Chủ Nhật, 22/9/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Tư, 15/6/2011 21:27'(GMT+7)

Một số vấn đề về đấu tranh quốc phòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại vùng biển đảo Gạc Ma được tổ chức trên tàu HQ 996 (nguồn: Cục Thông tin Đối ngoại - Bộ TT&TT)

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại vùng biển đảo Gạc Ma được tổ chức trên tàu HQ 996 (nguồn: Cục Thông tin Đối ngoại - Bộ TT&TT)

Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, với nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, đấu tranh quốc phòng (ĐTQP) bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nội dung quan trọng cần được nghiên cứu, triển khai thực hiện.

Với vùng biển rộng (hơn 1 triệu km2), bờ biển dài (khoảng 3.260 km), hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa án ngữ trên tuyến đường hàng hải quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có lợi thế, tiềm năng to lớn về biển. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đầu tư phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển, bước đầu đạt kết quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH,HĐH đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, khả năng khai thác những lợi ích từ biển còn hạn chế; việc kết hợp kinh tế với quốc phòng-an ninh (QP-AN) ở các vùng biển có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ; an ninh trên biển còn diễn biến phức tạp, nhất là các tranh chấp, xâm phạm chủ quyền, lợi ích từ biển ngày càng gia tăng, đe dọa chủ quyền an ninh quốc gia và hoà bình, ổn định, hợp tác trong khu vực. Vì vậy, để bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên các vùng biển, tạo môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế biển bền vững,  phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, kết hợp chặt chẽ nhiều biện pháp và hình thức đấu tranh; trong đó, ĐTQP bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nội dung quan trọng cần được nghiên cứu, triển khai thực hiện có hiệu quả; trước mắt, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Một là, nắm vững và thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết các vấn đề trên Biển Đông. Trong những năm gần đây, tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt, các tranh chấp, xâm phạm chủ quyền và lợi ích từ biển của các bên trong khu vực đối với chủ quyền biển, đảo nước ta đã và đang trở thành những vấn đề “nhạy cảm” trong quan hệ khu vực và quốc tế. Do đó, ĐTQP bảo vệ, giữ vững chủ quyền các vùng biển, đảo phải xuất phát từ quan điểm của Đảng về giải quyết các vấn đề trên Biển Đông đã được thể hiện trong các chỉ  thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (Khoá IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng để triển khai thực hiện. Trong đó, Đảng ta đã nhất quán nguyên tắc “Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bình đẳng và cùng có lợi” trong giải quyết các tranh chấp. Đây vừa là định hướng cơ bản, vừa là cơ   sở pháp lý để các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn dân triển khai đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên các vùng biển, đảo. Đồng thời, đó cũng là tiền đề để chúng ta mở rộng hợp tác quốc tế theo hướng: thu hẹp bất đồng, hạn chế tranh chấp, tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia, tạo môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần ấy, các tranh chấp trên Biển Đông phải được các bên kiên trì cùng bàn bạc, giải quyết bằng biện pháp hoà bình, bảo đảm phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC), trên cơ sở đồng thuận, cùng có lợi. Đồng thời, chúng ta kiên quyết bác bỏ những yêu sách vô lý, thiếu chứng cứ lịch sử của các bên về chủ quyền trên Biển Đông cũng như các tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quần đảo trái với tinh thần Công ước 1982 và thông lệ quốc tế; tiếp tục cùng các bên liên quan tìm giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi chờ một giải pháp tổng thể, các bên cần duy trì nguyên hiện trạng và không có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình. Để xử lý tốt các vấn đề trên, chúng ta phải chủ động, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên các vùng biển. Trong quá trình đấu tranh, cần giữ vững nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược, lấy đại cục làm trọng, lấy bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển là mục tiêu cao nhất. Muốn vậy, trước hết phải không ngừng tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia; trong đó, quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, sự ổn định, thống nhất trong Đảng và bộ máy Nhà nước, sự vững vàng của các lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân và sự cố kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Việc giải quyết các tranh chấp phải thống nhất quan điểm: kiên trì biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý là chính.

Hai là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo và kết hợp chặt chẽ các hình thức, phương pháp đấu tranh, bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc[/I]. Xuất phát từ đặc điểm của ĐTQP bảo vệ chủ quyền biển, đảo có nhiều lực lượng tham gia, diễn ra trên nhiều lĩnh vực, địa bàn rộng, đấu tranh với nhiều loại đối tượng, trong nhiều tình huống khác nhau, nên  tính chất, mục tiêu, yêu cầu đấu tranh trong từng trường hợp cũng khác nhau. Trong đó, các tình huống quốc phòng có thể diễn ra đan xen, kế tiếp hoặc chuyển hoá lẫn nhau; quá trình diễn biến, chuyển hoá đó nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào âm mưu, thủ đoạn và hành động cụ thể của đối tượng cũng như phương thức, biện pháp và kết quả đấu tranh của ta. Vì vậy, để ĐTQP có hiệu quả, chúng ta phải căn cứ vào tình hình cụ thể để vận dụng linh hoạt và kết hợp chặt chẽ các hình thức, phương pháp đấu tranh phù hợp; thực hiện đấu tranh toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; kết hợp sức mạnh trong nước và quốc tế, tạo sức mạnh tổng hợp làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của các đối tượng.

Trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, làm thất bại thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng lợi dụng tình hình “nhạy cảm” trên biển, đảo để kích động, chia rẽ, gây mất ổn định chính trị, phá hoại mối đoàn kết nội bộ và làm tổn hại tới mối quan hệ giữa nước ta với các nước trong khu vực; đồng thời, vạch trần âm mưu, thủ đoạn và các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của đối phương trước dư luận trong nước và quốc tế. Lực lượng quần chúng nhân dân và các tổ chức hoạt động trên biển, đảo cùng LLVT kiên trì vận động, thuyết phục và kiên quyết ngăn chặn các hoạt động xâm phạm của đối phương; kết hợp với các hình thức đấu tranh khác cả ở trong và ngoài nước, buộc họ phải tôn trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ nước ta.

Trên lĩnh vực đối ngoại, các tổ chức ngoại giao chuyên trách, các tổ chức chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội…, cần phối hợp với lực lượng trên biển, đảo, sử dụng mọi phương tiện, tranh thủ các diễn đàn quốc tế, kịp thời đấu tranh làm cho mọi người thấy rõ hành động xâm phạm biển, đảo của đối phương là trái với luật pháp quốc tế, là sự xâm hại một quốc gia có chủ quyền; trên cơ sở đó, đấu tranh phản bác, vạch trần các luận điệu lừa bịp, xuyên tạc sự thật của chúng trước dư luận quốc tế. Qua đó, làm rõ thiện chí và chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các tranh chấp, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới.

Trên lĩnh vực pháp lý, các cơ quan luật pháp, các tổ chức chính trị-xã hội chủ động thu thập đầy đủ các chứng cứ lịch sử, các bằng chứng về những vi phạm luật pháp quốc tế về biển, đảo của đối phương; trên cơ sở đó, củng cố các cơ sở pháp lý cần thiết, chuẩn bị đội ngũ chuyên gia pháp lý về biển, đảo, thống kê các thiệt hại mà đối phương gây ra cho nhân dân, đất nước ta và các tổ chức quốc tế đang hoạt động hợp pháp trên vùng biển Việt Nam, để đưa ra đấu tranh công khai trên các diễn đàn quốc tế, buộc đối phương phải thừa nhận và từ bỏ hành động xâm phạm, đánh chiếm biển, đảo của ta.

Trên lĩnh vực kinh tế, tăng cường công tác quản lý kinh tế, nhất là lĩnh vực tài chính, thương mại; chủ động đấu tranh ngăn chặn các thủ đoạn lợi dụng mở cửa, hợp tác để phá hoại kinh tế, mua chuộc cán bộ hòng làm suy yếu hệ thống chính trị của ta và gây mất ổn định chính trị-xã hội. Đồng thời, có biện pháp hữu hiệu bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty, tổ chức kinh tế nước ngoài đang làm ăn trên vùng biển, đảo của ta, nhất là vô hiệu hoá thủ đoạn gây sức ép, phá hoại hợp đồng kinh tế của ta với các đối tác nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết, có thể tiến hành các biện pháp đấu tranh phù hợp trên lĩnh vực tài chính, thương mại để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trên lĩnh vực quân sự, chủ động chuẩn bị các phương án tác chiến, xây dựng các công trình phòng thủ; kết hợp chặt chẽ thế trận của các đảo, cụm đảo với thế trận của lực lượng cơ động trên biển, thế trận ven biển, thế trận phòng không-không quân, thế đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý… tạo thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) vững chắc, góp phần răn đe, ngăn ngừa xảy ra xung đột vũ trang và chiến tranh. Tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát giữa các lực lượng: Hải quân, Không quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, dân quân tự vệ biển…, và với các lực lượng khác để bảo vệ chủ quyền và các hoạt động của ta trên biển, đảo, nhất là hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên biển. Khi xảy ra xung đột, cần bình tĩnh kiềm chế, kiên trì đấu tranh; đồng thời, triển khai lực lượng và các hoạt động trên biển, tạo thế hỗ trợ, phối hợp với đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý…, không để đối phương lợi dụng tạo cớ, gây xung đột vũ trang và chiến tranh đánh chiếm biển, đảo của ta. Trường hợp buộc phải đấu tranh vũ trang, cần hành động kiên quyết, nhanh, mạnh, gọn, kết hợp với các mặt đấu tranh khác không để xung đột lan rộng, kéo dài, mở rộng thành chiến tranh.

Ba là, tiến hành đồng bộ các giải pháp, nâng cao năng lực đấu tranh cho các lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Hiện nay, do tính chất phức tạp và nhạy cảm của các tranh chấp trên Biển Đông đã tác động trực tiếp đến sự ổn định chính trị trong khu vực và quốc tế, nên ĐTQP trên các vùng biển, đảo sẽ diễn ra quyết liệt, liên tục và lâu dài, không thể chỉ một sớm, một chiều. Vì vậy, tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực đấu tranh cho các lực lượng là vấn đề rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thời kỳ mới. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục QP-AN, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về biển, đảo cho các cấp, các ngành, LLVT và toàn dân, nhất là đối với các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển, đảo. Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về chiến lược biển của các nước trong khu vực và thế giới để có đối sách phù hợp trong ĐTQP bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trên cơ sở nâng cao hiệu quả kết hợp kinh tế với tăng cường QP-AN, tập trung củng cố tiềm lực, lực lượng và thế trận QPTD trên biển, đảo ngày càng vững chắc, nhất là đối với lực lượng Hải quân, Phòng không-Không quân, Cảnh sát biển, Biên phòng... bảo đảm đủ sức quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, chú trọng kiện toàn, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành các hoạt động ĐTQP từ Trung ương đến các địa phương; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quốc phòng; nâng cao hiệu quả phối hợp, hiệp đồng giữa LLVT và các lực lượng khác trong ĐTQP, góp phần bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới./.   

Đại tá Nguyễn Đồng Thuỵ
Viện Chiến lược Quốc phòng - Bộ Quốc phòng

(Nguồn: Tạp chí QPTD)
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất