Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Tư, 24/12/2008 11:28'(GMT+7)

Mưa độc có thể tàn phá hệ hô hấp của con người

Sơ đồ quá trình tạo mưa axit

Sơ đồ quá trình tạo mưa axit

Tàn phá hệ hô hấp

Ông Dương Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường thuộc Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường nói: “Con người đã đưa vào khí quyển nhiều khí sunfua dioxit (SO2), nitơ dioxit (NO2)... Các chất này hòa tan với hơi nước trong không trung, tạo thành axit sunfuaric (H2SO4), axit nitơric (HNO3)... Axit theo nước mưa, tuyết, sương, rơi trở lại mặt đất khi trời mưa - tạo thành mưa axit”. Mưa axit do các hoá chất nhiễm bẩn tạo thành, phổ biến là SO2 và NO2, khi chúng thâm nhập vào cơ thể qua các đường khác nhau đều gây tác hại cho người, nhất là với hệ hô hấp. Nếu hít vào cơ thể lượng SO2 nồng độ cao sẽ bị phù thanh quản, viêm phế quản...

Khi những cơn mưa trở thành mưa độc, axit sẽ biến nước ao, hồ thành axit loãng, làm cho cá và các sinh vật bị chết. Độ chua trong mưa axit lớn, lại hòa tan được một số bụi kim loại và oxit kim loại có trong không khí như oxit chì... làm thành thứ nước cực kỳ độc hại đối với cây trồng, vật nuôi và con người; trực tiếp gây ra sự thay đổi về lá của cây, phá huỷ cây trồng, rừng, ô nhiễm sông hồ và hệ sinh thái, phá huỷ các công trình xây dựng, kiến trúc, cầu cống... Nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng vì đất bị trung hòa, giảm độ màu mỡ. Rễ cây bị phá hoại, ức chế sự sinh trưởng và phát triển, làm giảm năng suất và sản lượng. Đặc biệt khi xảy ra hiện tượng mù hoặc mây, lượng axit còn cao gấp 10 lần nước mưa bình thường.

Trong khí quyển tích tụ nhiều chất có thể gây ra hiện tượng axit hóa như ôxit nitơ, ôxit lưu huỳnh... Những chất nhiễm bẩn này có thể tồn tại cả trong không khí, đất và nước nhiều ngày. Các loại xe có động cơ cũng là nguồn chính gây lắng đọng axit.

30% số lần mưa là mưa axit

Cũng theo ông Dương Hồng Sơn, mưa axit ở Việt Nam đã chiếm lượng lớn (khoảng 30% số lần mưa), gây tác hại không nhỏ đối với con người, cơ sở hạ tầng, sản xuất... Những khu vực có tần suất mưa axit lớn không chỉ ở các khu công nghiệp, đô thị lớn vì lắng đọng axit mang tính lan truyền và phụ thuộc vào những phản ứng hóa học xảy ra trong khí quyển. Do vậy, không phải khu nào phát thải lên thì khu đó hứng chịu. Những báo cáo của mạng lưới quan trắc quốc gia cho thấy, mưa axit từ nước ngoài vào Việt Nam đang tăng lên. Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam các năm 1997, 1998 cũng nói có dấu hiệu mưa axít ở Lào Cai và ở phía Nam tại Minh Hải, Trà Vinh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp.

Nhóm nghiên cứu đề tài “Đánh giá hiện trạng mưa axit ở Việt Nam”, do Th.S Trần Thị Diệu Hằng (Viện Khoa học khí tượng thuỷ văn và môi trường) làm chủ đề tài, đã thu thập số liệu ở 24 trạm quan trắc có quan trắc hóa nước mưa trên cả nước, cũng thấy mưa axit đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Việt Trì, Đà Nẵng... Ở Hòa Bình, tần suất xuất hiện mưa axit lên tới 25%, Hà Nội là 11%.

Mưa axit là vấn đề nghiên cứu tương đối mới ở Việt Nam nên tới nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Theo ông Dương Hồng Sơn, muốn nghiên cứu về mưa axit, cần cả kinh phí và con người. Nếu có kinh phí, Trung tâm sẽ tiến hành phân tích, chứng minh được tác hại của mưa axit tới con người, tới hoạt động sản xuất...

Trong hội thảo của các chuyên gia mạng lưới giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á (EANET), có sự tham gia của 14 quốc gia, tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2008, Th.S Trần Thị Diệu Hằng đã báo cáo: Hiện chưa có một nghiên cứu toàn diện nào đánh giá tổng thể ảnh hưởng của mưa axit đối với nông nghiệp, môi trường, sức khỏe cộng đồng. Việc đánh giá hiện trạng mưa axit chưa đồng bộ. Việt Nam có trên 20 trạm quan sát nhưng hoạt động theo 3 quy trình khác nhau. Do đó, cần có một quy chuẩn thống nhất các bước lấy mẫu trong hệ thống trạm quan trắc lắng đọng axit.

Các điểm quan trắc ở mạng quan trắc mưa axit phía Nam đều phát hiện mẫu nước mưa có axit, đặc biệt là tại Biên Hòa, Bình Dương có mưa axit với nồng độ khá đậm, pH nhỏ hơn 4,5. Tại các vùng có nhiều rừng và chưa phát triển công nghiệp nhiều như Cúc Phương - Ninh Bình, Cà Mau, Nha Trang tần suất mưa và nồng độ chỉ bằng một nửa.


(Theo GĐ&XH)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất