Lao động và Xã hội
Nguồn: molisa.gov.vn

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất