Đó là chia sẻ của TS. Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công
ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa-Vũng Tàu (Busadco),
người vừa được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN.
TS. Hoàng Đức Thảo là Chủ nhiệm của cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ
thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống
thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” vừa được trao tặng Giải
thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN lần V năm 2016.
Ông Thảo cho biết công trình gồm 36 sản
phẩm, được chia thành 4 nhóm, đang được ứng dụng tại 42/63 tỉnh, thành
trên cả nước. Tất cả các sản phẩm đều giúp giảm ít nhất 20% chi phí so
với giải pháp truyền thống.
Nhóm thứ nhất là nhóm công
nghệ, giải pháp kỹ thuật, sản phẩm mới góp phần xây dựng đồng bộ hệ
thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tiêu biểu là hệ thống hào kỹ thuật đúc
sẵn lắp ghép dùng để ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Tiếp đến là hệ thống hố ga thu nước mưa
và ngăn mùi kiểu mới, được đúc sẵn lắp ghép, kiểm soát được chất lượng,
tiến độ, thay thế cho các giải pháp truyền thống, chống mùi hôi trong
lòng cống chung (nước mưa lẫn nước thải) thoát ra, hạn chế ngập úng
thoát nước đô thị.
Nhóm thứ 2 là nhóm sản phẩm
KH&CN góp phần xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông thôn,
tiêu biểu có hệ thống kênh, mương tưới tiêu nội đồng kết cấu bằng bê
tông cốt thép, bê tông cốt sợi thành mỏng đúc sẵn, lắp ghép, kiểm soát
được chất lượng, tiến độ...
Nhóm thứ 3 là nhóm sản phẩm
KH&CN mới góp phần bảo vệ môi trường. Có thể kể đến hệ thống thoát
nước, xử lý nước thải cho đô thị nhỏ và các nhà hàng, khách sạn kiểm
soát tận gốc các nguồn xả. Giải pháp này xử lý đồng bộ khép kín quy
trình đấu nối - thu gom - báo đón - truyền tải - xử lý tập trung đạt
tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường bằng công nghệ sinh học tự nhiên.
Cuối cùng là nhóm công nghệ,
giải pháp kỹ thuật, sản phẩm mới góp phần phòng chống thiên tai, ứng phó
với biến đổi khí hậu. Tiêu biểu là công trình nghiên cứu và phát triển
công nghệ, giải pháp kỹ thuật chế tạo các loại cấu kiện bê tông cốt phi
kim mỏng, cấu tạo rỗng, kết cấu lắp ghép nhằm chống xói lở, kiến tạo bờ,
lấn biển quai đê tạo quỹ đất, gây bồi tạo bãi, bảo vệ rừng phòng hộ và
thay thế các loại đê bờ giải pháp truyền thống. Công nghệ này có chất
lượng bền vững lâu dài, giúp chủ động kiểm soát chất lượng, tiến độ,
chống tiêu cực thất thoát, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc
gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong số các sản phẩm trên, công nghệ
làm kè chống xói lở và bảo vệ bờ sông hồ và đê biển là một trong những
sản phẩm ông Thảo tâm đắc nhất. Sản phẩm đã được đưa vào dự án cải tạo
kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên ở TPHCM. Công trình đã thi
công xong, được các cơ quan chức năng liên quan kiểm định chất lượng và
đánh giá cao.
Điểm đặc biệt của kè chống xói lở này là
được đúc sẵn, kết cấu lắp ghép, không dùng thép. Nó vừa chống xói lở
vừa kiến tạo bờ. Do kết cấu theo tường chắn đất, tường trọng lực nên sản
phẩm đặc biệt phù hợp với nơi nền đất yếu. Ưu điểm của sản phẩm này là
chủ động kiểm soát được tiến độ, chất lượng và chi phí chỉ bằng một nửa
so với dùng công nghệ nước ngoài hiện nay.
Ông Thảo kể lại, ông phải đi thực tế và
đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, tham khảo ý kiến chuyên gia... mới
tìm ra được giải pháp hữu hiệu này. “Khi nghiên cứu về kè, chúng tôi
nghiên cứu các giải pháp nhằm chống xói lở và bảo vệ bờ biển trước.
Thành công đầu tiên là công trình kè biển ở bãi biển Đồng Châu (Tiền
Hải, Thái Bình) dài 4 km đã hoàn thành cách đây 2 năm. Một minh chứng
rất rõ về sự phù hợp của công nghệ này là tháng 8/2016, Thái Bình là tâm
điểm của cơn bão số 1, giật cấp 11-13 nhưng đê kè của chúng tôi vẫn
được ổn định, bền vững”.
Ông Thảo cho biết nhóm của ông đã nghiên
cứu và đã đưa ra được nhiều giải pháp. Ví dụ như giải pháp với biển
bồi, biển lở, giải pháp phá sóng từ xa và các giải pháp cân bằng bùn
cát, gây bồi tạo bãi. Còn đối với bờ sông, hồ, vì có rất nhiều loại bờ
khác nhau nên họ đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật và sản phẩm khác nhau,
phù hợp với điều kiện địa chất, địa hình và đặc biệt theo yêu cầu công
năng sử dụng của công trình.
“Chúng tôi đã đến nhiều nơi, tham khảo
các chuyên gia đầu ngành, chuyên sâu trong lĩnh vực này. Đặc biệt, đối
với công nghệ sử dụng tại kênh Tham Lương, chúng tôi đã tổ chức hội thảo
khoa học chuyên ngành chuyên sâu và nhận được các chứng chỉ tiến bộ kỹ
thuật, công nghệ mới, phù hợp của Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN và các cơ
quan chức năng liên quan”, ông Thảo nói.
|
TS. Hoàng Đức Thảo giới thiệu sản phẩm kè tiêu thoát nước cho các nhà khoa học. Ảnh: Dân trí
|
Đam mê của một người thợ
TS. Hoàng Đức Thảo khởi nghiệp tại Công ty Xây dựng số 10 với công việc của thợ xây dựng bậc 3/7.
30 năm qua, từ một công nhân, ông đã không ngừng nỗ lực học tập, phấn đấu trở thành một nhà quản lý, nhà khoa học xuất sắc.
Sản phẩm đầu tay của TS. Thảo là cụm tời
nạo vét cống ngầm thoát nước đô thị, một hệ thống thoát nước đơn giản
nhưng rất hiệu quả trong việc chống ngập úng cũng như bảo vệ sức khỏe
người lao động, giúp họ không phải tiếp xúc trực tiếp với ô nhiễm.
“Lúc đó, do còn nghi ngại nên việc
thuyết phục mọi người ứng dụng công nghệ, sản phẩm sáng tạo KH&CN
mới cực kỳ khó khăn. Nhưng tôi đã rất kiên trì, nhẫn nại, thất bại không
nản và với tôi, điều quan trọng nhất là phải kiên trì, nhẫn nại và có
mục tiêu”, ông Thảo nhớ lại.
Đối với TS. Hoàng Đức Thảo, niềm đam mê
nghiên cứu và ứng dụng KH&CN đã ăn sâu vào máu và nó như một nhu cầu
không thể thiếu của bản thân. Ông làm việc không ngưng nghỉ, thường suy
nghĩ một mình về một ý tưởng, một vấn đề nào đó. Các ý tưởng của ông
gần như đều xuất hiện vào ban đêm, lúc ông say sưa làm việc. “Tôi rà
soát, quản lý công việc hầu hết về ban đêm, ban ngày dành thời gian làm
việc cùng các cộng sự, các tổ, nhóm. Ban ngày cũng là lúc tôi triển khai
và thực hiện các ý tưởng nảy ra đêm trước”, ông Thảo chia sẻ.
“Tôi luôn luôn tâm niệm và suy nghĩ phải
thay đổi giải pháp truyền thống nếu thấy cần thiết. Chúng ta phải luôn
nhận thức và hình thành được những hướng nghiên cứu mới. Nếu cứ đi hoài
theo một lối mòn sẽ không giải quyết được những bất cập, hạn chế hiện
nay thì không bao giờ phát triển nhanh, mạnh và bền vững được”./.
Theo chinhphu.vn