Thứ Bảy, 29/6/2013 17:23'(GMT+7)
Mưa nhiều, tạm trữ gạo vụ Hè-Thu gặp khó khăn lớn
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, sau 12 ngày triển khai chương trình
thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ Hè-Thu năm 2013 ở khu vực Đồng
bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp đã thu mua được 140.000 tấn quy
gạo, đạt 14% tổng lượng gạo tạm trữ trong vụ Hè-Thu này.
Tuy nhiên, cả doanh nghiệp và nông dân đều đang gặp khó khăn, tiến độ thu mua cũng như thu hoạch lúa đều chậm do đang trong mùa mưa...
Lúa ngã, đổ do mưa liên tục
Do mưa kéo dài kèm theo gió to khiến cho nhiều cánh đồng lúa chín ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập nước, lúa ngã đổ, gây khó khăn cho việc thu hoạch bằng cơ giới cũng như phơi sấy, bảo quản lúa sau thu hoạch.
Tại các huyện Tam Bình, Vũng Liêm của tỉnh Vĩnh Long, nhiều diện tích lúa bị ngã do mưa nên nông dân phải gánh thêm chi phí thu hoạch và tỷ lệ tổn thất vụ này cũng cao hơn vụ lúa Đông-Xuân. Điển hình như 3.000m2 lúa của ông Đặng Thiên Văn, ấp Phú Hòa Yên, xã Song Phú, huyện Tam Bình, Vĩnh Long, đến lúc thu hoạch gặp trời mưa nên bị ngã đổ 1/3 diện tích.
Ông Yên phải thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch với giá 300.000 đồng/1.000 m2, thay vì chỉ mất 250.000 đồng/1.000m2 đối với lúa không bị ngã. Không ít hộ nông dân khác trong ấp Phú Hòa Yên cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Nhiều nông dân của tỉnh Hậu Giang cũng không khả quan hơn khi gặp thời tiết bất lợi trong thời điểm thu hoạch lúa.
Bà Trương Thị Muộn, ngụ tại ấp 2, xã Vị Thủy, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang canh tác 2.000m2 giống lúa thơm nhẹ cho biết mưa nhiều ngày làm cả cánh đồng bị ngập, không thể đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch, đành phải thuê lao động thu hoạch thủ công, thuê ghe vận chuyển lúa về lò sấy, tính ra phải mất 1 triệu đồng/1.000 m2. Ngoài ra, do mưa liên tục, ruộng ngập nước nên việc thuê nhân công cắt lúa cũng rất khó khăn.
Không chỉ gặp khó khăn trong khâu thu hoạch, mà giá lúa bán vào thời điểm này cũng thấp và khó bán do chất lượng giảm, một phần chất lượng hạt lúa bị ẩm, mốc, nảy mầm vì ngập nước lâu. Có nơi, thương lái chỉ thu mua với giá từ 3.400-3.900 đồng/kg lúa tươi, trong khi chi phí cho sản xuất là 4.146 đồng/kg lúa tươi (tùy theo từng địa phương). Tính ra, nông dân trồng lúa vụ này nhiều nơi bị ảnh hưởng thời tiết sẽ không có lãi, thậm chí bị lỗ.
Tuy nhiên, vẫn còn những nông dân chủ động tìm người mua lúa, kí hợp đồng và chỉ chờ ngày thu hoạch. Điển hình như ông Nguyễn Văn Nỵ, canh tác 4.000m2 tại ấp Phú Hòa Yên, xã Song Phú, Tam Bình, Vĩnh Long. Ông Nỵ chia sẻ, để thu hoạch lúa đúng thời hạn và nhanh chóng, ông ráo riết tìm người mua lúa, kí hợp đồng và đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch liền. Ông đã bán hết lúa với giá 4.150 đồng/kg.
Vẫn tồn kho
Thời gian qua, hợp đồng tập trung xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo không nhiều, nên số gạo tạm trữ trong vụ Đông-Xuân 2012-2013 còn tồn khá lớn, cộng với việc thu mua tạm trữ vụ lúa Hè-Thu gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hồ, Phó Tổng giám đốc Công ty Lương thực, thực phẩm Vĩnh Long cho biết, trong vụ Hè-Thu 2013, công ty được giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ 12.000 tấn gạo.
Hiện nay, công ty vẫn còn tồn kho 50.000 tấn gạo, cần phải xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Mặt khác, giá xuất khẩu hiện nay thấp, chỉ có thể ký hợp đồng với giá từ 365-370 USD/tấn, trong khi đó, giá mua vào đã là 400-405 USD/tấn.
Như vậy, nếu bán gạo trong thời điểm này, công ty sẽ chịu lỗ 35 USD/tấn. Đó là chưa kể đến chất lượng gạo vụ hè thu thấp, khó đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu. Mặt khác, khi thu mua gạo, tạm trữ các doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ lãi suất vay vốn là không phần trăm trong thời gian 3 tháng. Khi qua thời hạn hỗ trợ, lượng gạo tạm trữ chưa bán được, doanh nghiệp vừa trả lãi ngân hàng, vừa mất thêm chi phí tái sơ chế gạo cũ, chất lượng hạt gạo không cao như ban đầu.
Ông Huỳnh Văn Thạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang chia sẻ, hiện nay, để tiếp tục thu mua tạm trữ, công ty phải bán bớt gạo tồn để lấy kho chứa gạo mới. Tuy nhiên, lượng gạo Đông Xuân mua vào với giá cao, nhưng giá bán vào thời điểm này lại thấp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại tỉnh Kiên Giang, lượng gạo tạm trữ trong vụ Đông-Xuân còn tồn lớn chưa tiêu thụ được. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo được tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng hệ thống kho trữ lúa gạo với tổng trữ lượng 104.000 tấn.
Theo Sở Công Thương Kiên Giang, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong tỉnh đang cố gắng không bị thua lỗ, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường và tiêu thụ hàng hóa cho nông dân ở mức giá hợp lý có thể chấp nhận. Như vậy, trước mắt cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều cần có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và thu mua, xuất khẩu gạo nhằm giảm tổn thất lúa, gạo (còn nữa)./.
Hồng Nhung (TTXVN)