Chủ Nhật, 13/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 24/9/2011 15:59'(GMT+7)

Mưa lớn gây thiệt hại tại các tỉnh miền trung

Nông dân các xã ngoài đê La Giang, huyện Ðức Thọ (Hà Tĩnh) thu hoạch lúa hè thu chạy lũ. Ảnh: THANH HOÀI

Nông dân các xã ngoài đê La Giang, huyện Ðức Thọ (Hà Tĩnh) thu hoạch lúa hè thu chạy lũ. Ảnh: THANH HOÀI

Hiện, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Ðịnh và khu vực bắc Tây Nguyên đang lên. Trong 1-2 ngày tới, khu vực này tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng phổ biến từ 100 đến 200mm, có nơi hơn 200mm. Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Ðịnh và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục lên, có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2; riêng các sông ở Thừa Thiên - Huế lên mức báo động 3. Ðề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Ðịnh và khu vực bắc Tây Nguyên.

Sáng 23-9, trên địa bàn các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Phú Yên, nước lũ trên các sông dâng cao, vượt báo động 1, có nơi trên báo động 2. Nhiều vùng trũng thấp bị ngập sâu trong nước, giao thông tại một số vùng hạ lưu bị chia cắt.

Theo thống kê, miền trung còn khoảng hơn 5.000 ha lúa hè thu chưa thu hoạch; trong đó riêng Quảng Nam có gần 2.000 ha bị nhấn chìm, nguy cơ mất trắng rất cao. Mưa lớn trong hai ngày qua đã làm ngập úng tại nhiều điểm trong nội thành Ðà Nẵng và các quận, huyện. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Ðà Nẵng, hiện nay, Ðà Nẵng có gần 50 điểm ngập lớn, trong đó có hơn 30 điểm ngập úng thường xuyên, gây ách tắc giao thông nhiều nơi.

Tại huyện Tương Dương (Nghệ An), mưa lớn kéo dài đã gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên toàn huyện, làm gần 400 ngôi nhà bị ngập, 43 ngôi nhà đổ, 26 nhà bị nước cuốn trôi, sạt lở 196 ngôi nhà, 48 gia đình phải di dời... Ban Chỉ huy PCLB huyện đã cử đoàn công tác đến các xã chỉ đạo khắc phục hậu quả và hỗ trợ 330 tấn gạo cứu đói cho dân.

Ðêm 22 ngày 23-9, nhiều nơi ở tỉnh Quảng Bình có mưa vừa, có nơi mưa to và rất to gây ngập hơn 400 ha lúa hè thu. Tỉnh đã chỉ đạo đóng toàn bộ cống ngăn nước, kiểm tra tu bổ đê bao để chống lũ; đồng thời động viên bà con thu hoạch nhanh các trà lúa còn lại và triển khai đối phó lũ quét ở vùng núi, ngập lụt lưu vực sông Kiến Giang.

Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có công điện yêu cầu các huyện, thành phố và thị xã; các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền, thông báo cho chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Các địa phương khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản.

Ngày 23-9, nước lũ lên nhanh, áp lực lớn, đê bao tại ấp Tân Hòa Trung, xã Tân Hội - thị xã Hồng Ngự (Ðồng Tháp) đã bị vỡ. Nước lũ tràn vào quá nhanh đã nhấn chìm hoàn toàn hơn 200 ha lúa thu đông 55 ngày tuổi, ước tính tổng thiệt hại hơn năm tỷ đồng. Sau sự cố trên, các địa phương trong thị xã Hồng Ngự đang triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm bảo vệ hơn 3.000 ha lúa thu đông đã xuống giống.

Mưa lớn kéo dài kết hợp với nước triều cường dâng cao đã làm 220 ha lúa thu đông mới gieo sạ của nông dân huyện Long Mỹ (Hậu Giang) bị thiệt hại từ 30% đến 100%. Ðến nay, các huyện nằm trong vùng lũ là Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, phía bắc của huyện Thủ Thừa và Ðức Huệ (tỉnh Long An) đã thu hoạch dứt điểm vụ lúa hè thu 2011 khi lũ lớn đổ xuống với hơn 170 nghìn ha.

UBND huyện Ứng Hòa (TP Hà Nội) cho biết, trên địa bàn huyện đã xuất hiện ba vị trí bị sạt lở, nứt gãy trên đê tả Ðáy. Cụ thể, tại vị trí K47+500 và K47+610 địa phận xã Viên Nội sạt lở nghiêm trọng mái đê thượng lưu, cung sạt trượt dài hơn 110m. Tại K60+70 đến K60+460 địa phận xã Ðồng Tiến, vết sạt dài 390m, rộng tới 7,5m, cao 4m. Còn tại địa phận xã Ðồng Tiến, K60+430 đến K60+452 bị sạt lở mái đê thượng lưu dài 22m. UBND huyện Ứng Hòa đã đề nghị thành phố Hà Nội sớm có phương án xử lý sự cố khẩn cấp.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất