Chủ Nhật, 22/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 27/12/2012 10:30'(GMT+7)

Mười sự kiện KH-CN nổi bật năm 2012

Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Sơn La trong ngày khánh thành 23/12. Ảnh:  TTXVN

Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Sơn La trong ngày khánh thành 23/12. Ảnh: TTXVN

 



1. Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển KH-CN

Ngày 1-11, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Với quan điểm phát triển và ứng dụng KH-CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp, Nghị quyết đã đưa ra những mục tiêu chính: Đến năm 2020, KH-CN Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN. Đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) hoạt động KH-CN đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế. Xây dựng được một số sản phẩm quốc gia mang thương hiệu Việt Nam. Hình thành đồng bộ đội ngũ cán bộ KH-CN có trình độ cao, tâm huyết, trung thực, tận tụy. Phát triển các tổ chức, tập thể KH-CN mạnh, các nhà khoa học đầu ngành. Số cán bộ KH-CN nghiên cứu và phát triển đạt mức 11 người trên một vạn dân; tăng nhanh số lượng các công trình được công bố quốc tế và số lượng các sáng chế được bảo hộ trong nước và ở nước ngoài. Phát triển mạnh các doanh nghiệp KH-CN.

2. Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020

Ngày 11-4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020. Chiến lược nêu rõ: trong giai đoạn nói trên ngành KH-CN cần tập trung thực hiện đồng bộ ba nhiệm vụ chủ yếu: Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN; tăng cường tiềm lực KH-CN quốc gia; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, gắn nhiệm vụ phát triển KH-CN với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành. Chiến lược đã vạch rõ những mục tiêu chính cần đạt được: Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10-15%/năm giai đoạn 2011-2015 và hơn 20%/năm giai đoạn 2016-2020. Giá trị giao dịch của thị trường KH-CN tăng trung bình 15-17%/năm. Số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước tăng trung bình 15-20%/năm. Phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho KH-CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và hơn 2% GDP vào năm 2020. Bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho KH-CN không dưới 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm.

3. Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH-CN

Ngày 18-2, tại Hà Nội, Bộ KH-CN và Hội đồng Giải thưởng cấp Nhà nước đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH-CN. Năm nay, 32 công trình, cụm công trình thuộc năm lĩnh vực: Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học tự nhiên, Khoa học kỹ thuật, Khoa học nông nghiệp, Khoa học Y Dược được nhận giải thưởng. Trong đó 12 Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH-CN được trao cho ba công trình và chín cụm công trình đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về KH-CN đã được công bố, sử dụng kể từ năm 1945. 20 Giải thưởng Nhà nước về KH-CN đã được trao tại buổi lễ.

4. Khởi công Trung tâm vũ trụ Việt Nam

Ngày 19-9, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chính thức được khởi công xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Với tổng nguồn vốn 54,4 tỷ Yên (tương đương gần 700 triệu USD), trong đó nguồn vồn ưu đãi ODA của Chính phủ Nhật Bản chiếm 46,5 tỷ yen. Đây là một trong những dự án lớn về khoa học công nghệ của Việt Nam trong 30 năm qua, không chỉ khởi đầu cho bước tiến mới trong lịch sử ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam mà còn khởi đầu cho hợp tác chiến lược Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam dự kiến hoàn thành vào năm 2020 và sẽ là Trung tâm Vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á. Đây là dự án đặc biệt quan trọng trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”. Dự án triển khai thực hiện từ năm 2011 đến năm 2020.

5. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng trở thành di văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Ngày 6-12, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hơn 20 nhà khoa học của Viện Văn hóa nghệ thuật, Viện Hán nôm đã làm việc nghiêm túc và khẩn trương trong thời gian hơn hai năm để hoàn thành bộ hồ sơ và gửi đi đúng thời hạn. Chất lượng của bộ hồ sơ là căn cứ quan trọng để UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc công nhận chỉ là bước đầu, còn nhiều việc chúng ta phải làm để phát huy và thúc đẩy các giá trị của di sản với chính người dân Việt Nam, bảo tồn một cách đúng khoa học để di sản còn tồn tại mãi với những giá trị nguyên gốc của nó.

6. 15 năm Internet có mặt tại Việt Nam

Tính đến tháng 11-2012, sau 15 năm hiện diện và đưa vào khai thác, internet ở Việt Nam đã phát triển với những thành tựu to lớn. Việt Nam có tốc độ phát triển internet rất nhanh với nhiều loại hình dịch vụ truy cập internet đa dạng, được xếp hạng 18/20 quốc gia có số người dùng internet lớn nhất thế giới. Tính đến quý I năm 2012 con số này là 32,4 triệu người, chiếm tỷ lệ 34,1% dân số Việt Nam và bằng 1,4% dân số thế giới. Hiện nay, tất cả các tổ chức trong bộ máy nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học và nhiều gia đình, cá nhân đều kết nối khai thác tài nguyên thông tin trên internet để phục vụ cho hoạt động của mình.

7. KH-CN đóng vai trò quan trọng để Công trình thủy điện Sơn La về đích trước ba năm

Ngày 23-12, tại tỉnh Sơn La đã diễn ra lễ khánh thành Công trình thủy điện Sơn La, về đích trước ba năm so với kế hoạch, làm lợi cho Nhà nước 30 nghìn tỷ đồng. Đây là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á, là công trình mẫu về chất lượng và tiến độ xây dựng. Gần như tất cả các khâu quan trọng trên Công trình thủy điện Sơn La đều do hằng nghìn nhà KH-CN, công nhân lành nghề thực hiện từ quy hoạch dự án, chủ trì thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, thực hiện xây đập hay lắp đặt thiết bị của nhà máy, chế tạo thiết bị thủy công, cẩu trục gian máy. Mấu chốt của sự thành công nằm chính ở công nghệ thiết kế đập cùng hàng loạt sáng kiến KH-CN mới lần đầu tiên ứng dụng. Nổi bật nhất là công nghệ đập bê tông đầm lăn (RCC). Các hạng mục thiết bị cơ khí thủy công như cửa van, kết cấu thép trong bê-tông, đường ống áp lực, thiết bị cẩu, nâng hạ... trước đây phải nhập toàn bộ của nước ngoài thì nay nhiều công ty điện lực tự thiết kế và chế tạo. Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đã chế tạo được cần cẩu sức nâng 1.200 tấn để lắp đặt thành công rô-to các tổ máy với mức độ an toàn, chính xác tuyệt đối.

8. Tiếp tục ghép thành công tế bào gốc cho người bệnh ung thư máu

Ngày 9-11, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc đồng loại cho người bệnh Hoàng Thị Diệu Thuận bị ung thư máu. Đây không phải là ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Tuy nhiên, đây là ca bệnh đặc biệt phức tạp do người bệnh đã điều trị thời gian dài. Mặc dù vậy Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Hà Nội) đã quyết định thực hiện ca ghép tế bào gốc cho người bệnh vào giữa tháng 9. Đến nay, người bệnh đã hoàn toàn lui bệnh và đang trong giai đoạn hồi phục sức khỏe. Ngày 9-11, Hoàng Thị Diệu Thuần được xuất viện và được hướng dẫn theo dõi.

9. Công ty Busaco đoạt Giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á-Thái Bình Dương

Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BUSADCO) đã đoạt giải nhì (Best in Class Award) thuộc Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (IAPQA) - giải thưởng Xuất sắc Toàn cầu năm 2012. BUSADCO là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam đoạt giải trong lĩnh vực Dịch vụ lớn – loại hình doanh nghiệp dịch vụ và là mức giải thưởng cao nhất của Việt Nam năm 2012 trong khuôn khổ giải thưởng này. Trước đó, BUSADCO đã xuất sắc đoạt giải Vàng – Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2011 và được Bộ khoa học Công nghệ đề cử tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương.

10. Thuốc Cedemex phát huy hiệu quả trong hỗ trợ cắt cơn, cai nghiện ma túy

Hội nghị lần thứ tư của Ủy ban Đối ngoại ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam về khu vực Tam giác phát triển (CLV-DTA), ngày 3-8, tại tỉnh Nghệ An, đã ra tuyên bố chung. Nội dung thứ 11 của tuyên bố chung nêu rõ: “Nhất trí việc xây dựng môi trường trong sạch, không ma túy tại khu vực tam giác phát triển và ủng hộ việc chữa trị cho người bệnh nghiện ma túy bằng thuốc truyền thống của Việt Nam, trong đó có thuốc Cedemex và thực hiện thông qua pháp luật mỗi nước”. Cedemex là sản phẩm của đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu đánh giá tính an toàn và hiệu lực thuốc Cedemex giai đoạn hai và ba trong hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy (nhóm Opiates)”, thuốc đã được Hội đồng Khoa học nhà nước nghiệm thu ngày 2-8-2003. Cedemex được Bộ Y tế cho phép ứng dụng tại cộng đồng thuộc tám tỉnh và thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai và Tiền Giang). Năm 2010, Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo đã phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên, tổ chức ứng dụng thí điểm cho 50 người nghiện ma túy tại Trung tâm và theo dõi tại công đồng 24 tháng. Kết quả sau 30 tháng theo dõi tại cộng đồng số người không tái nghiện đạt 28%.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất