Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 28/9/2017 10:9'(GMT+7)

Mỹ cảnh báo về “sự xuống dốc” trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung

(Nguồn: Getty Images)

(Nguồn: Getty Images)

Cảnh báo được đưa ra sau chuyến thăm làm việc tại Bắc Kinh của ông Ross, trong đó ông có các cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cùng các quan chức thương mại khác của Trung Quốc nhằm tạo tiền đề cho chuyến thăm, làm việc của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Quốc dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Phát biểu trước báo giới, ông Ross cho biết: "Chúng tôi muốn Trung Quốc có những thay đổi lớn. Tôi đã làm rõ điều này với phía Trung Quốc, quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang trở nên xấu đi".

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung trong những tháng gần đây vẫn chưa được giải tỏa. Chính quyền Mỹ mới đây lấy lý do an ninh quốc gia ngăn chặn một quỹ đầu tư Trung Quốc muốn mua lại công ty công nghệ Mỹ Lattice Semiconductor. Tổng thống Trump cũng chỉ trích Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh không nỗ lực hết sức để ngăn chặn các tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Trong các cuộc gặp với quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã bày tỏ quan ngại về sự mất cân đối trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước đồng thời nêu lên sự cần thiết phải thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Theo ông Ross, “điều quan trọng nhất là cần tạo điều kiện tốt hơn để công ty mỗi nước có thể tiếp cận thị trường của nhau”. Ông Ross gọi Trung Quốc là một trong những "quốc gia bảo hộ mạnh mẽ nhất trên thế giới" và Mỹ muốn Trung Quốc hạn chế bớt các hành động này.

Các doanh nghiệp phương Tây cũng bày tỏ quan ngại về kế hoạch 300 tỷ USD của Trung Quốc nhằm xây dựng năng lực tự cung đến năm 2025 trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm cả chíp máy tính và xe điện vì cho rằng điều này có thể tác động xấu tới các công ty nước ngoài. Chính sách trên được biết đến với tên gọi “Made in China 2025”, là một phần trong tham vọng của Bắc Kinh muốn các ngành công nghiệp của mình đứng ở vị trí hàng đầu trên toàn cầu.

Ông Ross bày tỏ: "Chúng tôi hiểu rằng Trung Quốc mong muốn tự cung, nếu Trung Quốc thực hiện điều đó trong một sân chơi tự do và mở thì đó là cuộc chơi công bằng và Mỹ đồng thuận với điều này. Tuy nhiên Mỹ sẽ ngăn chặn việc các công ty Mỹ bị ép buộc phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc để đổi lấy cơ hội được tiếp cận thị trường tại đây".

Trong khi đó, tại cuộc họp với các quan chức Mỹ, Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại đối với việc chính quyền Mỹ muốn mở rộng các hoạt động điều tra các vi phạm sở hữu trí tuệ trong các hoạt động thương mại của Trung Quốc cũng như các hành động quản lý xuất khẩu của Mỹ.

Ông Ross cũng cho rằng Trung Quốc đã gây ra thâm hụt thương mại lớn với Mỹ đồng thời tuyên bố ông sẽ có kế hoạch để thu hẹp khoảng cách thâm hụt này thông qua việc tăng cường xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ Mỹ sang Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Thương mại Ross, mặc dù Mỹ đã ký hiệp định với Trung Quốc để các công ty Mỹ có thể tiếp cận nhiều hơn tới thị trường Trung Quốc trong một số lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp và tài chính, ngân hàng, tuy nhiên hiệp định chưa đem lại hiệu quả như ý.

Tuần trước, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp tăng cường trừng phạt Triều Tiên, trong đó có các biện pháp áp dụng đối với một số công ty Trung Quốc. Bộ trưởng thương mại Mỹ cho rằng mặc dù sắc lệnh liệt kê một số công ty Trung Quốc nhưng nó không nhằm vào Trung Quốc.

Ông Ross đánh giá cao việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chỉ đạo các chi nhánh không thực hiện giao dịch với Triều Tiên đồng thời coi “đó là một bước tiến quan trọng". Tuy vậy, ông cho rằng trong chuyến công tác của ông tại Bắc Kinh vừa qua, "cả Mỹ và Trung Quốc đều không có nhượng bộ"./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất